Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
“Tuyển tập Tản Đà” - Cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về trước tác của nhà văn núi Tản sông Đà
Thứ ba, 21/04/2015 03:14

Sáng thứ 7, ngày 18/4/2015, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu bản thảo “Tuyển tập Tản Đà” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện Ban Quản lý Dự án Tủ sách, chủ biên và nhóm biên soạn, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch Hội đồng.

 
Đã có không ít ý kiến từng băn khoăn về sự cần thiết của việc biên soạn một cuốn sách tuyển chọn tác phẩm Tản Đà trong thời điểm hiện nay khi từng có không ít công trình khá dày dặn, đồ sộ đã được biên soạn theo định hướng này, điển hình nhất có thể kể đến “Tản Đà toàn tập” (Nguyễn Khắc Xương, 2002). Khi đề cương chi tiết đề tài được nghiệm thu thông qua, sự băn khoăn ấy trở thành một điều chờ đợi. Đến nay, “Tuyển tập Tản Đà” do GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên đã hoàn tất việc biên soạn với bản thảo gần 1400 trang, có thể nói là một câu trả lời đầy thuyết phục cho sự băn khoăn của bất kỳ ai về sự có mặt của công trình trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Một công trình khoa học công phu, nghiêm túc và có giá trị - đó là nhận định chung của các nhà nghiên cứu trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo đề tài. Với gần 1400 trang, vượt quá 500 trang so với dự kiến ban đầu, bản thảo thể hiện rõ năng lực chuyên môn, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của tập thể biên soạn, như đánh giá của NT. Bằng Việt: “Công trình thể hiện được sự am hiểu thấu đáo của người biên soạn đối với các văn phẩm và di cảo của Tản Đà cũng như tấm lòng trân trọng và sự lãnh hội chín chắn trong nhận thức khi nghiên cứu toàn bộ sự nghiệp văn học của Tản Đà”.

Bài Tổng luận do chủ biên GS.TS. Trần Ngọc Vương - một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu Tản Đà chắp bút, được viết công phu, đầy tâm huyết, bao quát được tất cả các khía cạnh từ tiểu sử tác giả, niên biểu sáng tác cho đến sự nghiệp sáng tác, định vị tác giả trong thời đại và tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Với việc vận dụng lý thuyết loại hình học để soi rọi vào chân dung và sự nghiệp văn học Tản Đà, bài viết vừa là cái nhìn toàn diện, lại vừa thể hiện sự khám phá sâu và mới về một trong những tác giả, một hiện tượng văn học độc đáo và “phức tạp” bậc nhất của nền văn học dân tộc. Mặc dù được viết trên cơ sở lý thuyết nghiên cứu khá hàn lâm, mang tính học thuật chuyên sâu nhưng với văn phong vừa uyên bác, vừa dung dị, và hơn cả có lẽ là nhờ vào sự lan tỏa từ xúc cảm bên trong, từ tâm huyết của tác giả nên bài viết hấp dẫn, đầy sức cuốn hút.

GS.TS. Trần Ngọc Vương, Chủ biên đề tài trình bày khái quát nội dung trước Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Trọng tâm, chiếm phần lớn dung lượng của công trình là phần Tuyển chọn tác phẩm được các thành viên Hội đồng - những nhà nghiên cứu sâu về văn học trung cận đại Việt Nam nói chung và Tản Đà nói riêng - đánh giá cao về sự công phu, kỹ lưỡng, hợp lý và giá trị khoa học. Với mục tiêu cố gắng tuyển chọn những tác phẩm đặc sắc nhất thể hiện rõ phong cách độc đáo của Tản Đà, công trình đã bổ sung thêm nhiều sáng tác mới của nhà văn này mà các cuốn sách trước vì lý do này khác chưa thể giới thiệu đến bạn đọc, tiêu biểu nhất là “Tản Đà thực phẩm”, một số truyện trong “Liêu trai chí dị”... Nét đặc sắc, lý thú và cũng là đóng góp mới mẻ của công trình so với các tuyển tập, toàn tập đã có chính là việc các tác giả biên soạn đã “cố gắng phục dựng nguyên bản trước tác của Tản Đà” nhằm mang đến cho người đọc hiện nay văn bản đầy đủ nhất về tác phẩm của nhà văn cá tính này. Những nhà nghiên cứu trong Hội đồng khẳng định, với việc bổ sung văn bản mới, cách chọn lọc mới, chú giải mới, công trình thực sự có giá trị về mặt khoa học, đặc biệt hữu ích đối với những người có nhu cầu nghiên cứu sâu về tác phẩm của nhà văn núi Tản sông Đà.
Bên cạnh đó, phần Hồi ức kỷ niệm với những bài viết được chọn lọc đã dựng lại được không khí đời sống riêng, giúp người đọc hiểu thêm về nhà văn, nhà thơ Tản Đà. Đây cũng là một điểm lý thú, hấp dẫn của công trình biên soạn.

Nhà thơ Bằng Việt, Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, Trưởng ban tư vấn chuyên môn mảng sách Văn học - Nghệ thuật của Tủ sách phát biểu ý kiến. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Ghi nhận giá trị của công trình, Hội đồng nghiệm thu cũng đã có những trao đổi, đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nữa bản thảo trước khi xuất bản. Những ý kiến trao đổi của nhà thơ Bằng Việt về lý thuyết nhà Nho tài tử hay của TS. Nguyễn Đức Mậu về niên biểu sáng tác, nhận định về Tản Đà đều được nhóm biên soạn giải trình và phản biện thỏa đáng. Về kết cấu bản thảo, sau khi trao đổi, Hội đồng nghiệm thu, chủ đầu tư và chủ biên đề tài thống nhất điều chỉnh theo hướng công trình sẽ gồm hai phần chính (Tổng luậnTuyển chọn tác phẩm), phần phụ lục sẽ bao gồm tác phẩm “Tản Đà thực phẩm” và các hồi ức kỷ niệm về Tản Đà. Ngoài ra, chủ biên và nhóm biên soạn sẽ cân nhắc việc bổ sung Niên biểu sáng tác và Thư mục tài liệu tham khảo về Tản Đà.


Ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án phát biểu ý kiến. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Về mặt dung lượng, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án khẳng định quan điểm của Ban Quản lý NXB Hà Nội là ưu tiên chất lượng của công trình hơn cả, nếu bản thảo vượt số trang trong khả năng cho phép thì hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị nhóm biên soạn cần lưu ý đến vấn đề tác quyền để tránh những tranh luận không cần thiết sau khi sách xuất bản.

Thay mặt Chủ đầu tư Nhà xuất bản Hà Nội, ông Lê Đại Biểu - Phó Tổng Giám đốc phụ trách NXB Hà Nội đánh giá cao chất lượng bản thảo, ghi nhận năng lực và trách nhiệm của nhóm biên soạn đồng thời khẳng định NXB Hà Nội sẽ tạo điều kiện hết sức có thể để giới thiệu đến bạn đọc một ấn phẩm hoàn thiện nhất.

Được biên soạn công phu, khoa học và đầy tâm huyết, “Tuyển tập Tản Đà” được kỳ vọng sẽ là một công trình trọng điểm của mảng sách Văn học - Nghệ thuật thuộc “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Với người đọc nói chung chắc chắn sẽ có thêm một “cánh cửa mới” để bước vào thế giới nghệ thuật của Tản Đà - nhà văn, nhà thơ của “hai thế kỷ”, “một nhân vật văn chương xuất sắc đã góp phần tạo nên diện mạo tri thức và văn hóa Hà Thành nói riêng và dân tộc nói chung cách đây một thế kỷ”.
 
 
Hoàng Thị Thùy Linh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá