Họp nghiệm thu bản thảo “Thư mục tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội (trước năm 1945)”
Thăng
Long - Hà Nội, trong chiều dài và chiều sâu lịch sử, đã sáng tạo và truyền trao
đến ngày nay nhiều giá trị văn hiến nổi bật, trong đó đặc biệt quan trọng là
nguồn tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm. Tuy nhiên, nhiều tư liệu hiện chỉ còn độc
bản, vì nhiều lý do (chẳng hạn, như nhiều văn bia tại các địa phương đã bị phá
hủy, hiện chỉ còn thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Vì thế, việc xây dựng
và xuất bản bộ Thư mục tư liệu văn hiến
Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu một cách cơ bản, toàn diện nguồn tư
liệu này là công việc cần thiết trên nhiều ý nghĩa và thiết thực để kỷ niệm
1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình là sách công cụ phục vụ công tác tra
cứu; tập trung giới thiệu các nguồn tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội hiện
đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ, các cơ quan nghiên cứu.
Điều đầu tiên Hội đồng nghiệm
thu khẳng định là ghi nhận những lao động khoa học của tập thể biên soạn đã
hoàn thành bản thảo với dung lượng đồ sộ, công phu với nguồn tài liệu tham khảo phong phú,
phương pháp khai thác khoa học, chọn lựa được những tư liệu phù hợp, lấy được
những thông tin cơ bản của tài liệu, đáp ứng mục tiêu mà đề tài đặt ra. Theo PGS.TS. Hoàng Hồng: “Cách trình bày tư liệu
trong đề tài đã thể hiện được những thông tin cơ bản của tư liệu là: Địa điểm
sản sinh, tác giả, nội dung chính, đặc điểm hình thức, bản gốc hay bản sao, cơ
quan lưu giữ. Đây là những tiêu chí chủ yếu trong việc xác định tài liệu dưới
góc độ sử liệu học. Mặt khác, cách trình bày này cũng phù hợp với yêu cầu cần
giới thiệu một số lượng lớn tài liệu”.
Tuy nhiên, Hội đồng cũng đã chỉ ra một số
điểm còn hạn chế của bản thảo, đặc biệt là về tính toàn diện thể hiện trên
nhiều khía cạnh: về mặt ngôn ngữ (do Tủ sách đã có 3 đầu sách tập trung vào
nguồn tư liệu phương Tây nên bản thảo chủ yếu tập trung vào tư liệu Hán Nôm);
về mặt không gian (tập trung vào làng xã hơn là thành thị); về địa giới hành
chính (chưa bao quát hết các quận, huyện ở Hà Nội); về các phương diện nội dung
(còn tập trung vào các tư liệu có tính sử học, các lĩnh vực khác còn hạn chế).
Bên cạnh đó, bản thảo hướng vào khai thác tư liệu trước năm 1945 nhưng ở một số
phần lại bao quát cả không gian Hà Nội đã mở rộng nên chưa đảm bảo tính thống
nhất.
Để tên bản thảo phù hợp hơn với nội dung,
Hội đồng cùng Chủ đầu tư và nhóm biên soạn đã trao đổi và thống nhất đặt tên
mới cho cuốn sách là “Tư liệu văn hiến
Thăng Long - Hà Nội: Thư mục tư liệu trước 1945”.
Sau cuộc họp, tiếp thu các góp ý của Hội
đồng, chủ biên và nhóm biên soạn sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện bản thảo để
kịp thời ra mắt độc giả và dịp đại lễ đang đến gần.
Nhà xuất bản Hà Nội