Hội nghị tư vấn việc tổ chức Hội thảo về Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Ngày 08/7/2010 Văn phòng Dự án NXB Hà Nội đã tổ chức hội nghị tư vấn cho việc tổ chức Hội thảo về Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tham dự hội nghị gồm có đại diện của Ban Tuyên giáo Thành ủy - Ông Hồ Quang Lợi cùng các thành viên của Hội đồng Tư vấn khoa học Dự án Tủ sách, các nhà khoa học gắn bó với Dự án từ những ngày đầu triển khai: GS. Vũ Khiêu, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, PGS.TS. Vũ Văn Quân, Ông Nguyễn Xuân Hải, GS.TS. Trương Quang Hải, TS. Nguyễn Viết Chức, PGS. Trần Nghĩa, GS. Vũ Khiêu và PGS.TS. Phạm Xuân Hằng - Thường trực Hội đồng Tư vấn khoa học điều hành hội nghị.
Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và
xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do UBND TP. Hà Nội giao cho NXB
Hà Nội làm Chủ đầu tư đã đi gần hết chặng đường sau hơn 3 năm thực hiện. Tủ
sách sẽ được ra mắt với đông đảo bạn đọc Thủ đô và cả nước vào tháng 10/2010 -
tháng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một Dự án được đánh giá cao
về giá trị, ý nghĩa và chưa có tiền lệ. Xuất phát từ việc tổng kết, đánh giá
những kết quả mà Dự án đã thực hiện được cũng như để xây dựng kế hoạch cho
những công việc “hậu dự án”, NXB Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học vào khoảng
tháng 8/2010. Trong hội nghị ngày hôm nay, các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến
cho việc chuẩn bị hội thảo khoa học này.Các đại biểu tham dự đều thống nhất ủng
hộ việc tổ chức hội thảo khoa học, và khẳng định việc đầu tiên là phải xác định
được rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi đối tượng, từ đó xây dựng kế hoạch nội dung
của hội thảo.
Một
trong những nội dung trọng tâm của hội thảo là cần tổng kết về mọi mặt Dự án Tủ
sách: Sự hình thành, những tính chất đặc thù của dự án, mục đích, ý nghĩa dự án
hướng tới; cách thức tổ chức, quá trình triển khai, những kết quả thực hiện đến
thời điểm hiện tại và đánh giá giá trị của Dự án. Các ý kiến đều nêu rõ cần
khẳng định được vị trí, ý nghĩa, giá trị của Dự án phi vật thể này trong dòng chảy
1000 năm và trong tương quan với các chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -
Hà Nội.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nêu những hạn chế của Dự án,
những gì chưa thực hiện triệt để và những gì chưa khai thác được. Những vấn đề
này có liên quan rất nhiều đến thời gian, kinh phí thực hiện dự án đồng thời
những phát sinh trong quá trình thực hiện (việc thành phố mở rộng địa giới hành
chính). Chính những mảng còn trống, còn thiếu của Dự án này lại là cơ sở để xây
dựng kế hoạch cho hậu dự án, cho hậu nghìn năm, nghĩa là phát huy những thành
tựu mà dự án đã thực hiện được để tiếp tục, bổ sung, hoàn thiện kho tàng văn
hóa phi vật thể Thăng Long - Hà Nội. Công tác điều tra sưu tầm tư liệu, những
mảng sách cơ cấu đề tài còn ít, còn thiếu (mảng kinh tế, địa lý, kiến trúc và
quy hoạch đô thị), việc mở rộng khai thác văn hóa của không gian Hà Nội mới,
việc tập trung những nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu mới, việc tiếp tục
những mảng sách phổ thông… đó cũng có thể coi là một vài trong nhiều vấn đề cần
được xây dựng kế hoạch thực hiện cho “hậu dự án”.
Góp phần vào việc tổng kết và quảng bá Dự án, các nhà khoa
học sẽ cùng hỗ trợ Chủ đầu tư xây dựng một cuốn sách giới thiệu các sản phẩm
của Dự án cùng một cuốn kỷ yếu Dự án Tủ sách.
NXB Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu
tham dự để xây dựng một kế hoạch cụ thể cho Hội thảo khoa học sắp tới.
Nhà xuất bản Hà Nội