Họp nghiệm thu bản thảo: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội, những nét đẹp truyền thống và hiện đại
Quá trình hình thành và phát
triển những bản sắc và tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội gắn liền với
những đóng góp của các thế hệ những người trẻ tuổi. Đã có nhiều
công trình nghiên cứu về người Hà Nội trong đó có thế hệ trẻ tuy nhiên còn mang
tính tản mạn và chưa có hệ thống. Chính vì thế mong muốn của những người biên
soạn công trình này là nghiên cứu những nét đẹp về nhân cách của tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội từ truyền thống lịch
sử, đặc biệt là tính xung kích và sáng tạo trong học tập, lao động, chiến đấu
chống ngoại xâm, so sánh với những biến đổi của nó trong quá trình xây dựng và
phát triển đất nước hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm kế
thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của tuổi trẻ Thăng Long -
Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá và hiện đại hoá Thủ đô Hà Nội
và đất nước.
Bản thảo có kết cấu 8 chương, với 2 phần lớn: Phần 1: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội,
những nét đẹp trong truyền thống; Phần II: Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội
trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Hội đồng thẩm định đánh giá
chủ đề của bản thảo hay, có ý nghĩa thực tiễn
tốt, đáp ứng những nhu cầu cần thiết về việc nâng cao nhận thức và tình cảm của
thanh thiếu niên đối với các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là của
Thăng Long - Hà Nội hiện nay. Bản thảo được biên soạn khá công phu và nghiêm túc vừa có tính
tra cứu hàn lâm, vừa có tính phổ cập, đại chúng, nên khá phù hợp với các độc
giả trẻ tuổi. So với mục tiêu ban đầu được đề ra, nhóm tác giả đã có những
thành công nhất định. Bản thảo đã tập hợp và đưa ra được nhiều tư liệu phong phú về các thế
hệ thanh niên Thăng Long Hà Nội, nhấn mạnh được những nét đẹp đã trở thành
truyền thống của họ, đưa ra những nhận định sắc sảo, và cũng rất tinh tế.
Hội đồng cũng đã đưa ra những góp ý hết
sức cụ thể và thiết thực. Vấn đề của bản thảo có thời gian lịch sử khá dài, vì
thế chủ biên cần phải xử lý thống nhất, cân đối giữa hai phần chính. Các tác giả cũng cần cân nhắc cách viết trên
cơ sở điều tra xã hội học, giảm bớt số liệu, từ số liệu đưa ra khái quát, trên cơ sở những nhận định
khái quát nhất, cần tập trung những nét đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội; cần tập
trung, cân đối
miêu tả, nhận định, phân tích các phong trào của tuổi trẻ Thủ đô từ Cách mạng
Tháng Tám đến nay. Ngoài ra, các số liệu đưa vào Phụ lục để nâng cao tính khái quát
của bản thảo.
Với đối tượng hướng về thế hệ trẻ, chắc
chắn bản thảo sau khi xuất bản sẽ nhận được sự hưởng ứng đông đảo của độc giả
trẻ.
Nhà xuất bản Hà Nội