Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Bức tranh toàn cảnh đa sắc, đa chiều của kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng
Thứ sáu, 24/04/2015 10:01

Chiều ngày 22/4/2015, Ban Quản lý dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghiệm thu bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.


Tham dự buổi nghiệm thu, về phía Hội đồng chuyên môn có GS.TSKH. Vũ Minh Giang làm chủ tịch Hội đồng, hai phản biện là PGS.TS. Trần Thị Vinh, PGS.TS. Đào Tố Uyên và các ủy viên Hội đồng gồm: PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật. Đây là những thành viên đã theo sát việc biên soạn bản thảo từ khâu đề cương. Về phía chủ đầu tư, có ông Lê Đại Biểu - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nhà xuất bản Hà Nội, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu tổng hợp các ý kiến và kết luận. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Trước hết, bản thảo sách “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” là một mắt xích nằm trong chuỗi những công trình viết về các triều đại trong mảng sách lịch sử của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, từ vương triều Lý, vương triều Trần đến Đại Việt thời Lê sơ. Chuỗi công trình đó sẽ giúp người đọc có một cái nhìn toàn diện và đầy đủ về lịch sử Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, thời kỳ Mạc - Lê Trung hưng ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII là thời kỳ có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Riêng về hoạt động thương mại, kinh tế hàng hóa và phát triển đô thị của Thủ đô thời trung cổ đại thì đây có thể nói là giai đoạn rực rỡ nhất. Viết về thời kỳ này là một thế mạnh của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ. Bởi ông là một chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI - XVIII, đặc biệt là về lịch sử và văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ.

Sau một thời gian tập trung nghiên cứu và biên soạn, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã cho ra mắt bản thảo sách khá công phu với 340 trang chính văn và 200 trang phụ lục. Bản thảo đã tái hiện một cách sinh động, toàn diện bức tranh đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ trong gần ba thế kỷ, từ chính trị, diện mạo kinh thành đến kinh tế, xã hội, văn hóa. Việc tái hiện được dựa trên những nguồn tư liệu phong phú và đa dạng. Bên cạnh nguồn tư liệu chính thống có nguồn tư liệu phi quan phương, phi chính thống. Bên cạnh nguồn tư liệu chữ Quốc ngữ, có nguồn tư liệu nước ngoài. Bên cạnh phần chính văn sâu sắc, có phần Phụ lục giá trị. Tất cả đều nhằm giúp người đọc có được cái nhìn sử liệu một cách khách quan và khoa học, chính là “để phục dựng lại bức tranh toàn cảnh đa sắc của kinh đô trong những thế kỷ này một cách đáng tin cậy nhất...” như tác giả công trình đã viết.

Tham dự cuộc họp gồm Ban Quản lý Dự án, Hội đồng nghiệm thu và đại diện nhóm biên soạn đề tài. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Bản thảo mang màu sắc và phong thái rất đặc trưng, rất “thương hiệu” Nguyễn Thừa Hỷ. Màu sắc ấy, phong thái ấy thấm nhuần vào từng câu chữ, lối hành văn cũng như văn phong diễn đạt. Cái tài, cái uyên thâm của Nguyễn Thừa Hỷ là ở chỗ ông viết sử mà không khô cứng, đưa ra quan điểm cá nhân mà không áp đặt, nói chuyện lịch sử mà người đọc như thấy những vấn đề của thời đại ngày nay. Cách dẫn dắt vấn đề của ông vô cùng thú vị và lôi cuốn, hút hồn người xem. Có thể nói, không phải ai cũng có bút pháp viết sử điêu luyện như vậy.

Tại buổi nghiệm thu, bên cạnh những ý kiến đánh giá cao về bố cục, nội dung, phương pháp tiếp cận vấn đề và văn phong thể hiện, Hội đồng nghiệm thu cũng đưa ra một vài ý kiến trao đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện bản thảo.

Về vấn đề giáo dục và khoa cử, các ý kiến đều cho rằng, tác giả công trình cần phải làm chính xác và kỹ càng hơn nữa, cần sửa một số sai sót khi viết về chế độ khoa cử thời Mạc, đề cập thêm về khoa cử thời Lê - Trịnh, chính sách của nhà nước đối với vấn đề giáo dục - khoa cử, nội dung và chương trình thi cử, hay việc cung cấp một số bảng thống kê các số liệu khoa cử v.v… Tác giả có thể tham khảo và sử dụng nguồn tư liệu từ những cuốn đã in trong Tủ sách, cụ thể là cuốn “Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long - Hà Nội” của PGS.TS. Bùi Xuân Đính. Bên cạnh đó, chủ biên và nhóm biên soạn cũng nên cập nhật một số thông tin mới, điển hình là sự kiện Mạc Kính Vũ. Thông tin đó không đưa vào chính sử mà có thể đặt vào phần phụ chú. Về các gương mặt tiêu biểu được đưa vào chương IV, GS.TSKH. Vũ Minh Giang có góp ý về việc xây dựng tiêu chí lựa chọn và đã đưa gương mặt văn hóa thì cũng nên nghiên cứu đưa thêm những gương mặt chính trị tiêu biểu. Ngoài ra, Hội đồng cũng có ý kiến về việc bổ sung thêm bảng phổ hệ, chỉnh sửa các lỗi kỹ thuật, chính tả, niên đại, sắp xếp các tiết và lược bớt một số từ, cụm từ ở tên các chương mục và trong cả lời văn. Rõ ràng, với tiêu chí tôn trọng quan điểm học thuật của người viết, những ý kiến đóng góp của Hội đồng đưa ra đều rất xác đáng.  

Ông Lê Đại Biểu, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Nhà xuất bản, đại diện chủ đầu tư phát biểu ý kiến. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Đại Biểu - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nhà xuất bản Hà Nội đã có đôi lời phát biểu ngắn gọn. Ông cảm ơn những ý kiến, đóng góp quý báu của phản biện và các thành viên Hội đồng. Đồng thời, ông cũng mong chủ công trình và nhóm biên soạn tiếp tục gia công chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo để Nhà xuất bản triển khai công tác in ấn, sớm đưa cuốn sách đến tay bạn đọc.

Kết thúc buổi họp, Hội đồng đã nhất trí thông qua và nghiệm thu bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” ở mức độ xuất sắc.

Có thể nói, qua tập bản thảo, bằng “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh, một tấm lòng đỏ và một con mắt xanh của người viết sử”, bức tranh toàn cảnh, đa chiều về cuộc sống mọi mặt của kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng đã được hiện lên vô cùng sinh động và sâu sắc. Sau khi ra sách, đây sẽ là một tác phẩm sử học vô cùng hấp dẫn và rất đáng đọc.

Trang Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá