Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Biên niên lịch sử Hà Nội, từ tháng 8/2008 đến nay”
Kể từ khi ký hợp đồng đến nay (tháng 12/2013), sau 10 tháng thực hiện, nhóm biên soạn đã hoàn thành được một khối lượng công việc đáng kể, ước khoảng 40%. Tuy nhiên, công việc chủ yếu vẫn là khai thác tư liệu, gồm tư liệu cổ trung đại, tư liệu cận đại và tư liệu hiện đại. Trước hết, việc khai thác tư liệu cổ trung đại tập trung vào 18 huyện và thị xã ngoại thành Hà Nội, phục vụ cho phần biên niên của Hà Nội mở rộng, tức là phần Hà Tây cũ. Đây được xem là phần việc khó khăn nhất của nhóm biên soạn. Bởi nếu như cuốn “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” đã được xuất bản ở giai đoạn I có phần thư tịch cổ thuộc khu vực nội thành Hà Nội chiếm tỉ trọng lớn thì đối với cuốn biên niên lần này, phần tư liệu cổ của các khu vực huyện và thị xã ngoại thành lại không nhiều. Theo thống kê của nhóm biên soạn thì trong 10 tập “Thực lục” và 3 tập “Toàn thư”, bằng việc chắt lọc hết mức có thể, phần tư liệu ấy mới được khoảng 100 trang A4. Do đó, riêng phần tư liệu cổ và trung đại, PGS.TS. Phan Phương Thảo đã đưa ra phương án khai thác vừa mở rộng, vừa đi sâu; mở rộng, tăng cường điều tra, sưu tầm tư liệu tại địa phương và khoanh vùng khu vực để khai thác tư liệu một cách triệt để nhất. Việc khai thác thực tế tại địa phương cũng cung cấp cho nhóm biên soạn một số nguồn tư liệu từ lịch sử Đảng bộ hay địa chí của các huyện… Tuy nhiên, công sức và kinh phí bỏ ra khá nhiều nhưng kết quả thu được lại không cao, nguồn tư liệu cũng không mang sức nặng khoa học.

PGS.TS. Phan Phương Thảo, Chủ biên đề tài, cũng là đồng chủ biên tập sách “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội” thuộc giai đoạn I của Dự án Tủ sách đã xuất bản năm 2010. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Đối với phần cận đại về giai đoạn Pháp thuộc thì tư liệu phong phú hơn nhiều. Tuy nhiên việc khai thác nguồn tư liệu này lại có cái khó riêng. Bởi tuy chúng ta có một kho tài liệu về biên niên lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I chưa được khai thác bao nhiêu nhưng toàn là tài liệu bằng tiếng Pháp. Nhóm biên soạn phải mất thêm thời gian, mất công dịch, lược đọc, tóm lược ý chính để chắt lọc thông tin.
Về phần hiện đại, tức là từ tháng 8 năm 2008 đến nay, phần tư liệu lại vô cùng nhiều. Do đó, để lựa chọn và tinh tuyển những sự kiện quan trọng nhất chủ biên và nhóm biên soạn đã có không ít cân nhắc. Tuy nhiên, đối với phần này, nhóm đã khai thác được nguồn lưu trữ của Thành ủy Hà Nội (cả trước và sau khi mở rộng) từ năm 1954 - 2011. Đây là nguồn tư liệu được lưu trữ khá tốt và đã được chọn lọc. Do đó, nó được xem như khung xương sống hay chính là định hướng căn bản cho việc lựa chọn những sự kiện tiêu biểu của chủ công trình.
Rõ ràng, với những nỗ lực lớn, nhóm biên soạn đã triển khai công tác điều tra, khai thác trên tất cả các mảng và đã thu được một phần tư liệu đáng kể. Tuy cũng có những trở ngại nhất định nhưng vẫn đảm bảo được kết quả và tiến độ của đề tài.
Tại buổi kiểm tra, đại diện Ban tư vấn chuyên môn mảng sách Lịch sử - PGS.TS. Vũ Văn Quân cũng đã hoan nghênh tinh thần làm việc tích cực của nhóm biên soạn và khẳng định sự tin tưởng vào kết quả công trình. Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Văn Quân cũng lưu ý chủ biên không nên quá câu nệ về mặt dung lượng, mà phải có những tiêu chí lựa chọn tương thích, để đưa ra được những sự kiện lịch sử thực sự tiêu biểu. Tư liệu từ tháng 8 năm 2008 đến nay, tuy thời gian không dài, nhưng lại nhiều sự kiện nên chủ công trình cần xác định rõ tầm vóc sự kiện để có cái nhìn toàn diện và phù hợp.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Dự án, đại diện chủ đầu tư phát biểu. Ảnh: Vũ Văn Chiến
Về phía chủ đầu tư, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án đã có những chia sẻ, đồng thuận với những vướng mắc, khó khăn mà nhóm biên soạn gặp phải. Theo ông, cuốn biên niên này so với cuốn đã xuất bản sẽ khó hơn rất nhiều. PGS.TS. Phan Phương Thảo và các cộng sự sẽ phải dầy công và trăn trở hơn. Việc khai thác tư liệu ở vùng đất mới (phần Hà Nội mở rộng) là rất khó. Các tư liệu không nhiều và cũng không thật nổi bật như ở vùng Hà Nội cũ, buộc người nghiên cứu phải khai thác từ nhiều nguồn khác nhau. Không chỉ thế, Chánh văn phòng Dự án cũng đặc biệt lưu ý chủ biên về phần tư liệu hiện đại cần xác định được những sự kiện có hàm lượng thông tin cao để đưa vào sách cho phù hợp. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chủ ý của nhóm biên soạn. Ngoài ra, ông cũng rất hy vọng cuốn sách không chỉ dừng lại ở 2013 mà có thể kéo dài đến hết năm 2014, để nâng cao tính cập nhật của cuốn sách.
Đại diện Ban Quản lý Dự án - ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội hoàn toàn tin tưởng vào chủ biên công trình. Đề tài tuy không đơn giản nhưng cũng có những thuận lợi nhất định. Chủ đầu tư cũng đề nghị PGS.TS. Phan Phương Thảo nên cân nhắc việc khai thác tư liệu kéo dài đến năm 2014, nhưng vẫn cần tập trung vào phần tư liệu đã có. Ngoài việc dựa vào những tài liệu lưu trữ, chủ biên cần qua kinh nghiệm để bổ khuyết những vấn đề còn thiếu sót.
Với khối lượng công việc đã đạt được, đề tài “Biên niên lịch sử Hà Nội, từ tháng 8/2008 đến nay”đã được triển khai rất khả thi, đủ điều kiện để chủ đầu tư ứng tiếp kinh phí lần hai, phục vụ cho công tác biên soạn.
Trang Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội