Thăng Long - Hà Nội: Hành trình từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng
Tham dự buổi nghiệm thu, ngoài đại diện của chủ đầu tư còn có các nhà sử học, các nhà văn, các nhà khoa học có tên tuổi như: Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà văn Hoàng Quốc Hải, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, PGS.TS. Hoàng Vĩnh Giang và PGS.TS. Trần Đức Cường được tín nhiệm với vai Chủ tịch Hội đồng.
PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã thật sáng suốt khi “ủ mưu” (theo như cách nói của nhà văn Hoàng Quốc Hải) thành công hướng tiếp cận hay chính là cách đặt vấn đề của đề tài. Cách đặt vấn đề của đề tài không đi sâu vào mô tả những trường phái võ thuật mà vượt lên trên nó là “tinh thần thượng võ” gắn kết với “chủ nghĩa anh hùng”. Đó là cách tiếp cận từ những thông điệp của quá khứ đến những vấn đề đương đại, nhằm góp phần đào luyện những phẩm chất đáng quý đang có nguy cơ bị mai một. Cách đặt vấn đề này thể hiện được đặc trưng lịch sử của dân tộc Việt gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Hơn thế, tác giả còn có cách dụng bút khá độc đáo giữa văn phong khảo cứu với bút tích lịch sử, tùy bút văn hoặc tiểu thuyết lịch sử, sử thi. Điều đó chắc chắn sẽ tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Rõ ràng, hướng tiếp cận của nhà văn là một hướng tiếp cận đúng đắn mà các thành viên Hội đồng đều rất tâm đắc.
Bên cạnh đó, vấn đề được nhắc đến nhiều trong cuộc họp là đối tượng của đề tài. Chủ công trình đã xác định rõ đối tượng chủ yếu được hướng đến là giới trẻ hiện nay. Làm thế nào để khiến các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu và tự hào với ý chí tự lập, tự cường của ông cha, với ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc. Như vậy, đề tài không chỉ là tập đại thành thể hiện giá trị cốt lõi của Thăng Long - Hà Nội mà còn là thông điệp giáo dục lối sống lành mạnh, năng động, khí phách cao thượng cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó là mục đích hết sức có ý nghĩa và được Hội đồng ủng hộ và đánh giá cao.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Chủ biên đề tài, trình bày khái quát đề cương trước hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Đề tài rất hay và mới mẻ ngay từ chính cái tên của nó nhưng đó cũng là thách thức mà tác giả phải “đối mặt”: từ sự kết hợp nhiều lĩnh vực (văn hóa, xã hội - văn học, nghệ thuật - tín ngưỡng, tôn giáo - thể dục, thể thao...) đến sự kết nối với quá trình lịch sử, có gắn kết tinh thần nhân văn cao cả... Chủ biên có quá nhiều tư liệu, có quá nhiều tuyến để khai thác, nhưng sự thể hiện nào là “đắt giá” nhất vẫn còn là một vấn đề nan giải mà chính tác giả cũng đang tìm câu trả lời. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thể hiện 3 phần như trong bản đề cương là hợp lý. Tuy nhiên cần đưa ra các tên phần để chỉ rõ chủ điểm và thông điệp chính của mỗi phần, đồng thời giữa các phần cần có sự cân đối cho phù hợp. Ngoài ra, công trình nên bổ sung thêm phần Phụ lục nhằm tăng tính hấp dẫn của cuốn sách và tăng lượng thông tin cho độc giả.
Theo PGS.TS. Trần Đức Cường, đề tài dù được cấu trúc như thế nào thì vẫn phải nêu bật được từ khóa chính là “tinh thần thượng võ” hay chính xác hơn là quan niệm về võ thuật của người Việt nói chung và người đất kinh kỳ nói riêng, theo từng thời kỳ lịch sử, rồi mới đưa nó lên thành triết lý hướng thượng và chủ nghĩa anh hùng cao đẹp. Phó giáo sư cũng đề nghị chủ biên nên tham khảo thêm nhiều tư liệu khác để tạo cảm hứng sáng tác, khơi gợi nhiều hơn nữa ý tưởng thể hiện cho công trình. Không chỉ thế, Với tư cách là chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Trần Đức Cường đã chỉ rõ: Đây mới chỉ là đề cương định hướng, chưa phải là đề cương biên soạn. Tuy vậy, bản đề cương đã được chuẩn bị công phu, cách đặt vấn đề rất xác đáng, mục đích và đối tượng cũng hết sức rõ ràng. Hơn thế, chủ tịch Hội đồng còn đặc biệt nhấn mạnh tác giả cần có cách dàn dựng khéo léo, dù nội dung được thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật nhưng vẫn phải dựa trên yếu tố khoa học làm nền tảng, nhằm đạt được mục tiêu chính mà công trình đã đặt ra.

Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Nguyễn Kim Sơn - Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: Văn Chiến
Về phía chủ đầu tư, nhà báo Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng Ban quản lý Dự án cho biết Đề tài này đã được “ấp ủ” từ giai đoạn I của Dự án. Tuy nhiên, đến giai đoạn II này đề tài mới được triển khai. Điều đáng mừng là chủ đầu tư và chủ nhiệm đề tài - nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã có tiếng nói chung về vấn đề này. Với một bề dày lịch sử, dân tộc ta có truyền thống võ thuật lâu đời, nhưng đề tài không đề cập tới võ thuật thông thường mà hướng đến cái tinh thần của nó. Điều đó giúp cho tác phẩm được nâng tầm, xứng đáng có mặt trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Đề tài rất hay nhưng cũng rất khó. Do đó, bản đề cương có cách đặt vấn đề khái quát hơn so với các bản đề cương khác. Trong quá trình biên soạn, chủ công trình sẽ có những điều chỉnh cụ thể, bổ sung thêm các phần, các tít cơ bản để hoàn thiện đề cương, làm thành khung chính cho bản thảo sau này. Bên cạnh sự đồng tình với nhiều ý kiến của các nhà khoa học, ông Nguyễn Kim Sơn cũng hoàn toàn tin tưởng vào chủ biên đề tài. Bởi Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn, một nghệ sĩ đa tài. Năng lực của ông đã được khẳng định qua các hoạt động văn hóa, sáng tác có tiếng vang. Có thể chắc chắn rằng, nhà văn là người đủ tâm và đủ tầm để đảm trách công việc này.
Tóm lại, bản đề cương được tất cả các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua. Chủ biên công trình sẽ chỉnh sửa theo các ý kiến đóng góp để có một bản đề cương hoàn thiện nhất.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội