Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Họp nghiệm thu bản thảo “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”
Thứ năm, 19/08/2010 09:17
Ngày 26/6/2010, Văn phòng Dự án tổ chức họp nghiệm thu bản thảo “Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương”. Bản thảo do PGS.TS. Trịnh Sinh chủ biên, thuộc Ban Lịch sử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Với mục đích nhằm tái hiện lại lịch sử Thăng Long - Hà Nội một cách đầy đủ, toàn diện, nên trong cơ cấu đề tài mảng sách Lịch sử, Ban Quản lý Dự án đã xây dựng các cuốn sách về lịch sử Thủ đô theo các thời kỳ. Bản thảo về giai đoạn rất sớm; là lát cắt lịch sử mà ở đó vẫn còn tồn tại những huyền thoại gắn với những vị vua của buổi đầu dựng nước. Việc làm sáng tỏ, tái hiện, phục dựng những vấn đề lịch sử từ những cơ sở, tư liệu có tính chất khoa học của giai đoạn này là một trong những mục tiêu mà cuốn sách muốn hướng tới.

Nhìn một cách tổng quát nhất có thể khẳng định đây là một bản thảo có giá trị, được biên soạn một cách công phu, trên cơ sở những tư liệu đáng tin cậy và có  phương pháp nghiên cứu khoa học, hợp lý.

Tuy vậy, bản thảo vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện. Trước hết, về mặt bố cục, các chương của bản thảo có sự phân bố chưa hợp lý về mặt dung lượng. Chương 2 có dung lượng quá ngắn so với các chương còn lại, tạo ra sự mất cân đối. Vì vậy theo ý kiến của Hội đồng, chủ biên sẽ cân nhắc để gộp vấn đề của chương 2 vào chương 1 hoặc chương 3, với cách làm này, bố cục sẽ cân đối và không bị dàn trải. Cũng như thế, chương 7 là một chương hay, nhưng ít nhiều có phần trùng lặp với chương về đời sống tinh thần, nên sẽ chuyển chương 7 thành phần kết luận hoặc phụ lục, những chi tiết cụ thể trong chương này có thể lược và bổ sung cho các chương ở trên.

Một vấn đề quan trọng đối với bản thảo là nội dung còn nặng về phương diện khảo cổ học, việc tái hiện lại lịch sử của giai đoạn nhìn chung chưa thật sự sáng tỏ. Mục đích mà chủ biên muốn thể hiện là từ những mô tả di vật khảo cổ học nhằm phác họa nên diện mạo lịch sử. Đành rằng trong một giai đoạn mà lịch sử còn có dấu ấn của những “mây mù huyền thoại”, chưa được ghi chép lại trong các tài liệu thành văn thì việc dựa vào các thành tựu khảo cổ học dường như là phương pháp hữu hiệu nhất để đưa ra những kết luận chính xác, khoa học. Tuy nhiên do các vấn đề khảo cổ học tập trung khá đậm nét khiến cho cuốn sách chưa nổi bật được nội dung quan trọng nhất - chính là lịch sử Hà Nội giai đoạn Hùng Vương - An Dương Vương. Để giải quyết được vấn đề này, Hội đồng đã chỉ ra được yêu cầu cốt lõi đó chính là việc sử hóa những tư liệu khảo cổ học, nghĩa là khảo cổ học chỉ là phương tiện để làm nổi bật vấn đề lịch sử, như vậy bản thảo cần lược bớt những phần mô tả về khảo cổ học đồng thời cần tập trung nhiều hơn ở những chương lý giải, nhận định về lịch sử của giai đoạn này.

Hội đồng cùng chủ biên cũng đã có những trao đổi sôi nổi về các chi tiết liên quan đến vấn đề khảo cổ, trên cơ sở đó những vấn đề mà giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất thì sẽ không đưa vào sách, mà sẽ dựa trên những quan điểm chính thống đã được công nhận.

Thời gian đến ngày đại lễ không còn nhiều, vì thế sau buổi nghiệm thu, chủ biên sẽ cố gắng để sớm hoàn thiện bản thảo.

Như nhà nghiên cứu khảo cổ học, PGS.TS. Trình Năng Chung đã nhận định: “Xét trên nhiều góc cạnh, có thể khẳng định, nội dung cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn trong việc nhận thức thời đại Hùng Vương - An Dương Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung, cũng như của Hà Nội nói riêng”. Chính vì thế chắc chắn đây sẽ là cuốn sách cần thiết không chỉ với giới nghiên cứu khoa học mà còn với đông đảo bạn đọc phổ thông, không chỉ cho đại lễ 1000 năm mà còn cho nhiều năm sau.



Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá