Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội theo dòng lịch sử nghìn năm
Thứ hai, 25/08/2014 04:47

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội đã có những biến động không ngừng. Bên cạnh những công trình đã bị hủy hoại, vẫn còn không ít công trình tồn tại với thời gian. Dù các phong cách kiến trúc có những sắc thái riêng, hay có sự hòa trộn thì kiến trúc Thăng Long - Hà Nội vẫn mang đậm bản sắc văn hóa riêng và không ngừng phát triển. Với mục đích vừa tổng kết lịch sử hình thành và phát triển của kiến trúc đô thị từ xưa đến nay vừa đóng góp vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của kiến trúc Hà Nội trong quản lý và quy hoạch, “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” do KTS. Lê Văn Lân chủ biên là một công trình đáng được mong đợi của nhiều độc giả. 

Để cuốn sách “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” được hoàn thiện trước khi xuất bản, Ban Quản lý Dự án Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu và xin ý kiến của các nhà khoa học ngay từ khâu đề cương. Buổi họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài được diễn ra vào sáng ngày 14/8/2014, có sự tham dự của các nhà kiến trúc sư, các nhà khoa học (KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội đồng, TS. Phạm Sỹ Liêm); đại diện Ban TVCM mảng sách Văn học - Nghệ thuật (nhà thơ Bằng Việt - Trưởng ban) cùng chủ đầu tư và các biên tập viên Nhà xuất bản.

KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Ảnh: Văn Quý.

Đây là một đề tài được xác định là một trong 9 chuyên ngành lớn của Ban Văn học - Nghệ thuật thuộc Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đề tài đã được đặt ra từ giai đoạn I nhưng chưa thể triển khai được. Do đó, đến giai đoạn II này Ban Văn học - Nghệ thuật đã phối hợp cùng với chủ đầu tư quyết tâm thực hiện và mời KTS. Lê Văn Lân làm chủ biên cùng với một số nhà kiến trúc sư có uy tín (như: Đặng Thái Hoàng, Trần Hùng…). KTS. Lê Văn Lân cũng là người chắp bút cho công trình “55 năm kiến trúc Hà Nội”, được in trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Như vậy là đề tài “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội” được đặt trong hệ thống của mảng sách Văn học - Nghệ thuật của Tủ sách. Vì vậy, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội được trình bày theo dòng lịch sử trong suốt 10 thế kỷ theo như bản đề cương là điều hợp lý. Đây cũng chính là ý đồ ban đầu của chủ đầu tư đặt hàng KTS. Lê Văn Lân thực hiện cuốn sách. Điều này cũng khẳng định rõ hướng viết chính của đề tài là lịch sử kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, không phải là nếu kiến trúc thuần túy hay lịch sử đô thị Hà Nội. Đây chính là xương sống của công trình, là đáp án rõ ràng nhất cho nhiều câu hỏi mà các thành viên Hội đồng đã đặt ra.

Tuy lấy lịch sử làm dòng mạch chính của đề tài, chủ biên vẫn không quên thể hiện rõ bản sắc và phong cách kiến trúc qua từng thời đại, đồng thời có sự tổng kết kiến trúc Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử nghìn năm. Điều đó hoàn toàn hợp lý với tên gọi “Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội”. Nói đến kiến trúc không thể không nói đến những giá trị di sản và bản sắc văn hóa của kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Vấn đề là việc nói đến các giá trị, bản sắc văn hóa kiến trúc được lồng ghép vào các giai đoạn của từng chương phần hay phân tách thành một chương riêng. Các ý kiến trong Hội đồng đa phần thống nhất việc lồng ghép vào mỗi chương. Bởi cách viết đó sẽ tăng tính hấp dẫn cho người đọc.Tuy nhiên, vấn đề này còn tùy thuộc vào tài năng cũng như sự linh hoạt, biến hóa trong cách viết của người chấp bút.

KTS. Lê Văn Lân chủ biên đề tài trình bày tóm tắt đề cương chi tiết trước Hội đồng. Ảnh: Văn Chiến.

Phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp lịch sử, nhưng sự phân chia kết cấu không thể thuần túy theo phần kỳ lịch sử. Bởi lịch sử không có sự trùng khít với sự phát triển của kiến trúc. Do đó, Hội đồng đã thống nhất việc chia chương phần theo khoảng thời gian, đóng góp nhiều cho chủ công trình về mặt kết cấu của đề tài. Cụ thể với phần mở đầu, kết luận và 5 chương dự kiến như sau:

- Phần mở đầu: Bối cảnh trước định đô (lấy chương I của bản đề cương)

- Chương I:Thời phong kiến

- Chương II: Cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX (Hà Nội trở thành nhượng địa, thời Pháp thuộc và thời tạm chiếm)

- Chương III: Nửa sau thế kỷ XX

- Chương IV: Thế kỷ XXI (thời hội nhập, thiên niên kỷ mới, góc độ đô thị hóa, kiến trúc phát triển mạnh)

- Chương V: Phân tích bản sắc kiến trúc

- Phần kết luận (lấy chương VII trong bản đề cương)

Không chỉ thế, KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội đồng cũng lưu ý chủ biên về việc xác định rõ các giai đoạn, như sự phân kỳ năm1954 để ở thời kỳ cận đại là chưa chính xác; lấy mốc 1920 để phần định là thiếu căn cứ nên lấy mốc 1925 (năm bắt đầu đào tạo lứa kiến trúc sư đầu tiên) hay vấn đề khá nhạy cảm của kiến trúc theo xu hướng xã hội chủ nghĩa…

TS. Phạm Sỹ Liêm - Ủy viên Hội đồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Quý

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ rõ mối tương quan giữa kiến trúc và quy hoạch. Nói đến kiến trúc nhất thiết phải nói đến quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch chỉ cần điểm xuyết không nên quá chú trọng. Ngoài ra, vấn đề Hà Nội mở rộng (từ tháng 8/2008) cũng đặt ra không ít thách thức cho chủ biên công trình. Di sản văn hóa kiến trúc có giá trị không chỉ trong nội thành cũ mà bao gồm cả vùng Hà Tây (cũ) - một văn hóa xứ Đoài với nhiều màu sắc, vùng Mê Linh và nhiều vùng khác. Các ý kiến đều cho rằng, nếu chủ biên chưa khai thác được sâu phần Hà Nội mở rộng thì cần có giới thuyết rõ trong phần mở đầu.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, đại diện chủ đầu tư cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Ông Nguyễn Kim Sơn cũng hoàn toàn thống nhất với ý kiến của các thành viên trong Hội đồng về kết cấu chỉnh sửa của đề tài, đồng thời cũng khẳng định rõ chủ trương của Nhà xuất bản. Chủ đầu tư không quá tham vọng nói hết được các vấn đề về kiến trúc Thăng Long - Hà Nội nhưng phải phản ánh đầy đủ những vấn đề thiết yếu nhất, có đề cập đến Hà Nội mở rộng, từ đó xác định được những giá trị kiến trúc truyền thống, nhằm cảnh báo cho những nhà quản lý trong hiện tại và tương lai. Nhóm biên soạn cần bám sát đúng mục đích, yêu cầu, tăng thêm dung lượng cho cuốn sách. Phần kết luận nên có sự đánh giá sâu vào kiến trúc từng giai đoạn và đặc biệt là nói đến những vấn đề về việc phá vỡ kiến trúc hiện nay, đồng thời đưa ra lời cảnh báo.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, đại diện chủ đầu tư cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Ảnh: Văn Chiến.

Hy vọng bằng ngòi bút của những người đã từng sống, từng nghiên cứu, từng trải qua những bước thăng trầm của lịch sử đất nước, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội sẽ được tái hiện một cách vô cùng sinh động và sâu sắc.

 

Trang Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá