Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Thăng Long - Hà Nội qua những áng thơ tiêu biểu
Thứ tư, 15/07/2015 10:07

Sáng ngày 12/7/2015, theo đúng quy trình biên soạn, tại Nhà xuất bản Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Tủ sách tổ chức họp nghiệm thu bản thảo “Thơ Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội”.

 
Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Hội đồng nghiệm thu là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, văn học, Hán Nôm (GS.TS. Trần Ngọc Vương, PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, TS. Phạm Thị Ngọc Lan, Nhà thơ (NT) Bằng Việt), đại diện Chủ đầu tư và các đại biểu, biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.
 
Ý tưởng ban đầu của tập thể biên soạn nhằm khảo cứu, dịch chú, giới thiệu đến độc giả tác phẩm “Hà Thành thi sao” của nhà Hán học Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn - một cuốn sách sưu tập, sao chép đầy đủ và có số lượng lớn nhất thơ Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội trong suốt thời kỳ văn học trung đại Việt Nam. Từ ý tưởng hình thành từ cách đây nhiều năm, qua sự đóng góp ý kiến của Hội đồng nghiệm thu đề cương chi tiết, sau một thời gian biên soạn, bản thảo công trình đã hoàn thành với dung lượng hơn 600 trang với một định hướng mới: vẫn lấy “Hà Thành thi sao” là hạt nhân tuy nhiên lược bớt những bài trùng lặp, không thật sự tiêu biểu hay thuộc thể loại khác thơ, đồng thời bổ sung thêm những thi phẩm đặc sắc, bất hủ về Thăng Long - Hà Nội từ đời Trần đến đời Nguyễn của nhiều tác giả nổi tiếng như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát… Định hướng này của bản thảo được đánh giá là phù hợp với yêu cầu, nội dung của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
Cuộc họp nghiệm thu diễn ra sôi nổi với những trao đổi, tranh luận khoa học cần thiết hướng tới việc đảm bảo chất lượng của công trình khi ra mắt bạn đọc. Trước hết các nhà nghiên cứu đánh giá cao ý nghĩa, giá trị và tính cần thiết của công trình, nói như nhận định của NT Bằng Việt: “đây là một việc làm công phu và rất có tâm với các áng thơ hay của các bậc tiền nhân đối với vẻ đẹp tinh thần và hồn cốt tích tụ tự bao đời của Thăng Long - Hà Nội”.
 
Hội đồng thẩm định cũng đánh giá kết cấu bản thảo hợp lý, khoa học, bao gồm: Lời giới thiệu; Phần khảo cứu, dịch chú văn bản tác phẩm; Tài liệu tham khảo. Các phần của công trình tương đối đầy đủ những nội dung cần thiết, phần khảo chú văn bản là nội dung trọng tâm về cơ bản được thực hiện công phu, nghiêm túc, có độ tin cậy về chất lượng. Cách trình bày bản thảo sáng rõ, mạch lạc, chỉn chu, đặc biệt với tính chuyên nghiệp trong việc xử lý văn bản của những chuyên gia về Hán Nôm, cách “trình hiện” các tác phẩm (theo cách nói của TS. Phạm Thị Ngọc Lan) có hiệu quả, giúp cho người đọc có thể tiếp nhận được nguyên tác tùy theo cấp độ đọc, quan tâm của mỗi người.
 
Các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu cũng đã ghi nhận những đóng góp, thành tựu của công trình. Trước hết, đó là sự cố gắng của tập thể biên soạn trong việc giới thiệu đến bạn đọc rất nhiều văn bản tác phẩm chưa từng được giới thiệu, dịch chú, trong đó có cả tác phẩm chữ Hán lẫn chữ Nôm. Đáng kể hơn nữa, đó là việc nhóm biên soạn đã công phu so sánh, đối chiếu những tác phẩm, tác giả trong “Hà Thành thi sao” với bản gốc hiện lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm và đã phát hiện, đính chính, bổ sung một số sai sót, nhầm lẫn của soạn giả Trần Duy Vôn. Đây được coi là một đóng góp lớn về mặt khoa học của công trình này.
 
Chia sẻ với nhóm biên soạn những khó khăn của công việc khảo chú các tác phẩm Hán Nôm, (đặc biệt với số lượng lớn: 299 tác phẩm), tuy nhiên các thành viên Hội đồng cũng nêu rõ những vấn đề tồn tại của bản thảo với những sai sót trong kỹ thuật vi tính chữ Hán, những lỗi chính tả hay lỗi hiểu chưa chính xác trong cách dịch nghĩa, dịch thơ… Vì đây là nội dung chính, chiếm dung lượng lớn nên đòi hỏi nhóm biên soạn cần dành thời gian gia công, rà soát lại một cách chỉn chu, kỹ lưỡng.
 
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh việc chủ biên cần đầu tư thêm cho bài Giới thiệu. Theo đó, bài viết này cần đánh giá một cách thỏa đáng, hợp lý hơn những đóng góp, công lao của nhà Hán học Trần Duy Vôn với di sản văn hóa Hán Nôm nước nhà cũng như cần làm rõ giá trị, ý nghĩa của tập thơ “Hà Thành thi sao” trong cái nhìn tương quan với thơ Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội. Đặc biệt, ý kiến của GS.TS. Trần Ngọc Vương cho rằng bên cạnh những ghi nhận, tôn vinh, người viết cũng cần có cái nhìn khách quan để chỉ rõ những hạn chế, thiếu hụt của chính soạn giả cũng như tác phẩm của ông trong điều kiện biên soạn hết sức hạn hẹp lúc bấy giờ.
 
Tên gọi của công trình cũng là một vấn đề được đặt ra thảo luận sôi nổi từ khâu đề cương chi tiết. Ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án đề xuất tên gọi “Thơ Thăng Long - Hà Nội qua “Hà thành thi sao”” đồng thời điều chỉnh kết cấu của bản thảo phù hợp với nhan đề này: “Hà thành thi sao” vẫn là nội dung chính, còn các tác phẩm của các tác giả khác nằm ngoài cuốn sách này sẽ thuộc phần Phụ lục. Ý kiến này nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của Hội đồng nghiệm thu và chủ biên đề tài.
 
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội, đại diện Chủ đầu tư cảm ơn các ý kiến đóng góp hữu ích, cần thiết của các thành viên Hội đồng nghiệm thu. Ông đề nghị nhóm biên soạn tiếp thu các ý kiến và gấp rút chỉnh sửa, hoàn thiện bản thảo, đảm bảo tiến độ của Dự án.
 
Thay mặt tập thể biên soạn, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo khẳng định trong thời gian tới nhóm sẽ cố gắng hoàn thiện bản thảo, nhằm giới thiệu đến bạn đọc “một thi phẩm tương đối đầy đủ xứng với tầm vóc Thăng Long - Hà Nội, kinh đô của một quốc gia văn hiến hơn ngàn năm tuổi”.
 
Hoàng Linh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá