Thành phần tham dự chính tại buổi kiểm tra bao gồm: về phía chủ đầu tư có ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Trưởng Ban Quản lý Dự án, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án, Phó Trưởng Ban Quản lý; về phía Ban Tư vấn chuyên môn có nhà thơ Bằng Việt - Trưởng Ban TVCM mảng sách Văn học - Nghệ thuật; về phía chủ công trình có GS.TS. Trần Ngọc Vương và cộng sự là ThS. Mai Thị Thu Huyền. Bên cạnh những thành phần chính còn có sự tham dự của nhân viên văn phòng Dự án và các biên tập viên Nhà xuất bản.
Trong buổi kiểm tra, GS.TS. Trần Ngọc Vương đã báo cáo cụ thể và rõ ràng về tình hình biên soạn. Trước hết là việc hoàn thành bài viết tổng luận. Đối với GS.TS. Trần Ngọc Vương thì “Tuyển tập Tản Đà” là đề tài không mới. Giáo sư đã có một thời gian khá dài (gần 40 năm) làm về Tản Đà. Do đó, về mặt tư liệu và những bài nghiên cứu là rất phong phú, khá đầy đủ và sâu sắc. Tuy nhiên, để phục vụ cho bài tổng luận của cuốn sách, GS.TS. Trần Ngọc Vương đã lựa chọn phần viết về Tản Đà trong giáo trình đại học “Văn học Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ XX” mà mình đã từng chấp bút, làm trục chính. Tất nhiên là không thể đưa nguyên vào mà có sự chắt lọc và sửa chữa để phù hợp hơn cho việc mở đầu một tuyển tập. Như vậy là, cái khung của bài viết đã được dựng, các ý tưởng cụ thể đã được hình thành, chỉ cần có sự kết nối và trau chuốt hơn. Có thể nói, bài tổng luận về cơ bản đã hoàn thành được 80%. Hơn nữa, GS.TS. Trần Ngọc Vương cũng khẳng định, với tâm huyết của một nhà khoa học giáo sư sẽ dành hết sức để viết, không chỉ với những tư liệu hàn lâm sẵn có mà còn bằng những tư liệu từ trải nghiệm thực tế của chính bản thân mình.

GS.TS. Trần Ngọc Vương (chủ biên) và đại diện nhóm biên soạn ThS. Mai Thị Thu Huyền, báo cáo kết quả thực hiện. Ảnh: Văn Chiến
Nói đến Tản Đà, qua những nghiên cứu của giáo sư Vương thể hiện tâm huyết, khiến người đọc, người nghe bị cuốn vào dòng cảm xúc của ông. Giáo sư đã đề cập đến nhiều khía cạnh xoay quanh Tản Đà với những trước tác, những quan niệm, những thói quen, những cái mới, cái lạ, cái độc, cái tôi… và cả những phê bình, tranh luận của các học giả đương thời ngày đó như Phạm Quỳnh, Phan Khôi... Tất cả đều chỉ ra rằng việc nghiên cứu về Tản Đà, việc lựa chọn những tác phẩm của Tản Đà để tuyển là không hề đơn giản chút nào. Nếu lấy các tác phẩm trong “Tản Đà toàn tập” thì rất nhanh, nhưng để người đọc thấy được những sắc thái độc đáo, mang dấu ấn riêng của Tản Đà thì chủ biên và nhóm biên soạn phải bỏ nhiều công sức tìm kiếm, chọn lựa. Ví như các bài viết trên báo (đặc biệt là phần bình văn) hay như các tác phẩm trong cuốn “Tản Đà vận văn” do Nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành. Cụ thể như sau:
+ Phần thơ: 223 bài thơ (155 trang A4)
+ Phần văn xuôi: Đã hoàn thành phần tuyển truyện sáng tác của Tản Đà (“Giấc mộng con I và II”, “Giấc mộng lớn”, “Khối tình”, “Thề non nước”, “Kiếp phong trần”, “Trần ai tri kỷ”). Văn bản được tuyển từ các quyển: “Giấc mộng con”, “Tản Đà tùng văn”, “Giấc mộng lớn”, “Tản Đà văn tập” - quyển nhất; Đang tuyển chọn phần ký, tản văn và nghị luận của Tản Đà.
+ Phần dịch thuật: Đã chụp được văn bản Kinh thi do Tản Đà dịch cùng Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô (Quyển thứ nhất, Nghiêm Hàm ấn quán, 1942) và bản dịch “Liêu trai chí dị” gồm 19 truyện (Quyển dưới, NXB Tân Dân, 1939); Đang sưu tầm quyển trên của bản “Liêu trai chí dị” (19 truyện); Sưu tầm và đánh máy xong 61 bản dịch thơ Đường của Tản Đà trên báo Ngày nay.
+ Phần phê bình, nghiên cứu: Đã sưu tầm được “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện”; Đang sưu tầm những bài nghiên cứu trên báo chí của Tản Đà.
Bên cạnh đó, nhóm biên soạn cũng đã sưu tầm được một số bài viết dưới dạng hồi ức, kỷ niệm về Tản Đà như: Bản điếu văn của Đinh Gia Trinh, “Tôi với Tản Đà thi sĩ” (Phan Khôi), “Tản Đà ở Nam Kỳ” (Ngô Tất Tố), “Chén rượu vĩnh biệt, Tản Đà - một kiếm khách” (Nguyễn Tuân)…
Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Tuyển tập Tản Đà”, chiều ngày 8/8/2014. Ảnh: Văn Chiến
Như vậy là, phần tuyển tác phẩm đã đạt được khoảng 70% khối lượng công việc. Từ đó cho thấy sự nỗ lực hết mình của nhóm biên soạn và tính khả thi của bản thảo. Tuy nhiên, GS.TS. Trần Ngọc Vương cũng có một số vấn đề băn khoăn cần xin ý kiến Ban Tư vấn và Chủ đầu tư Dự án. Đó là vấn đề về những tác phẩm không phải của chính Tản Đà như: “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện” và “Tản Đà thực phẩm”. “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện” là tác phẩm của Nguyễn Du, Tản Đà chỉ bình về tác phẩm này (khoảng 150 trang). Nhưng nó lại là một cách phê bình rất độc đáo. Còn “Tản Đà thực phẩm” là của Nguyễn Tố chấp bút, tuân thủ theo di ý của Tản Đà. Tác phẩm đem lại cho người đọc một phương diện khác về con người và nghệ thuật ẩm thực của Tản Đà. Tác phẩm cũng có tính hấp dẫn riêng. Nếu chúng ta không tuyển những tác phẩm này thì rất tiếc. Còn nếu đưa vào thì chúng ta cần chuẩn bị mọi trường hợp để giải thích cho những vấn đề này khi ra sách.
Bên cạnh những ý kiến hoan nghênh về sự nỗ lực và kết quả đạt được cho đến thời điểm này của nhóm biên soạn, nhà thơ Bằng Việt cũng giải đáp vướng mắc mà GS.TS. Trần Ngọc Vương đã nêu. Theo ý kiến của nhà thơ thì vẫn nên tuyển đầy đủ hai tác phẩm “Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện” và “Tản Đà thực phẩm”. Bởi hai tác phẩm đó rất thú vị và độc đáo, liên quan đến một cách nhìn mới về Tản Đà và cả những vấn đề về lịch sử nhằm đối chiếu, so sánh và suy ngẫm. Ngoài ra, nhà thơ cũng đề nghị chủ công trình cần tuyển thêm một số tác phẩm như: “Nhàn tưởng”, “Quốc sử Huấn mông”…
Đại diện Ban Quản lý Dự án - ông Nguyễn Kim Sơn cũng nhất trí với ý kiến của nhà thơ Bằng Việt. Duy chỉ lưu ý chủ biên về mặt dung lượng của bản thảo và độ tinh tuyển của tác phẩm. Bởi đây là “tuyển tập” chứ không phải “toàn tập”. Về một số tác phẩm không tìm được thì cũng phải chấp nhận (như 4 vở kịch của Tản Đà). Tuy nhiên, chủ biên cần giới thuyết rõ trong bài tổng luận của công trình những mặt còn hạn chế. Với một tinh thần làm việc nhanh chóng, tiến độ đảm bảo, chủ đầu tư rất hy vọng đề tài này sớm được hoàn thiện.
Tóm lại, dưới ngòi bút sắc sảo của GS.TS. Trần Ngọc Vương, Tản Đà sẽ được giới thiệu chính diện hơn với tư cách là một tác gia văn học lớn của Hà Nội và của cả dân tộc. Chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc mong chờ cuốn sách ra đời.
Phạm Trang
Nhà xuất bản Hà Nội