Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
“Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội”: Đề tài tái hiện hình ảnh người phụ nữ của đất kinh kỳ xưa và Thủ đô nay
Thứ năm, 06/11/2014 04:49
Chiều ngày 3/11/2014, Ban Quản lý Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội” do TS. Nguyễn Ngọc Mai chủ biên. Đây là đề tài tái hiện lại hình ảnh trọn vẹn của người phụ nữ đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Nó không chỉ làm phong phú thêm cho Tủ sách của Dự án mà còn góp phần nâng cao uy tín của người phụ nữ trong xã hội Thủ đô nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.
 
Tham dự buổi nghiệm thu đề cương có các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành: PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam (chủ tịch Hội đồng); GS.TS. Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển; GS.TS. Trần Thị Minh Đức - Khoa Tâm lý học, Đại học KHXH & NV; PGS.TS. Mai Quỳnh Nam - Viện nghiên cứu Con người; PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển.


PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội” là đề tài tập trung khai thác các tư liệu lịch sử, báo chí và các công trình khoa học đã có để phân tích và làm nổi bật vai trò và sự đóng góp của phụ nữ Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, từ thời tiền Thăng Long đến nay và khảo sát trên nhiều lĩnh vực: quân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, nữ công gia chánh… Đề tài cũng đánh giá những nét nổi bật, những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Thăng Long - Hà Nội, nhằm làm nổi bật bản sắc văn hóa, phẩm chất riêng có của mảnh đất kinh kỳ. Qua đó, những phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng của người phụ nữ Thăng Long sẽ được gìn giữ và phát huy. Và những phong cách, thói quen, lối sống, lối tư duy… không còn phù hợp sẽ dần được loại bỏ trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đây cũng là mục đích và nội dung chính mà công trình đã đề cập đến. Một hướng đích rất tốt đẹp và có ý nghĩa, được hầu hết các thành viên Hội đồng tán thành và hoan nghênh.

Từ trước đến nay, việc viết về “một nửa” của con người Hà Nội là các mẹ, các chị, các em, những người con gái đất Hà Thành là không nhiều. Bởi đây là một đề tài không hề đơn giản chút nào. Một đề tài rộng với nhiều vấn đề cần được đề cập. Nó đòi hỏi người viết phải có khả năng tổng hợp cao, sự tiếp cận đa diện, đa chiều giữa đồng đại và lịch đại mà vẫn phải đảm bảo tính khoa học cần thiết. Đề tài rất hay nhưng cũng rất khó. Việc nghiên cứu phụ nữ qua các thời đại lịch sử kể từ trước khi thành lập Thăng Long đến nay liệu có khả thi với khả năng và nguồn tài liệu hiện có? Đó cũng là câu hỏi, là những trăn trở mà không ít các thành viên Hội đồng đã đặt ra.

TS. Nguyễn Ngọc Mai, Chủ biên đề tài, trình bày khái quát đề cương trước hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Tại buổi họp, vấn đề lịch đại được bàn thảo khá nhiều tại Phần 1 của đề cương. Các ý kiến cho rằng việc phân chia thành 5 thời kỳ theo chủ kiến của tác giả đặt ra là chưa hợp lý. Một số mốc phân kỳ lịch sử được đưa ra là chưa chính xác và thiếu căn cứ như 1009, 1835. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm, đặc biệt đối với những nhà sử học. Bên cạnh đó, đối tượng nghiên cứu của đề tài cũng gây nhiều tranh biện. Khái niệm phụ nữ Thăng Long - Hà Nội cần hiểu thế nào cho đúng và đủ. Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội là những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội hay cả những người sinh ở nơi khác nhưng sống và làm việc trên mảnh đất này. Hơn thế, địa giới Hà Nội được thay đổi liên tục theo thời gian. Như vậy là việc xác định đối tượng nghiên cứu, khảo sát không đơn thuần mà nó còn liên quan đến rất nhiều yếu tố như: việc mở rộng địa giới, quá trình di dân, người nhập cư… Do đó, chủ công trình phải vô cùng sáng suốt trong việc đưa ra tiêu chí lựa chọn hay chính là việc giới hạn đối tượng đề tài. Về kết cấu cuốn sách, nhiều ý kiến cho rằng việc phân chia thành 4 phần là tương đối hợp lý. Tuy nhiên, kết cấu này đi theo lối truyền thống, thiếu đi tính hấp dẫn của đề tài. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng có nhiều đóng góp cụ thể cho bản đề cương như việc thay đổi lại tên các chương mục, thay đổi cách sử dụng từ: “vai trò nội tướng” thành “vai trò nội trợ” v.v… Tất cả các ý kiến đóng góp đều hướng đến một mục tiêu cuối cùng là hoàn thiện bản đề cương.


PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh, Ủy viên hội đồng phát biểu ý kiến đóng góp với nhóm thực hiện. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Về phía Chủ đầu tư - Nhà xuất bản Hà Nội, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho bản đề cương đề tài. Theo ông Phạm Quốc Tuấn, đây là một đề tài đã được triển khai từ giai đoạn I của Dự án, một trong 3 mảng đề tài (Thanh niên, Phụ nữ và Gia đình) rất cần thiết của Ban Văn hóa - Xã hội thuộc Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Chánh Văn phòng Dự án cũng khẳng định rõ chủ đầu tư không có tham vọng tổng kết hay đề cập hết những vấn đề liên quan đến phụ nữ Thăng Long - Hà Nội mà chủ yếu nhấn mạnh vào nét đẹp riêng có của người phụ nữ Hà Thành. Nét đặc trưng đó cần phải được đưa ra từ cái nhìn biện chứng, trong đó có nhấn vào khía cạnh Thủ đô là nơi hội tụ và có sức mạnh lan tỏa. Đối với kết cấu đề tài, ông Tuấn cũng nêu rõ: Phần 1 cần coi là phần tổng quan, việc đặt vấn đề phải gắn với phụ nữ Thăng Long - Hà Nội. Phần 2 là phần quan trọng nhất của công trình. Phần này không nên chia quá rõ. Chủ biên có thể có cách chia khác hợp lý hơn vừa bao quát được các vấn đề vừa lôi cuốn người đọc. Phần cuối của cuốn sách nên có phần Phụ lục với sự tập hợp một số bài nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị về phụ nữ Thăng Long - Hà Nội hay một số các thống kê dựa trên các số liệu đã có.


PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, Ủy viên hội đồng phát biểu ý kiến. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua đề cương chi tiết đề tài. Chủ tịch Hội đồng - PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh đã đưa một kết luận rất mở để chủ biên và nhóm biên soạn tham khảo, tự cân nhắc hoàn thiện đề cương. Hy vọng, cuốn sách sớm được ra mắt độc giả và trở thành một tài liệu quý trong Tủ sách Thăng Long của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.


Trang Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá