Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
“Đàn Xã Tắc Thăng Long” - Khám phá mới về kinh đô Thăng Long từ góc độ khảo cổ học
Thứ năm, 09/10/2014 12:58

Một công trình khoa học mang tính đại chúng, thuyết phục và hấp dẫn - đó là những đánh giá chung của Hội đồng nghiệm thu bản thảo “Đàn Xã Tắc Thăng Long” do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên tại cuộc họp nghiệm thu diễn ra vào lúc 8h30 ngày 18/9/2014 tại NXB Hà Nội. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định, nghiệm thu; đại diện Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến và chủ biên công trình dưới sự chủ trì của GS. Phan Huy Lê.

 

Đàn Xã Tắc Thăng Long” là công trình tập hợp, công bố kết quả nghiên cứu về di tích đàn Xã Tắc nói riêng và toàn bộ kết quả nghiên cứu khảo cổ ở địa điểm đàn Xã Tắc - thành tựu của cuộc khai quật khảo cổ học do Ban quản lý Di tích & Danh thắng Hà Nội cùng Viện Khảo cổ học tiến hành từ cuối năm 2006. Trên cơ sở tập hợp, hệ thống, so sánh, nghiên cứu tài liệu thư tịch cũng như khảo sát thực địa, các tác giả công trình đã xác định được vị trí di tích đàn Xã Tắc của kinh đô Thăng Long xưa chính là Cửa Ô Chợ Dừa ngày nay. Cũng trong cuộc thám sát và khai quật nói trên, các nhà khảo cổ học không những phát hiện được tầng văn hóa chứa di tích di vật thuộc thời Lý - Trần - Lê - thời kỳ tồn tại của đàn Xã Tắc, mà còn phát hiện di tích di vật thuộc 10 thế kỷ đầu Công Nguyên và giai đoạn cuối của Văn hóa Phùng Nguyên. Các di tích, di vật thuộc ba thời kỳ khác nhau này đã được tái hiện một cách sinh động, cụ thể trong công trình với những phân tích về giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu, nổi bật.

 


GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Đức Tùng.

 

Được coi là một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Thăng Long xưa, đàn Xã Tắc không chỉ là một kiến trúc đặc biệt góp phần cấu thành nên cấu trúc chỉnh thể của kinh đô mà đây còn là một công trình mang tính tâm linh, gắn với hệ thống nghi lễ của một nước nông nghiệp phương Đông và từ đó còn gắn với ý nghĩa tượng trưng cho sức mạnh, sự tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Khám phá những dấu vết của di tích này và các lớp văn hóa cùng tồn tại ở địa điểm khảo cổ học đàn Xã Tắc là những phát hiện khoa học có giá trị vô cùng quý giá, “góp phần nhận diện rõ hơn cấu trúc kinh thành Thăng Long nghìn tuổi với các giá trị lịch sử văn hóa nổi bật mang tầm cỡ khu vực và thế giới”, đồng thời cung cấp cho người đọc những tư liệu để tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội ở thời điểm cách đây 2000 và 3500 năm. Đó cũng chính là ý nghĩa và tính cần thiết của việc công bố công trình này đến với đông đảo bạn đọc như khẳng định của các thành viên Hội đồng tại buổi họp nghiệm thu.

 

PGS.TS. Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, chủ biên bản thảo “Đàn Xã Tắc Thăng Long trình bày trước Hội đồng những kết quả đã thực hiện. Ảnh: Đức Tùng.

 

Với đội ngũ các chuyên gia về khảo cổ học do PGS.TS. Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học chủ biên, bản thảo “Đàn Xã Tắc Thăng Long” nhận được sự đánh giá rất cao của Hội đồng nghiệm thu là những nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học (GS. Phan Huy Lê, PGS.TS. Hán Văn Khẩn, PGS.TS. Hoàng Văn Khoán, PGS.TS. Trình Năng Chung, PGS.TS. Vũ Văn Quân và TS. Nguyễn Văn Sơn). Bốn chương của bản thảo bắt đầu từ việc xác định vị trí, quá trình nghiên cứu về địa điểm di tích (chương I) đến việc tái hiện lại các dấu tích, các loại hình di tích, đặc biệt là di tích, di vật thời Lý - Trần - Lê và diện mạo đàn Xã Tắc Thăng Long (chương II, III), từ đó phân tích và khái quát các giá trị lịch sử, văn hóa của các lớp di tích tại địa điểm khai quật gồm di tích đàn Xã Tắc, di tích 10 thế kỷ đầu Công nguyên và di tích văn hóa Phùng Nguyên (chương IV). Kết cấu này được đánh giá là hợp lý, logic, sáng rõ, mang tới cho độc giả một bức tranh tổng thể bao quát cả bề rộng và chiều sâu về địa điểm khảo cổ học đàn Xã Tắc.

 


PGS.TS. Hoàng Văn Khoán, Ủy viên hội đồng, phát biểu ý kiến nhận xét và góp ý với nhóm thực hiện đề tài. Ảnh: Đức Tùng.

 

Theo nhận định của PGS.TS. Hoàng Văn Khoán, nguồn thư tịch được trích dẫn cùng những kết luận có được từ điều tra thực địa - là căn cứ xác định địa điểm di tích được trình bày chính xác, hợp lý, có sức thuyết phục cùng với đó phần phân tích các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích được viết khéo léo tạo ra sức hấp dẫn của bản thảo. Bên cạnh việc nhấn mạnh thành công của công trình từ việc kết hợp giữa phương pháp triển khai, lập luận khoa học cùng cách viết dung dị, dễ hiểu, PGS.TS. Trình Năng Chung còn cho rằng, với hệ thống bản vẽ, ảnh minh họa phong phú và phần dịch thuật tiếng Anh chuẩn xác, chắc chắn cuốn sách không chỉ làm thỏa mãn bạn đọc trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc nước ngoài trong việc tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội.

 

Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra một vài góp ý nhỏ để hoàn thiện bản thảo như: thống nhất cách dùng thuật ngữ, cân nhắc về cách dịch chuẩn xác nghĩa của từ “Xã Đàn” hay lưu ý tính xác thực của các chi tiết liên quan đến lịch sử (như sự hình thành của làng Tô Lịch cổ...).

 


Ông Phạm Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Dự án, đại diện chủ đầu tư, phát biểu ý kiến với nhóm tác giả. Ảnh: Đức Tùng.

 

Là một kinh đô lâu đời, trải qua nhiều biến động của thiên tạo và thời cuộc, Thăng Long - Hà Nội đã tích lũy trong mình những lớp trầm tích văn hóa và không ngừng được bồi đắp từ thời này qua thời khác. Vẫn còn đó vô vàn những giá trị lớn lao về mảnh đất này như “phần chìm của tảng băng” đang “nằm lặng im”, chờ những thế hệ sau “thức tỉnh”. Công trình “Đàn Xã Tắc Thăng Long” do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên là một trong những thành tựu của nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học nhằm góp phần từng bước phục dựng lại diện mạo của kinh đô nghìn năm qua từng chặng đường. Hy vọng cuốn sách sẽ sớm được ra mắt bạn đọc trong và ngoài nước.

 

 

Hoàng Thị Thùy Linh

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá