Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội”
Thứ hai, 11/05/2015 05:13

Sáng ngày 09/5/2015, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến NXB Hà Nội đã tổ chức cuộc họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo đề tài “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội ” do TS. Nguyễn Ngọc Mai chủ biên. Cuộc họp có sự tham gia của Ban Quản lý Dự án, Trưởng Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cùng chủ biên đề tài.

 
Một công trình về người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội là điều mà Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” luôn trăn trở, ấp ủ ngay từ giai đoạn I của Dự án nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện. Chính vì thế trong giai đoạn II, đây là một trong những đề tài được xác định từ đầu khi cơ cấu Tủ sách được xây dựng. Với công trình mang tên “Phụ nữ Thăng Long - Hà Nội”, chủ biên TS. Nguyễn Ngọc Mai và nhóm biên soạn mong muốn làm nổi bật những nét đẹp, phẩm chất, bản sắc văn hóa cùng vai trò, những đóng góp trên nhiều lĩnh vực của phụ nữ chốn kinh kỳ xưa, Thủ đô nay.


TS. Nguyễn Ngọc Mai (chủ biên) báo cáo tiến độ thực hiện trước đại diện Ban QLDA và Ban Tư vấn chuyên môn. Ảnh: Đ.Tùng.

Trong thời gian vừa qua, nhóm biên soạn đã tiến thành thu thập toàn bộ các tài liệu về/liên quan đến Thăng Long - Hà Nội và phụ nữ Thăng Long - Hà Nội bao gồm các sách xuất bản, tạp chí ở các thư viện khác nhau. Nhóm cũng đã xây dựng lại kết cấu đề cương với một số điều chỉnh mới so với đề cương ban đầu, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng nghiệm thu cùng việc tiếp cận tư liệu đã tổng hợp. Với kết cấu mới, ý định của chủ biên nhằm hướng tới việc khái quát hình ảnh người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trên hai chiều: theo biên niên lịch sử và theo lĩnh vực, vấn đề; trong đó sẽ cố gắng bao quát mọi tầng lớp phụ nữ và đặc biệt khai thác những thông tin, cứ liệu lịch sử có tính đa chiều nhằm mang tới một cái nhìn chân xác hơn về những người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử. Về cơ bản, nhóm đã thực hiện xong việc thu thập, tổng hợp tư liệu, trong thời gian tới nhóm sẽ tiến hành xử lý tư liệu và triển khai chắp bút biên soạn.

Các đại biểu tham dự buổi kiểm tra tiến độ đã có những ý kiến trao đổi và tham góp thêm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của tập thể tác giả trong quá trình biên soạn.


PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - Trưởng ban TVCM sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội phát biểu. Ảnh: Đ.Tùng

PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ - Trưởng ban TVCM sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội và ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án đều cho rằng cần phải cân nhắc điều chỉnh thêm về kết cấu công trình. Các ý kiến tập trung chỉ rõ, phần 1 của công trình cần phải tổng quan về phụ nữ Thăng Long - Hà Nội chứ không phải đơn thuần là đề cập đến bối cảnh Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ như hiện nay. Bên cạnh đó, việc phân kỳ chỉ nên tóm gọn lại thành ba thời kỳ: thời phong kiến (1010-1888), thời Pháp thuộc (1888-1945) và từ Cách mạng tháng Tám đến nay; mỗi thời kỳ lớn có thể chia thành các giai đoạn nhỏ hơn trong khi trình bày. Trong trường hợp tư liệu quá hạn chế, thời kỳ tiền Thăng Long có thể chỉ nêu khái quát.

Ông Phạm Quốc Tuấn cũng nhấn mạnh, đối với công trình này vấn đề tiêu chí phụ nữ Thăng Long - Hà Nội là cần thiết nhưng không quá quan trọng. Bởi công trình không tập trung nêu những gương phụ nữ điển hình mà hướng tới làm nổi bật những phẩm chất, bản sắc văn hóa của phụ nữ Thăng Long - Hà Nội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tính chất hội tụ và lan tỏa của vẻ đẹp ấy. Bên cạnh đó, ông Tuấn lưu ý nhóm biên soạn không nên quá ôm đồm tư liệu, đặc biệt là phần Phụ lục. Quan trọng hơn cả là thông tin cần phải đảm bảo tính chính xác.


Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện đề tài. Ảnh: Đ.Tùng

Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam nói chung, Thăng Long - Hà Nội nói riêng, chủ đề người phụ nữ chưa được khai thác nhiều, khai thác sâu. Việc tái hiện lại hình ảnh người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội trên nhiều mặt bởi thế đòi hỏi phải có sự tổng hợp, thẩm định từ nhiều nguồn tư liệu, không chỉ qua tư liệu lịch sử chính sử mà còn cần đến cả văn học, báo chí… Trong điều kiện thời gian có hạn, đó là khó khăn, thách thức lớn đối với những người tham gia biên soạn.
 
Chia sẻ với khó khăn của tập thể thực hiện do TS. Nguyễn Ngọc Mai chủ biên, các đại biểu tại cuộc họp nhấn mạnh đây là công trình khó, không chỉ ở sự hạn chế về mặt tư liệu, mà hơn cả là khó để có thể chuyển tải được một cách sinh động và hấp dẫn về người phụ nữ Thăng Long - Hà Nội, để cuốn sách không chỉ là một nghiên cứu, báo cáo khoa học mà còn là một tác phẩm có tính nghệ thuật giúp người đọc hiểu và cảm nhận sâu về người phụ nữ chốn kinh kỳ dọc chiều dài lịch sử.
 
Với tâm huyết và trách nhiệm cao đối với đề tài, đại diện nhóm biên soạn TS. Nguyễn Ngọc Mai khẳng định sẽ cố gắng để hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất có thể.

Sau cuộc họp, Chủ đầu tư Nhà xuất bản Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung kinh phí, tạo điều kiện để nhóm biên soạn triển khai công việc thuận lợi, có hiệu quả.


Hoàng Thị Thùy Linh

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá