Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo hai đề tài “Địa lý Hà Nội” và “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội”
Thứ hai, 25/08/2014 10:43

Vào lúc 8h30’ ngày 02/8/2014, Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II đã tổ chức họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo hai đề tài: “Địa lý Hà Nội” do GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh chủ biên và “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” với chủ biên là GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức. Cuộc họp có sự tham gia của Ban Quản lý Dự án, Ủy viên Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Địa lý GS.TS. Trương Quang Hải cùng chủ biên và nhóm biên soạn các đề tài.


Trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến từ giai đoạn I đến giai đoạn II, so với các mảng sách khác, số lượng cơ cấu đề tài của mảng sách Địa lý không nhiều tuy nhiên đây cũng là mảng sách tập trung nhiều đề tài trọng điểm, có tính chất tương đối phức tạp, quy mô lớn và cần phải đầu tư nhiều về thời gian cũng như kinh phí thực hiện, trong đó có “Địa lý Hà Nội” và “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội”. Chính vì thế Ban Quản lý Dự án đặc biệt quan tâm đến vấn đề chất lượng cũng như tiến độ biên soạn của các công trình này. Theo đúng quy trình biên soạn của Tủ sách, dựa trên cơ sở khối lượng công việc các chủ biên đã thực hiện được sau khi đề cương các đề tài được nghiệm thu thông qua, Ban Quản lý Dự án NXB Hà Nội đã tổ chức buổi kiểm tra nhằm nắm bắt được tiến độ biên soạn đề tài cũng như phối hợp với các chủ biên giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình biên soạn.


GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh chủ biên đề tài “Địa lý Hà Nội” báo cáo kết quả đã đạt được và kế hoạch trong thời gian tới.. Ảnh: Đ.Tùng

GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh và GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức đã báo cáo cụ thể về các công việc đã thực hiện được sau khi đề cương chi tiết được nghiệm thu. Theo đó, trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng chuyên môn, các chủ biên đề tài đã xây dựng lại đề cương chi tiết, điều chỉnh bố cục đồng thời bổ sung thêm các vấn đề đảm bảo tính đầy đủ và khoa học của công trình và trên cơ sở đó bắt tay vào khâu biên soạn bản thảo. Tại buổi họp, các chủ biên cũng đã trình bày và giới thuyết khá chi tiết về sản phẩm của các đề tài thể hiện qua bản sơ thảo các phần, chương mục đã được chắp bút, qua đó có thể thấy được cho đến thời điểm hiện tại, các công trình đều đã đạt được khoảng 50% so với khối lượng công việc đặt ra.

Với tính chất, quy mô đồ sộ của một đề tài mang tính tổng hợp nhiều phương diện về địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế - xã hội của Thủ đô nên bản thảo “Địa lý Hà Nội” sẽ do nhiều nhà nghiên cứu cùng chắp bút dưới sự chủ trì, chủ biên của GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh. Với sự tham gia của những nhà nghiên cứu chuyên sâu ở những lĩnh vực khác nhau sẽ đảm bảo được tính khoa học và chất lượng chuyên môn nhưng cũng là một khó khăn đặt ra đối với chủ biên đề tài trong việc đảm bảo được tính hệ thống xuyên suốt của công trình. Mặt khác GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh cho biết việc xử lý, đảm bảo chất lượng của hệ thống bản đồ - một yếu tố quan trọng của đề tài cũng là một vấn đề không dễ dàng.


GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức (chủ biên) và nhóm biên soạn đề tài “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội
báo cáo kết quả đã đạt được và kế hoạch trong thời gian tới.. Ảnh: Đ.Tùng

Đối với “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội”, chủ biên GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức cho rằng việc mở rộng khảo sát nghiên cứu vấn đề dân cư, di dân thêm cả ở thời điểm Thăng Long theo ý kiến đề xuất của Hội đồng nghiệm thu đề cương không thực sự khả thi. Chính vì thế, trong giới hạn của công trình hiện tại, nhóm biên soạn vẫn xác định trọng tâm phạm vi nghiên cứu là Hà Nội và sẽ cố gắng bổ sung, mở rộng thêm thời điểm Thăng Long ở những chương mục cần thiết. Chủ biên cũng cho biết mặc dù tư liệu khá phong phú và có sự kế thừa kết quả nghiên cứu từ trước nhưng vẫn cần phải đầu tư nghiên cứu mới, đặc biệt việc tra cứu những thay đổi về địa danh, địa giới cũng là một trở ngại lớn trong quá trình biên soạn. Bên cạnh đó, vấn đề băn khoăn lớn nhất của chủ biên đề tài chính là việc dung hòa được hai phong cách khoa học hàn lâm và phổ thông để cuốn sách có thể hướng tới phục vụ đối tượng bạn đọc rộng rãi.


Đại diện của Ban TVCM mảng sách Địa lý, GS.TS. Trương Quang Hải phát biểu đóng góp ý kiến với chủ biên và nhóm biên soạn. Ảnh: Đ.Tùng

Tham dự cuộc họp với tư cách đại diện của Ban TVCM mảng sách Địa lý, GS.TS. Trương Quang Hải cho rằng với những kết quả đạt được cho đến thời điểm hiện tại cho thấy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự cố gắng rất cao của tập thể biên soạn hai đề tài. Ông đánh giá với đội ngũ biên soạn có năng lực chuyên môn dưới sự chủ biên của hai nhà nghiên cứu GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh và GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức, hai công trình đã đạt được tiến độ biên soạn đúng với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, công trình đã cập nhật được những số liệu mới, kết hợp chặt chẽ giữa bản đồ và các bảng số liệu, có được tính khoa học và hệ thống cao - một vấn đề mà không nhiều công trình nghiên cứu về địa lý hiện nay có được. Bên cạnh đó, GS.TS. Trương Quang Hải đề xuất thêm một số ý kiến về bản thảo “Địa lý Hà Nội” để chủ biên tham khảo như: Với  cần bổ sung vấn đề nhịp điệu mùa trong chương về Khí hậu, trong phần này cũng lưu ý tránh sự trùng lặp giữa các kiểu thời tiết cực đoan với vấn đề tai biến; Phần Thổ nhưỡng cần khái quát đặc điểm chung còn đặc điểm phân bố nên trình bày đi kèm với việc giới thiệu các loại đất; trong phần Địa lý Kinh tế nên phân tích thêm về kinh tế truyền thống để thấy được quá trình phát triển của Hà Nội...

Thay mặt Ban Quản lý Dự án, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án đánh giá cao tính khả thi của các công trình về cả tiến độ và chất lượng. Với công trình có sự tham gia của nhiều tác giả như “Địa lý Hà Nội”, ông Phạm Quốc Tuấn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của chủ biên trong việc tổng hợp, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt của các chương phần trong chỉnh thể công trình. Về đối tượng phục vụ của cuốn sách, ông Phạm Quốc Tuấn cho rằng mỗi nhóm độc giả với khả năng và nhu cầu đọc riêng sẽ có mức độ khai thác sách khác nhau, bởi thế các chủ biên lưu ý cố gắng dung hòa giữa hai phong cách hàn lâm và phổ thông nhưng quan trọng nhất vẫn cần phải đảm bảo được tính khoa học của công trình nghiên cứu.


Ban Quản lý Dự án đánh giá cao tính khả thi của các công trình về cả tiến độ và chất lượng. Ảnh: Đ.Tùng

Mặc dù kết quả công việc đã hoàn thành cho đến thời điểm này của tập thể biên soạn “Địa lý Hà Nội” và “Dân cư và quá trình di dân trên đất Hà Nội” rất đáng ghi nhận tuy vậy khối lượng công việc còn lại vẫn rất lớn. Hy vọng với tâm huyết, sự cố gắng của các nhà khoa học dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh và GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức, hai cuốn sách sẽ sớm ra mắt bạn đọc và sẽ là những ấn phẩm nổi bật của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.


Hoàng Thị Thùy Linh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá