Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp nghiệm thu đề cương “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa”
Thứ ba, 08/06/2010 11:25
Ngày 22/5/2010, Văn phòng Dự án đã tổ chức họp nghiệm thu đề cương “Biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa”. Đề tài do PGS.TS. Trần Lâm Biền và PGS.TS. Trịnh Sinh đồng chủ biên.

Các biểu tượng văn hóa từ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra theo nhu cầu của thực tế cuộc sống, vừa mang tính chung tầm nhân loại, vừa mang bản sắc văn hóa của một cộng đồng người nhất định, vừa là đối tượng thân quen, vừa ẩn chứa những ý nghĩa cùng giá trị văn hóa trừu tượng, bí hiểm. Đi vào nghiên cứu các biểu tượng từ đó giải mã các yếu tố văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội là nội dung mà đề tài hướng đến thể hiện.

Hội đồng thẩm định đánh giá cao giá trị, tính cần thiết và tính chất mới mẻ của đề tài này, đồng thời cũng khẳng định đây là một đề tài khó, việc giải mã một cách thấu đáo vấn đề biểu tượng không hề dễ dàng. Với kinh nghiệm của đồng chủ biên thể hiện qua các công trình nghiên cứu đã có về vấn đề biểu tượng văn hóa và văn hóa nói chung, Hội đồng thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng vào chất lượng của cuốn sách.

Tuy nhiên để có một đề cương hoàn thiện trước khi triển khai tổ chức biên soạn thì các chủ biên vẫn tiếp tục phải chỉnh sửa như: trước hết đề cương cần có sự thuyết minh cụ thể hơn về khái niệm, ý nghĩa của thuật ngữ biểu tượng; bố cục đề cương cần có sự logic, chặt chẽ hơn, các vấn đề sẽ được trình bày kết hợp hai tiêu chí: chia theo loại biểu tượng và trong mỗi loại biểu tượng lại trình bày theo giai đoạn lịch sử; cần làm rõ rằng không gian của các biểu tượng là Thăng Long - Hà Nội nhưng việc lý giải ý nghĩa của biểu tượng của vùng đất này phải được đặt trong mối liên hệ với các địa phương khác.

Cuốn sách cũng cần phải xây dựng danh mục biểu tượng trong đó có giải thích thuật ngữ khoa học, có thể phục vụ cho nhu cầu tra cứu của người đọc. Đồng thời cần thiết phải có ảnh, không chỉ nhằm minh họa cho nội dung mà còn tăng tính hấp dẫn cho cuốn sách.

Cuộc họp cũng tập trung thảo luận để tìm một tên gọi phù hợp hơn cho cuốn sách, và đã đề xuất tên sách dự kiến sẽ là: “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”.

Giải mã những biểu tượng sẽ làm rõ được nhiều vấn đề trong văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Hy vọng cuốn sách sẽ sớm được xuất bản, để có thể là một cẩm nang, chìa khóa tìm hiểu về văn hóa, văn hiến Thủ đô nghìn năm.

 

 

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá