Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Vương triều Trần”
Trong mảng sách Lịch sử của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, bên cạnh những cuốn đã xuất bản như “Vương triều Lý (1009 - 1226)” của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, “Kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX” của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ… còn có những cuốn đang biên soạn như: “Vương triều Lê (1428 - 1527)”, “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng”… và nay là “Vương triều Trần (1226 - 1400)”. Bởi thể mà, đề tài “Vương triều Trần” không chỉ là một đề tài riêng lẻ đơn thuần mà nó còn là một phần không thể thiếu được của một loạt seri sách về các vương triều theo dòng lịch sử. Ban đầu, PGS.TS. Vũ Văn Quân muốn đưa ra một lối viết phá cách không đi theo lối mòn của những cuốn sách đã viết. Tức là nếu PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ có sự phân tích sâu, đánh giá tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thời kỳ lịch sử hòa vào trong cả tập sách, hay với GS. Nguyễn Quang Ngọc chỉ tập trung ở một chương thì với PGS.TS. Vũ Văn Quân là sự phân tách thành một phần. Cấu trúc đó đòi hỏi người viết phải mất khá nhiều công sức. Và nếu không xử lý tốt sẽ xảy ra hiện tượng trùng lặp. Trong điều kiện thời gian có hạn, đồng thời để thống nhất với các cuốn khác trong mảng sách, Hội đồng nghiệm thu đề cương chi tiết ngày 4/6/2014 đã đề nghị chủ biên chỉnh sửa cấu trúc cho phù hợp.

PGS.TS. Vũ Văn Quân trình bày những kết quả đã thực hiện và kế hoạch trong thời gian tới. Ảnh: Đ.Tùng
Trên tinh thần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, chủ công trình - PGS.TS. Vũ Văn Quân đã chỉnh sửa lại bản đề cương chi tiết, thay đổi các tít, phần. Cụ thể là:
- Phần 2: Vương triều Trần, quốc gia Đại Việt, kinh đô Thăng Long thế kỷ XIII - XIV trong bản đề cương cũ được chuyển thành chương 5.
- Mục 5.4, chương 5 tương ứng với chương 7: Những năm tháng hào hùng thuộc phần II của bản đề cương cũ đã thay đổi tên gọi thành “Bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc”.
- Bổ sung thêm mục 5.5. Đại Việt với Chămpa và các nước trong khu vực
Tuy nhiên, trong cuốn sách có hai chương PGS.TS. Vũ Văn Quân vẫn còn băn khoăn về tên gọi muốn được xin ý kiến của chủ đầu tư và Ban tư vấn chuyên môn: chương 2: Những năm tháng hào hùng hay Những vị vua anh hùng làm nên thời đại anh hùng và chương 3: Tiếp tục ổn định và phát triển hay Những vị vua làm rạng rỡ công nghiệp, tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.
Về nhiệm vụ cụ thể của đề tài, chủ biên và nhóm tác giả đã phân định từng nội dung đối với từng thành viên trong nhóm triển khai theo trình độ, năng lực và chuyên môn phù hợp.
Theo báo cáo của chủ biên, tiến độ thực hiện biên soạn bản thảo đạt khoảng 30%, đã hoàn thành xong bản thư mục, hoàn thành cơ bản việc tuyển chọn, tập hợp các công trình nghiên cứu, còn các chương mục đang triển khai viết. Với kết quả trên, bản thảo cuốn sách sẽ đạt theo đúng tiến độ đặt ra.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng Ủy viên Ban TVCM sách Lịch sử phát biểu. Ảnh: Đ.Tùng
Tại buổi họp, từ những kết quả đạt được của nhóm biên soạn trong thời gian vừa qua, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng - Đại diện Ban TVCM đã thể hiện sự tin tưởng vào chủ biên đề tài. Về cách đặt tên chương, mục, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng có đề nghị chủ biên cần suy nghĩ thêm, sao cho hợp lý, vừa đảm bảo tính nhất quán, vừa đảm bảo tính hấp dẫn cho người đọc. Ngoài ra, đại diện Ban cũng lưu ý chủ biên cần để tâm đến những nhân lực trẻ trong nhóm biên soạn.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản, Trưởng ban Quản lý Dự án nhất trí với ý kiến của PGS.TS. Trịnh Vương Hồng. Ông Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ rõ những bất cập đã đặt ra trong bản đề cương cũ và nhất trí với bản đề cương mới đã chỉnh sửa. Về thành phần tham gia biên soạn, ngoài những gương mặt gạo cội như: PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS. Lê Đình Sỹ… thì cũng có những gương mặt trẻ như: TS. Phạm Đức Anh, ThS. Nguyễn Ngọc Phúc, ThS. Hà Duy Biển… Những gương mặt trẻ đó không chỉ có sức viết tốt mà còn là những chuyên gia về cổ trung đại, nên chủ đầu tư cũng rất yên tâm. Tuy nhiên, để nhất quán toàn bộ tập sách, chủ biên vẫn cần phải lưu tâm, tránh lối viết chồng lấn. Ngoài ra, chủ biên cũng cần điều chỉnh tên các chương, mục cho phù hợp, thống nhất các vấn đề về phổ hệ, niên đại hay các sự kiện lịch sử trong quá trình biên soạn.
Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Nguyễn Kim Sơn - Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: Đức Tùng.
Có thể nói, buổi kiểm tra tiến độ biên soạn đề tài “Vương triều Trần” đã diễn ra hết sức tốt đẹp, mang lại hiệu quả cao. Với những kết quả đã đạt được, chủ đầu tư sẽ tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất về kinh phí, thủ tục để nhóm biên soạn đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội