Họp nghiệm thu bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII qua tư liệu Anh và Hà Lan”
Bản
thảo được đánh giá cao về ý nghĩa và sự cần thiết của đề tài, có giá trị cao về
mặt sử liệu, cung cấp cho người đọc những kiến thức phong phú, nhiều chiều về
Thăng Long - Hà Nội từ cái nhìn của người nước ngoài. Nguồn tư liệu được phát hiện, thống kê,
sưu tầm là hết sức phong phú. Các khảo luận
trong bản thảo là những khảo cứu chuyên sâu, có giá trị khoa học, có thể là
nguồn tài liệu tham khảo tốt cho nhiều ngành học và đông đảo bạn đọc.
Hội
đồng thẩm định là những nhà nghiên cứu lịch sử lâu năm, có chuyên môn về lĩnh
vực tư liệu nước ngoài ở khoa Sử học các trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân
văn và Đại học Sư phạm Hà Nội nên đã có những ý kiến đóng góp rất cụ thể, chi
tiết, sâu sắc và thực sự có ích cho việc chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo của chủ
trì. Các ý kiến của Hội đồng thẩm định tập trung vào một số vấn đề về kết cấu;
về tên bản thảo, tên các chương mục; về cách dịch...
Kết
cấu bản thảo nhìn chung là hợp lý, tuy nhiên các vấn đề sẽ được phân chia theo
“phần” thay vì theo “chương”, để đảm bảo tính logic. Nội dung, chất lượng tư
liệu tốt, thể hiện năng lực khai thác văn bản và dịch thuật của người chủ trì,
không chỉ về ngôn ngữ tiếng Anh mà đặc biệt là ngôn ngữ Hà Lan cổ. Tuy vậy, TS.
Hoàng Anh Tuấn vẫn cần phải tiếp tục rà soát lại, cố gắng dịch sát nghĩa hơn,
cũng như có cách trích dẫn, chú thích tài liệu hợp lý hơn, đơn giản và dễ hiểu
nhất đối với người đọc.
Vấn
đề quan trọng và được trao đổi kỹ lưỡng trong buổi nghiệm thu là về tên gọi của
cuốn sách. Theo ý kiến chung của Hội đồng thẩm định thì tên gọi hiện tại chưa
phù hợp với nội dung của bản thảo, hay với một tên gọi như thế thì sẽ đặt ra
những yêu cầu khác cần phải thể hiện được trong bản thảo này. Hội đồng đã thống
nhất tên gọi mới cho cuốn sách là “Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh
về Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII”. Theo đó thì cũng cần có sự bổ sung
thông tin về hai công ty nói trên (về hoạt động cũng như các nguồn tư liệu họ
đã khai thác được nói chung và về Thăng Long - Hà Nội nói riêng).
Bản
thảo cũng cần được bổ sung thêm ở phần Phụ lục, trong đó cần có ảnh minh họa,
bản đồ, các văn bản gốc cũng như các bài nghiên cứu có giá trị.
Nhìn chung bản
thảo nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng thẩm định và Chủ đầu tư. Chủ nhiệm đề tài đã thực hiện nghiêm túc
những nội dung chuyên môn mà đề tài nghiên cứu đặt ra. Nguồn tư liệu mà tác giả
chọn lọc, giới thiệu đem đến nhiều thông tin mới, rất có giá trị cho việc nhận
thức lịch sử, các hoạt động kinh tế - xã hội và vai trò của Thăng Long trong hệ
thống giao thương châu Á thế kỷ XVII. Công
trình thể hiện rõ năng lực dịch thuật cũng như khả năng khai thác tư liệu,
nghiên cứu của tác giả. Bản thảo sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện, sẽ là
một ấn phẩm đặc sắc của Tủ sách, không chỉ phục vụ cho Đại lễ mà còn có ý nghĩa
lâu dài trong việc giảng dạy ở các trường đại học.
Nhà xuất bản Hà Nội