Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945) - Một điểm sáng trên thi đàn Việt Nam
Thứ năm, 21/05/2015 06:22

Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ biên là công trình phục dựng lại diện mạo phong trào Thơ mới qua các tư liệu được sắp xếp theo trình tự thời gian. Công trình không chỉ đưa ra một cái nhìn hệ thống, toàn cảnh về các vấn đề, sự kiện, hiện tượng liên quan đến phong trào Thơ mới mà còn giúp người đọc hiểu sâu hơn về một giai đoạn phát triển rực rỡ của thi ca Việt Nam trên mảnh đất kinh kỳ.

 
Bằng sự nhiệt tâm, công phu và hết sức tỉ mỉ, nhóm biên soạn đã hoàn thành xong tập bản thảo với số trang vượt dự kiến, lên đến hơn 1100 trang (khổ A4). Tập bản thảo đã được biên soạn dựa trên bản đề cương đã chỉnh sửa và theo ý kiến đóng góp của Hội đồng nghiệm thu đề cương chi tiết diễn ra vào ngày 22/5/2014. Với sự tiếp nhận, bổ khuyết một cách chủ động, kịp thời, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn đã cho ra mắt một bản thảo đầy đủ hơn về tư liệu, hợp lý hơn về mặt nội dung. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời theo quy trình chung của Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghiệm thu bản thảo “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)” vào ngày 20 tháng 5 năm 2015.
 
Buổi nghiệm thu diễn ra hết sức tốt đẹp dưới sự điều hành của PGS.TS. Phạm Quang Long - Chủ tịch Hội đồng, nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, cùng sự tham gia của các ủy viên Hội đồng (TS. Chu Văn Sơn, PGS.TS. Hà Văn Đức), các phản biện (PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành), đại diện Ban Tư vấn chuyên môn (nhà thơ Bằng Việt), đại diện Ban Quản lý Dự án (ông Lê Đại Biểu - Phó Tổng Giám đốc phụ trách) và đông đảo cán bộ, biên tập viên của Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Tại buổi họp, nhiều ý kiến đồng thuận về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp tiếp cận và quy mô của bản thảo. Đây có lẽ là công trình tập hợp được đầy đủ nhất những sự kiện, bài báo, hoạt động, nhận xét, đánh giá, trao đổi v.v... của đời sống văn học của phong trào Thơ mới trong 14 năm đầu tiên, có khoanh vùng phạm vi thuộc địa bàn Hà Nội. Nhóm biên soạn đã lựa chọn phương pháp biên niên sử (sắp xếp theo trình tự thời gian) để thực thi công trình. Đây là một hướng tiếp cận mới mẻ, đưa đến cho người đọc sự hình dung về không khí văn học, sự vận động của đời sống văn học theo dòng lịch sử. Công trình không chỉ là sự góp nhặt thuần túy mà là công việc sưu tầm và biên khảo có giá trị khoa học và giá trị thực chứng. Nhóm biên soạn đã rất công phu khi tỉ mỉ, cẩn thận, phục nguyên dạng từng câu chữ, từng dòng văn bản tư liệu, có trích dẫn, chú giải đầy đủ, đồng thời chỉ ra những chỗ nhầm lẫn, sai sót, khó hiểu... giúp người đọc tra cứu dễ dàng. Đây là công sức quý báu, rất đáng được ghi nhận của tập thể tác giả.
 
Bên cạnh đó, một số vấn đề đã được đề cập tại buổi họp nghiệm thu đề cương, mà Hội đồng vẫn thấy băn khoăn, lại được tiếp tục đưa ra thảo luận, điển hình là về tên gọi của đề tài. Nhiều ý kiến cho rằng, chữ “Hà Nội” trong tên đề tài là chưa được hợp lý, nên bỏ. Công trình tuy lấy phạm vi là thuộc khu vực Hà Nội nhưng trên thực tế là có sự bao quát phong trào Thơ mới trên phạm vi cả nước. Hơn thế, nếu khoanh vùng khu vực Hà Nội thì bản thảo lại mang tính địa phương, bó hẹp địa bàn. Do đó, không vì khuôn khổ của Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” mà tự trói sức vươn của công trình, giảm đi tính thuyết phục đối với người đọc.
 
Ngoài ra, các thành viên Hội đồng còn đưa ra nhiều ý kiến về hình thức sắp xếp của công trình hay việc lựa chọn các sự kiện đưa vào bản thảo. Đây là một công trình nhằm phục vụ việc tra cứu khi nghiên cứu, tìm hiểu về phong trào Thơ mới. Vì thế việc lựa chọn sự kiện cần đưa ra tiêu chí cụ thể. Đồng thời cách sắp xếp tư liệu, sự kiện cần tiện dụng, sáng rõ, đi theo hướng biên niên sử để toát lên tính đặc thù của bản thảo. Hơn thế, để tiện dụng cho việc tra cứu, bản thảo nên có phần Index (chỉ dẫn) ở cuối sách. Bảng chỉ dẫn cần đưa ra các tiêu chí cụ thể như: theo tiêu chí tác giả, theo tiêu chí tác phẩm hay theo tiêu chí sự kiện v.v... Về việc bổ sung cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân, theo Hội đồng là cần thiết nhưng không nên đưa toàn bộ tác phẩm này vào bản thảo. Bởi tác phẩm chiếm dung lượng lớn, cũng khá phổ biến và đã được tái bản nhiều lần.
 
Các thành viên Hội đồng còn đặc biệt lưu ý chủ biên cần đầu tư nhiều hơn cho bài Tổng luận của công trình. Tuy phần Lời dẫn được viết khá cô đọng, súc tích nhưng chưa đề cập đến diện mạo, quá trình hình thành và phát triển của phong trào Thơ mới. Bản thảo cần có một bài Tổng luận dầy dặn hơn, mang dấu ấn đậm nét của chủ biên công trình.
 
Thay mặt chủ đầu tư, ông Lê Đại Biểu - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Nhà xuất bản Hà Nội - đã có đôi lời phát biểu. Ông rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp hết sức xác đáng của các nhà khoa học. Đồng thời đề nghị nhóm biên soạn sớm chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo để Nhà xuất bản triển khai các công đoạn biên tập, in ấn.
 
Cuối buổi họp, PGS.TS. Phạm Quang Long - Chủ tịch Hội đồng - đã đưa ra một kết luận rất mở, không quá gò ép chủ biên công trình, quan trọng là bản thảo phải được chỉnh sửa hợp lý, bổ sung những khuyết thiếu trước khi xuất bản.
 
 
Trang Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá