Atlas Hà Nội đã từng được xây dựng và xuất bản năm
1984 nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên trong điều kiện kinh phí
có hạn, kỹ thuật chưa hiện đại, lại làm cách đây hơn 20 năm nên nội dung phản
ánh không còn phù hợp với Hà Nội ngày nay. Chính vì thế, việc thành lập Atlas
Hà Nội trong thời điểm hiện nay, đặc biệt trong dịp kỷ niệm Thủ đô 1000 năm là
việc làm cần thiết và có ý nghĩa. “Atlas Thăng Long - Hà Nội” mới được
thành lập bao gồm hệ thống các trang bản đồ, biểu đồ, bảng biểu và phần thuyết
minh. Bản thảo chia thành 6 chương với các vấn đề bao quát các phương diện:
giới thiệu chung về Hà Nội; điều kiện tự nhiên; dân cư - lao động; kinh tế;
giáo dục - khoa học - văn hóa - y tế - thể thao.
Để đảm bảo chất lượng bản thảo, NXB Hà Nội đã mời các
chuyên gia trên nhiều lĩnh vực liên quan tham gia Hội đồng thẩm định, nghiệm
thu: về địa lý có GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức; PGS.TS. Lê Phước Dũng - Khoa Địa Lý,
Đại học Sư phạm Hà Nội; về lịch sử có TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học; về bản
đồ học có bà Thế Thị Phương - NXB Bản đồ.
Buổi nghiệm
thu đã diễn ra nghiêm túc, khoa học với những góp ý hết sức cụ thể, sâu sắc của
các thành viên Hội đồng. Nhìn chung, Hội đồng đánh giá cao tính cần thiết và ý
nghĩa của bản thảo: “là một công trình hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng
về nhiều mặt: kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, đặc biệt
có ý nghĩa quảng bá giới thiệu về Hà Nội nghìn năm văn hiến và một Hà Nội hiện
đại trong tương lai; thể hiện một cách tổng hợp quá trình phát triển, điều kiện
tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội hiện tại cũng như những thông tin về nghìn
năm văn hiến, những tiềm năng để vươn tới những phát triển mới hiện đại”; “là
tập bản đồ đầu tiên đề cập tổng quát nhất về sự phát triển của Hà Nội trong
những năm qua”; “thực sự là một đóng góp quý giá cho Đại lễ kỉ niệm Thăng Long - Hà Nội
nghìn năm tuổi”...
Hệ
thống bản đồ phong phú, đa dạng, được trình bày và biên tập công phu; Phần thuyết minh được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu, đáp ứng
được mục tiêu phổ biến kiến thức; dữ liệu được sử dụng trong bản đồ đáng tin
cậy. Tuy nhiên, với một công trình đồ sộ, phức tạp, bản thảo vẫn còn một số vấn
đề cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện: các chi tiết về lịch sử, địa danh, thời
gian cần phải được rà soát để đảm bảo tính chính xác, thống nhất và hợp lý với
thời điểm hiện nay. Bà Thế Thị Phương - Phó Tổng biên tập NXB Bản đồ đã có
những góp ý rất chi tiết cho từng kiểu bản đồ, cả về cơ sở toán học, bố cục,
hình thức, màu sắc... Những nhận xét khác của Hội đồng cũng hỗ trợ rất nhiều
cho việc chỉnh sửa của nhóm biên soạn.
Kết thúc buổi họp, chủ biên và nhóm biên soạn phát
biểu tiếp thu những ý kiến góp ý của Hội đồng và Chủ đầu tư. Với tâm huyết đóng
góp vào đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thủ đô, nhóm biên soạn thể hiện quyết tâm, cố
gắng hoàn thiện bản thảo trong thời gian sớm nhất.
“Atlas Thăng Long
- Hà Nội” là một trong năm cuốn sách của Tủ sách sẽ được biên soạn thành
sách điện tử. Chính vì thế, nhóm biên soạn và NXB Hà Nội sẽ phối hợp để thành
lập một hội đồng biên tập để bản thảo sẽ được phổ cập tới đông đảo bạn đọc qua
sách in cũng như sách điện tử với chất lượng tốt nhất.
Nhà xuất bản Hà Nội