Chiều ngày 01 tháng 8 năm 2014, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học”do PGS.TS. Tống Trung Tín làm chủ biên. Buổi nghiệm thu có sự tham gia của những nhà khảo cổ học gạo cội: PGS.TS. Hoàng Văn Khoán, PGS.TS. Hán Văn Khẩn và PGS.TS. Trình Năng Chung. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của những nhà sử học nổi tiếng: GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam và PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và đặc biệt là TS. Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên đề tài trình bày đề cương trước Hội đồng. Ảnh: Đ. Tùng.
Theo nhận định của Hội đồng nghiệm thu, Đề tài được thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS. Tống Trung Tín - Nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. PGS.TS. Tống Trung Tín là một trong những chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học ở Việt Nam hiện nay. Ông cũng là người chủ trì khai quật các địa điểm thuộc Kinh thành Thăng Long như: 18 Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên, Đoan môn, Bắc môn, Hậu lâu, 11 Trần Phú, Đàn Xã tắc, Đàn Nam giao, nút giao thông Văn Cao, Đào Tấn… Hơn thế, Phó giáo sư cũng đã cho ra mắt khá nhiều các công trình nghiên cứu sâu rộng về vấn đề này. Do đó, đề tài này sẽ là sự chắt lọc tinh hoa của những công trình đi trước. Việc Ban Quản lý Dự án lựa chọn đề tài và người chủ biên công trình để đưa vào Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II là vô cùng xác đáng.
Mục đích đầu tiên của đề tài “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” là việc giới thiệu khái quát các cuộc khai quật khảo cổ trên đất Thăng Long - Hà Nội. Từ đó, một kho tàng di sản văn hóa vô giá của dân tộc được hé lộ, tiêu biểu là cụm di tích Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 2010. Đồng thời, đề tài cũng phản ảnh một hình ảnh khá đầy đủ về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến và những thành tựu to lớn của người Thăng Long xưa. Với mong muốn trình bày một cách ngắn gọn và cô đọng nhất những nội dung trên, nhóm biên soạn đã thể hiện ý tưởng bằng nhiều hình ảnh, bản vẽ có giá trị thẩm mỹ cao. Bởi vậy, đề tài được xếp vào dạng sách ảnh. Bên cạnh phần lời, ngôn ngữ hình ảnh sẽ được diễn đạt cô đọng, súc tích, dễ hiểu đối với bạn đọc. Đây là điểm nhấn quan trọng và thể hiện tính hấp dẫn của công trình.
GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vă Quý.
Tại buổi họp, dưới sự chủ trì của GS. Phan Huy Lê nhiều vấn đề đã được sáng rõ, nhất là ở tên gọi của đề tài. Có ý kiến cho rằng nếu để tên đề tài là: “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” thì về mặt thời gian nó sẽ bao gồm cả tiền Thăng Long và hậu Thăng Long. Do đó, cần phải chỉnh sửa lại tên đề tài nếu không phải có giới thuyết rõ ràng. Theo ý kiến của PGS.TS. Vũ Văn Quân thì tên đề tài có thể chỉnh sửa thành: “Thăng Long - Hà Nội: Những khám phá khảo cổ học”, tức là bỏ chữ “Kinh đô” và thêm vào đó là chữ “Hà Nội”. Tuy nhiên, giáo sư chủ tịch đã chỉ rõ: Việc để “Thăng Long - Hà Nội” là quá rộng, chỉ nên giới hạn trong phạm vi Kinh thành Thăng Long. Và nếu để là “Kinh thành Thăng Long” thì mặc nhiên giới hạn về thời gian là từ Lý đến cuối Lê. Và như vậy, tên đề tài đúng như bản đề cương là hoàn toàn chuẩn xác.
PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Ủy viên hội đồng, phát biểu ý kiến. Ảnh: Đ. Tùng
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng góp ý cho chủ biên công trình về kết cấu nhằm giúp cho bản đề cương được hợp lý, khoa học và hoàn thiện hơn nữa. Cụ thể là: Chương I nên chuyển thành phần tổng quan. Trong đó cần xác định rõ nội dung trên hai phương diện: Phương diện thứ nhất là về mặt tự nhiên, hình thái, núi sông… của kinh đô Thăng Long; Phương diện thứ hai là những biến đổi trong tiến trình lịch sử. Ở phần này, người viết có thể đưa vấn đề tiền và hậu Thăng Long để làm bật lên thời điểm Kinh đô Thăng Long. Chương II nên chia thành 3 chương, với cách chia theo trục không gian. Từ đó, ta có 3 chương tương ứng với 3 không gian lớn (trục Trung tâm cấm thành; địa điểm 18 Hoàng Diệu và những địa điểm khảo cổ khác). Tuy lấy không gian để chia thành 3 mảng nhưng vẫn cần phải bám sát trục thời gian theo tiến trình lịch sử. Ở đây cần có sự kết hợp giữa không gian và thời gian. Chương III nên đặt lại tên là “Giá trị tiêu biểu của di sản”. Bởi để “Giá trị nổi bật toàn cầu” thì chưa được chính xác, chỉ có khu trung tâm mới có giá trị toàn cầu và được UNESCO công nhận.

PGS.TS Trình Năng Trung, Ủy viên hội đồng, phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Quý.
Ngoài ra, các ý kiến của Hội đồng cũng thống nhất tính chất của đề tài cần đáp ứng hai yêu cầu căn bản: Thứ nhất là đảm bảo tính khoa học, nghiêm cẩn, chặt chẽ về mặt khảo cổ học; Thứ hai là cần có tính phổ cập trong cách viết, cách trình bày để bạn đọc phổ thông không chỉ hiểu rõ mà còn thấy hứng thú. Điểm mấu chốt của công trình là những khám phá khảo cổ cần được khai thác triệt để, nhất là những hiện vật, di tích chưa công bố. Bên cạnh những di tích, di vật điển hình thì những di tích, di vật có giá trị mà chưa được công bố phải ưu tiên hàng đầu. Đó sẽ là điểm mới của cuốn sách này so với những cuốn sách khác. Hơn thế, GS. Phan Huy Lê cũng đặc biệt lưu ý: Đây không đơn thuần là sách ảnh mà còn là sách nghiên cứu. Chủ biên đề tài cần lưu tâm đến mối tương quan giữa phần lời và phần ảnh. Phần lời không quá dài nhưng phải đầy đủ. Phần ảnh cần chiếm một tỉ lệ phù hợp, phải có sự chọn lọc và được thể hiện một cách hết sức sinh động.

Nhà báo Nguyễn Kim Sơn, Trưởng ban Quản lý Dự án, đại diện chủ đầu tư, phát biểu. Ảnh: Đ. Tùng
Cũng tại buổi họp, đại diện Ban Quản lý Dự án - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội - Ông Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra một số ý kiến góp ý. Trước hết là đồng tình với cách phân chia bố cục các chương phần mà Hội đồng đã đóng góp. Ông Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá cao tinh thần làm việc của PGS.TS. Tống Trung Tín, đồng thời lưu ý chủ biên tập trung vào phần tổng quan, có lựa chọn ảnh thích hợp cùng đầy đủ chú thích đi kèm.
Có thể nói, với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm Hội đồng nghiệm thu đề cương đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chủ công trình đã nhận được những đóng góp quý báu để bản đề cương được hoàn thiện hơn. Hy vọng trong thời gian không xa, cuốn sách ảnh “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” sẽ được ra đời, góp phần quảng bá hình ảnh Thăng Long - Hà Nội không chỉ với người dân trên cả nước mà còn với bạn bè quốc tế.
Phạm Trang
Nhà xuất bản Hà Nội