Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Ha Nội - những điều trăn trở
Thứ sáu, 19/12/2014 03:05

Chiều ngày 11/12/2014, Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên. Tham dự buổi nghiệm thu có các nhà khoa học, các chuyên gia PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Chu Tiến Quang - Phản biện 1; PGS.TS. Bùi Xuân Đính - Phản biện 2; PGS.TS. Đỗ Thị Hảo, TS. Trần Kim Hào làm ủy viên Hội đồng. Về phía chủ đầu tư, có ông Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban Quản lý Dự án, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án và các biên tập viên, nhân viên Nhà xuất bản.


Bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” đã được hoàn thành với 301 trang với kết cấu gồm 4 chương ngoài Lời nói đầu và phần danh mục tài liệu tham khảo. Trong đó, 3 chương đầu bàn về các vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Chương 4 giới thiệu những làng nghề thủ công và các nghệ nhân tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Ở bản thảo này, nhóm biên soạn đã cố gắng lý giải quá trình hình thành, tồn tại và phát triển các làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Qua đó, người đọc có thể thấy sự đa dạng, phong phú và sức sống mãnh liệt của các làng nghề trong hiện tại và hướng tới tương lai. Đó là một bức tranh vô cùng sinh động và đặc sắc về các làng nghề tiêu biểu ở Hà Nội, góp phần khuyến khích các nghề thủ công và các thợ thủ công lành nghề luôn có ý thức bảo tồn và phát triển làng nghề.

TS. Đinh Hạnh, Chủ biên đề tài phát biểu, tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Với mong muốn bản thảo được hoàn thiện, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến cho chủ biên công trình, đặc biệt là hai phản biện đề tài. Trước hết là những đóng góp về tên bản thảo. Tên bản thảo đưa ra chưa thật trùng khớp với tên gọi ban đầu là “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội”, có thêm từ “thủ công”. Và một số ý kiến cho rằng nên bỏ chữ “Thăng Long”. Bởi bản thảo chưa bao hàm được một quá trình lịch sử lâu dài từ Thăng Long đến Hà Nội. Phần lịch sử thời Thăng Long quá sơ sài nên để tên gọi như vậy chưa thực sự thuyết phục người đọc. Mặc dù, đó là những ý kiến xác đáng nhưng trước những trao đổi, chia sẻ của chủ biên, Hội đồng đều đồng thuận với việc để theo tên gọi ban đầu đã đặt ra.

Bên cạnh sự đóng góp về tên bản thảo, vấn đề về kết cấu cũng được bàn thảo khá nhiều. So với bản đề cương ban đầu, bản thảo đã có một kết cấu hợp lý hơn, nhưng vẫn còn mất cân đối cần phải chỉnh sửa lại. Sự mất cân đối được thể hiện rõ ở việc thiếu đi hẳn nội dung kết luận và sự bất hợp lý về số lượng trang chữ cho mỗi chương[1]. Có ý kiến cho rằng nên chỉnh sửa kết cấu thành 3 chương như ý kiến của chánh văn phòng Dự án, cũng có ý kiến cho rằng có thể để 4 chương. Dù kết cấu như thế nào thì chủ biên vẫn cần phải cân nhắc cho phù hợp. Hội đồng đưa ra quan điểm không áp đặt đối với người viết. Hơn thế, có ý kiến cho rằng nên triệt tiêu phần Lời nói đầu, có thể đưa nó vào phần tổng quan. Đồng thời, phần tổng quan cũng cần chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của cuốn sách, cần đề cập đến sự tiếp thu và kế thừa những thành quả nghiên cứu của những người đi trước để thấy được những nét khác biệt, nét tiêu biểu của đề tài.

PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Tại buổi họp, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - Chủ tịch Hội đồng - đã đặc biệt nhấn mạnh từ khóa “làng nghề tiêu biểu” của công trình. Đây là điểm mấu chốt mà người viết cần phải đi sâu nghiên cứu và khai thác triệt để. Ông cũng lưu ý chủ biên cần phải làm rõ: khái niệm làng nghề tiêu biểu; các nhân tố tác động đến sự phát triển các làng nghề và đặc biệt là tiêu chí xác định làng nghề tiêu biểu. Các tiêu chí xác định làng nghề tiêu biểu là chìa khóa để mở cánh cửa thành công của bản thảo. Chỉ có nắm được tiêu chí thì mọi khúc mắc sẽ dần được giải tỏa. Những tiêu chí đó nên là những tiêu chí định tính dựa trên 4 mảng: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Có tiêu chí người viết cũng sẽ xây được “form” chung cho những bài viết về mỗi làng nghề tiêu biểu. Các thành viên cũng đều nhất trí với quan điểm không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng của mỗi bài viết. Để khi đọc lên, người đọc phải công nhận, phải thấy được sự tiêu biểu của làng nghề giới thiệu.

Ở phần chính của công trình (chương 4), ngoài việc giới thiệu các làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, bản thảo có mở rộng thêm nội dung về nghệ nhân và chân dung các nghệ nhân tiêu biểu. Đây là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc lựa chọn và giới thiệu các nghệ nhân cũng cần có tiêu chí và căn cứ cụ thể. Chủ tịch Hội đồng có gợi ý chủ biên nên lấy việc phong tặng gần đây nhất của Nhà nước ta làm cơ sở. Thêm vào đó, Hội đồng cũng đề nghị nhóm biên soạn phải có sự thống nhất giữa các tít, phần; tài liệu tham khảo phải theo quy chuẩn và các danh mục thống kê nên chuyển xuống Phụ lục chương.

Nhà báo Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Về phía chủ đầu tư, bên cạnh những ý kiến đóng góp rất cụ thể, chi tiết của chánh văn phòng Dự án thì chủ đầu tư - ông Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản lại đưa ra những ý kiến mang tính khái quát và có định hướng cao. Ông Nguyễn Kim Sơn nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên, đồng thời chỉ rõ điểm mấu chốt mà bản thảo cần thể hiện rõ. Đó chính là sự tiêu biểu của các làng nghề, nhằm tôn vinh hình ảnh và vị thế của các làng nghề thủ công của Thăng Long - Hà Nội.

Với tinh thần cầu thị cao, chủ công trình - TS. Đinh Hạnh - đã có những tiếp thu trước Hội đồng. Chủ biên và nhóm biên soạn sẽ sớm chỉnh sửa lại bản thảo cho thật hoàn thiện để không phụ sự kỳ vọng của chủ đầu tư, của Hội đồng nghiệm thu và của rất nhiều độc giả để có một cuốn sách về làng nghề với chất lượng tốt trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

[1]Các chương 1, 2, 3 có số trang từ 18 đến 24 trang, còn chương 4 dài 225 trang, chiếm 76% dung lượng trang chữ của cuốn sách - Theo ý kiến của PGS.TS. Chu Tiến Quang


Trang Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá