Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp nghiệm thu bản thảo “Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII”
Thứ năm, 12/08/2010 11:11
Ngày 19/6/2010, Văn phòng Dự án đã tổ chức họp nghiệm thu bản thảo “Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII”. Công trình do ông Hồ Bạch Thảo và nhóm biên soạn thực hiện, thuộc ban Tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Cùng với “Thanh thực lục: Sử liệu chiến tranh Thanh - Tây Sơn” thì “Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII” là những kết quả mà Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” có được từ hạng mục điều tra sưu tầm tư liệu nước ngoài. Bên cạnh nguồn tư liệu phương Tây đồ sộ (được biên soạn thành 2 cuốn sách: “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” - PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên và “Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Thăng Long - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” - TS. Hoàng Anh Tuấn chủ biên) thì cuốn sách này có giá trị rất lớn, bổ sung thêm những mảng tư liệu còn trống mà sử Việt chưa khai thác hết đồng thời còn cung cấp những cái nhìn mới từ góc độ của những người chép sử Trung Quốc.

Chính vì những tư liệu được tuyển dịch từ sách chép sử của người Trung Quốc - cái nhìn bên ngoài về Thăng Long - Hà Nội, vì thế NXB Hà Nội đã tổ chức thẩm định, hiệu đính hết sức thận trọng. Sau cuộc họp nghiệm thu đề cương, nhóm biên soạn triển khai biên soạn, trước khi bản thảo hoàn chỉnh được nghiệm thu, NXB Hà Nội đã mời PGS.TS. Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học, biên tập nội dung cho bản thảo. Chính vì thế, Hội đồng thẩm định đã đánh giá rất cao chất lượng bản thảo, về việc tuyển dịch lẫn chú thích, chú giải, hiệu đính: “Dịch giả Hồ Bạch Thảo tỏ ra là một người có kiến thức căn bản vững chãi và về Hán học... bản dịch tiếng Việt lột tả được chân thực nội dung của nguyên tác chữ Hán... phần hiệu đính và chú thích do ông Phạm Hoàng Quân thực hiện là những thông tin quý và công phu, làm cho chất lượng bản dịch được nâng lên rất nhiều”.

Theo PGS. Trần Nghĩa, bài mở đầu “đã tiếp cận văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau và trên cơ sở các nguồn thông tin, tư liệu dồi dào... cho thấy quá trình hình thành “Minh thực lục” cũng như giá trị nhiều mặt của nó, đặc biệt là phần ghi chép liên quan tới Việt Nam mà giới nghiên cứu của ta chưa khai thác được hết”. Tuy nhiên cần tránh sự trùng lặp về nội dung khi giới thiệu về Minh thực lục với phần giới thiệu về quan hệ Việt - Trung trong Minh thực lục.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đều là những chuyên gia về Hán học, chính vì thế các bản góp ý đều chỉ ra một cách cụ thể, kỹ lưỡng trên phương diện khảo sát văn bản, thậm chí ở mức độ từng câu, từng chữ, tất cả nhằm hướng tới việc nâng cao bản dịch đạt chất lượng chính xác cao nhất có thể. Ông Đào Hùng - Tạp chí Xưa & Nay, cũng nêu một vài chi tiết ở một số mục cần phải chú thích kỹ hơn.

Về vấn đề tên sách cũng được Hội đồng trao đổi khá kỹ từ khâu nghiệm thu đề cương. Sau nhiều cân nhắc, tên gọi hiện tại của sách là “Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII”. Tuy nhiên, trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo, nhóm biên soạn tiếp tục suy nghĩ, nếu có tên hợp lý thì có thể đề xuất để tiếp tục trao đổi.

Hội đồng thống nhất nghiệm thu thông qua bản thảo. Những vấn đề cần hoàn thiện của bản thảo không quá phức tạp, nhóm biên soạn sẽ sớm hoàn thiện để sách sớm được ra mắt độc giả. Chắc chắn cuốn sách sẽ là một món quà thú vị đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và với đông đảo bạn đọc.



Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá