Xác định được tính chất của đề tài với khối lượng công việc khá lớn, ngay sau khi đề cương chi tiết đề tài được nghiệm thu thông qua, nhóm biên soạn do TS. Lưu Minh Trị chủ biên đã khẩn trương triển khai các công tác phục vụ cho việc biên soạn. Cho đến thời điểm hiện nay, tập thể biên soạn đã hoàn thành một số hạng mục công việc đáng kể như: Chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương chi tiết đề tài đặc biệt là xây dựng tiêu chí về làng cổ Hà Nội làm cơ sở cho việc tuyển chọn; Khảo sát một số làng cổ và phòng Văn hóa Thông tin huyện, xã; Trao đổi, thảo luận với các phòng Văn hóa Thông tin huyện và quận về danh mục các làng cổ đưa vào Đề án từ đó thống nhất chọn ra 87 làng cổ tiêu biểu toàn thành phố Hà Nội; Ký hợp đồng với các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu viết 80% số lượng làng cổ được chọn.
Báo cáo tại buổi họp, TS. Lưu Minh Trị và TS. Nguyễn Thị Dơn - nhóm biên soạn cho biết Ban chủ nhiệm đề tài đã triển khai theo một quy trình chặt chẽ, bài bản và khoa học: gửi công văn về đề tài đến Phòng Văn hóa Thông tin của các quận, huyện đồng thời tổ chức họp bàn, thảo luận dựa trên các tiêu chí đã đặt ra để thống nhất lựa chọn những làng cổ tiêu biểu nhất của thành phố Hà Nội. Ban chủ nhiệm đề tài cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết để tổng hợp tư liệu đồng thời tổ chức khảo sát, điền dã để sưu tầm thêm tư liệu mới về các làng cổ được lựa chọn và giao cho nhiều nhà khoa học cùng các cán bộ Văn hóa Thông tin của quận, huyện, xã chắp bút bài giới thiệu.
TS. Lưu Minh Trị và TS. Nguyễn Thị Dơn - nhóm biên soạn báo cáo tiến độ thực hiện đề tài. Ảnh: Đ.Tùng
Xây dựng được danh mục 87 làng cổ tuyển chọn vào sách từ khoảng 1900 làng của thành phố Hà Nội sau khi mở rộng, với nhóm biên soạn có thể nói là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn. Mặc dù đã xác định tiêu chí khá rõ ràng, cụ thể tuy nhiên vấn đề mà tập thể biên soạn luôn băn khoăn, trăn trở trong suốt quá trình triển khai bản thảo đó chính là việc phải cân nhắc để lựa chọn ra những làng cổ thực sự tiêu biểu, không bỏ sót những làng cổ xứng đáng được vinh danh để cuốn sách khi ra mắt có thể đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của đông đảo bạn đọc.
Trong thời gian tới, nhóm biên soạn sẽ tập trung vào một số công việc như: Tiếp tục khảo sát về làng cổ Hà Nội, đi sâu trao đổi về thực trạng và giải pháp bảo tồn làng cổ; Tiếp tục triển khai viết bài giới thiệu 20% làng cổ còn lại trong danh mục và triển khai viết một số chuyên đề về tổng quan làng cổ Hà Nội; Chuẩn bị cho việc tổ chức Hội thảo về đề tài dự kiến vào tháng 1/2015.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - Trưởng Ban TVCM mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội phát biểu. Ảnh: Đ.Tùng
Là Trưởng Ban TVCM mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội đồng thời là thành viên Hội đồng nghiệm thu đề cương đề tài, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ nhận định Ban chủ nhiệm đề tài “Làng cổ Hà Nội” đã bám sát vào đề cương với những định hướng đã được Hội đồng cùng Chủ đầu tư phê duyệt để biên soạn bản thảo. Ông đánh giá quy trình triển khai của tập thể biên soạn công phu, nghiêm túc, trên tinh thần chọn lựa công tâm và dân chủ, chắc chắn sẽ hạn chế được những phản hồi không đáng có của dư luận sau khi xuất bản. PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ lưu ý nhóm biên soạn có thể rà soát, lựa chọn bổ sung thêm một số làng thực sự có giá trị và cân nhắc thêm về dung lượng của công trình.
Tán thành những đánh giá của đại diện Ban TVCM PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng Ban Quản lý Dự án cho rằng đây là một đề tài khó, phức tạp nhưng nhóm biên soạn đã lựa chọn được phương pháp triển khai phù hợp, đúng đắn, khoa học bởi thế hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng cũng như tiến độ của công trình. Theo quan điểm của ông Nguyễn Kim Sơn không cần quá cứng nhắc trong quy định về dung lượng mỗi bài viết mà quan trọng hơn cả chính là chất lượng nội dung các bài giới thiệu cần phải làm toát lên được giá trị và thể hiện sự xứng đáng của các làng cổ khi được lựa chọn. Ông cũng nhấn mạnh với công trình này, vai trò của bài Tổng quan rất quan trọng, trong đó cần chú ý giới thuyết, làm rõ các vấn đề liên quan đến tiêu chí và quy cách tuyển chọn của người biên soạn cũng như giới hạn khuôn khổ cuốn sách trong thời điểm hiện tại để có thể giải đáp được những băn khoăn của bạn đọc rộng rãi. Số lượng 87 làng được tuyển chọn theo ông Nguyễn Kim Sơn là khá phong phú tuy nhiên nếu có thể vẫn cần tiếp tục rà soát, cân nhắc để không bỏ sót những làng cổ xứng đáng được tôn vinh.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư phát biểu. Ảnh: Đ.Tùng.
Đánh giá cao kết quả đã đạt được và ghi nhận sự cố gắng, tâm huyết của tập thể biên soạn, sau cuộc họp Chủ đầu tư NXB Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung kinh phí tạo điều kiện cho nhóm biên soạn tiếp tục thực hiện đề tài.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội