Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Những “thước phim lịch sử” về một Hà Nội cận đại
Thứ tư, 17/06/2015 06:24

Đề tài “Lịch sử Hà Nội cận đại” do GS.TS. Phạm Hồng Tung chủ biên đã mô tả diện mạo của Hà Nội thời Pháp thuộc từ 1873 đến 1945 theo hướng đồng đại và lịch đại với các mảng vấn đề. Các mảng vấn đề đó không chỉ làm rõ bối cảnh lịch sử, âm mưu xâm lược, chính sách khai thác bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp mà còn phản ánh những chuyển biến về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở Hà Nội, mang đặc trưng đô thị. Qua đó, người đọc thấy được một bức tranh toàn cảnh, với nhiều sắc màu sinh động về đời sống hiện thực của Hà Nội thời cận đại.

 
Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức buổi họp nghiệm thu đề cương đề tài “Lịch sử Hà Nội cận đại” vào sáng ngày 12/6/2015. Hội đồng nghiệm thu có các chuyên gia sử học nổi tiếng: GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Nguyễn Đình Lê, PGS.TS. Trịnh Vương Hồng, PGS.TS. Vũ Văn Quân... Đại diện chủ đầu tư ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án, cùng các biên tập viên, nhân viên Văn phòng Dự án Nhà xuất bản.

GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu điều hành phiên họp. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Trong mảng sách lịch sử thuộc Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, nối tiếp dòng thời gian, một loạt những đề tài phân khúc theo giai đoạn đã và đang được biên soạn, xuất bản. Trước là cuốn “Vương triều Lý”, sau là “Vương triều Lê (1428 - 1527)”, “Vương triều Trần”, “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng”. Và giờ là “Lịch sử Hà Nội cận đại” của nhóm biên soạn GS.TS. Phạm Hồng Tung, PGS.TS. Trần Viết Nghĩa. Riêng viết về thời cận đại, Tủ sách cũng cho ra mắt hai công trình quý giá là “Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” do GS. Đinh Xuân Lâm chủ biên và “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Đình Lê chủ biên. Nếu hai cuốn trên đề cập chủ yếu đến lịch sử yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng thì ở “Lịch sử Hà Nội cận đại”, GS.TS. Phạm Hồng Tung lại đi sâu, khai thác những vấn đề về quản lý đô thị, về chuyển biến kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống, tinh thần của thị dân. Hay nói khác đi đó chính là việc trình bày về đô thị Hà Nội thời cận đại - một thời đoạn lịch sử đầy biến động. Đây cũng chính là điểm khác biệt, một hướng đi mới của công trình mà nhóm tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.  

Chính vì điểm khác biệt này mà Hội đồng đã có nhiều tranh biện: đề tài có phải hay không phải là thông sử, nên hay không nên đi theo hướng chuyên đề. Có ý kiến cho rằng nên đi theo hướng phân kỳ lịch sử (lịch đại), nhằm đề cao tính hệ thống. Có ý kiến lại cho rằng nên đi theo hướng chuyên đề (đồng đại) để tránh trùng lặp, nhằm tạo ra sức hút khác biệt với những công trình đi trước. Về vấn đề này, Hội đồng đã đi đến thống nhất, dù người viết đi theo hướng nào (đồng đại hay lịch đại) hoặc theo cả hai hướng thì cách thể hiện cũng phải thật cân đối, hài hòa.


GS.TS. Phạm Hồng Tung, Chủ biên đề tại trình bày khái quát đề cương đề tài trước Hội đồng. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Tại buổi họp, vấn đề về phạm vi thời gian và không gian của Hà Nội cận đại cũng được bàn thảo khá nhiều. Về phạm vi thời gian, các tác giả lấy mốc mở đầu từ năm 1873 và kết thúc là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đây là khoảng thời gian hợp lý và được sự đồng thuận của cả Hội đồng. Về phạm vi không gian, hầu hết các thành viên đều cho rằng công trình cần thiết phải bổ sung thêm vùng đất Hà Tây để phù hợp với không gian Hà Nội mở rộng như hiện nay. Đây là một cơ hội quý để bổ sung tư liệu, chỉ rõ sự tương tác của các vùng phụ cận đối với lõi trung tâm Hà Nội trong việc chống giặc ngoại xâm và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, việc đưa thêm phần Hà Tây cũ vào sẽ là một thách thức không nhỏ đối với nhóm biên soạn. Là người trực tiếp xây dựng bản đề cương, khi đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Trần Viết Nghĩa đã gặp khó khăn trong cách triển khai vấn đề. Nếu tiếp cận sâu về mặt đô thị thì phần Hà Tây sẽ loãng, còn nếu tiếp cận nông chỉ ở khía cạnh quân sự thì chưa lột tả được hết bản chất thiết yếu của đề tài. Có thể thấy rõ, việc ghép hai mảng vấn đề đó vào nhau là không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự sáng suốt, khéo léo và tài năng của người chấp bút, vẫn lấy trung tâm Hà Nội truyền thống làm trọng số, trong sự so sánh với các vùng phụ cận, đặc biệt là vùng đất xứ Đoài, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong Lời nói đầu của cuốn sách.

PGS.TS. Trịnh Vương Hồng, Ủy viên hội đồng, phát biểu ý kiến đóng góp với nhóm biên soạn. Ảnh: Vũ Văn Chiến

Ngoài các ý kiến đóng góp có tính xuyên suốt trên, Hội đồng cũng đề cập đến tên gọi của công trình và phần Thư mục. Về tên đề tài, nhiều phương án đã được đặt ra như: “Lịch sử Hà Nội cận đại”, “Lịch sử Hà Nội 1873 - 1945” hay “Lịch sử Hà Nội cận đại, Hà Nội thời Pháp thuộc 1873 - 1945”... Tuy nhiên, phương án khả thi nhất là nhóm tác giả tự cân nhắc để lựa chọn một cái tên phù hợp trong quá trình biên soạn. Đối với phần Thư mục, các tài liệu tham khảo còn thiếu khá nhiều và chưa thật trúng, rất cần bổ sung hoàn thiện.

Với tư cách là đại diện chủ đầu tư, đồng thời cũng là một thành viên Hội đồng, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án, đã cung cấp một số đầu sách tham khảo tốt cho đề tài và chỉ ra những vấn đề chính góp ý giúp hoàn thiện bản đề cương. Theo ông, nhằm tôn trọng nguyên tắc lịch sử, việc bổ sung phần Hà Tây là hết sức cần thiết. Bên cạnh sự kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có, công trình cần khai thác những khía cạnh mới, tăng tính hấp dẫn, hạn chế trùng lặp và đặc biệt là không nên đi theo mô tuýp khá đơn điệu của các sách lịch sử Đảng bộ.

Có thể nói, buổi nghiệm thu đề cương đã diễn ra hết sức thành công. Nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng cao, chỉ ra được những thiếu sót của công trình.

Hy vọng rằng với kinh nghiệm nghiên cứu, năng lực chuyên môn cao của nhóm tác giả cùng sự nhiệt tâm của Hội đồng, tập bản thảo sẽ được hoàn thiện, sớm “công chiếu” những “thước phim lịch sử” quý giá, đầy màu sắc về Hà Nội thời cận đại trước đông đảo bạn đọc.


Trang Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá