Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" là món quà quí giá, là di sản văn hóa cho các thế hệ mai sau

Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội phát biểu tại lễ ra mắt
Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, ngày 2/10/2010. Ảnh: V2Chien
Hòa chung không khí tưng bừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của nhân dân Hà Nội và cả nước, hôm nay Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Thăng Long - Hà Nội là nơi địa linh nhân kiệt với bề dày nghìn năm lịch sử, từ Hồ Gươm lung linh huyền thoại đến núi Tản sừng sững linh thiêng, nơi đâu cũng khắc ghi những dấu ấn của ngàn năm văn hiến. Cũng chính từ nơi đây tinh hoa của dân tộc kết tinh, hội tụ và lan toả, trở thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô mà còn dành được sự quan tâm của nhân dân cả nước bởi Hà Nội là trái tim của cả nước, cả nước hướng về Hà Nội. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, Nhà xuất bản Hà Nội với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của một Nhà xuất bản Tổng hợp duy nhất của Thủ đô, đã đề xuất với Trung ương và Thành phố Dự án đầu tư “Điều tra, sưu tầm biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Dự án Tủ sách đã được phê duyệt và Nhà xuất bản Hà Nội được giao làm Chủ đầu tư tổ chức thực hiện.
Việc xây dựng Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” nhằm hệ thống hoá, tổng kết các giá trị về mọi mặt của văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1000 năm lịch sử. Tủ sách sẽ giúp bạn đọc hiểu về Thủ đô vừa đầy đủ và có hệ thống, vừa khái quát và sâu sắc. Từ đó kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong thời gian ngắn nhất đưa Thủ đô Hà Nội phát triển ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới. Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” cũng đặt cơ sở cho sự tiếp nối nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như của các thế hệ sau này.
Đây là một Dự án trọng điểm về văn hoá phi vật thể trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án được khởi động từ năm 2004 và thực sự triển khai từ tháng 9/2006. Đến nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành các sản phẩm của Dự án được trưng bày, giới thiệu với đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước tại Thư viện Quốc gia từ nay đến 10/10/2010.
Về tổ chức thực hiện: Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có quy mô lớn với nhiều hạng mục mang tính đặc thù và giá trị tổng kết. Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, Nhà xuất bản Hà Nội đã chủ động triển khai các hoạt động. Cùng với quyết định Thành lập Hội đồng Tư vấn Khoa học (do GS. Vũ Khiêu làm Chủ tịch) của Ủy ban nhân dân Thành phố, Nhà xuất bản đã thành lập 8 Ban Tư vấn chuyên môn và hàng trăm Hội đồng Khoa học chuyên ngành giúp chủ đầu tư thẩm định, nghiệm thu kế hoạch thực hiện các hạng mục, các đề tài của Dự án. Bên cạnh đó Nhà xuất bản đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của các Sở ban ngành Trung ương và Hà Nội, sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình của các nhà khoa học, nhà quản lý… Đây chính là các cơ sở đề dự án triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Kết quả thực hiện: Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” có nhiều hạng mục và nội dung, trong đó có 2 hạng mục trọng tâm là Tổ chức điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội và Biên soạn xuất bản Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Về Công tác Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội:
Hạng mục điều tra, sưu tầm có vị trí quan trọng đối với kết quả cũng như chất lượng của Dự án. Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội rất phong phú, hình thành trong toàn bộ tiến trình lịch sử đô thị. Công tác điều tra, sưu tầm trong khuôn khổ Dự án đảm bảo tính toàn diện và triệt để. Sản phẩm của hạng mục bao gồm: Hồ sơ các tư liệu về Thăng Long - Hà Nội, Tư liệu về Thăng Long - Hà Nội sưu tầm ở nước ngoài, Các tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội đang được lưu trữ tại các cơ quan lưu trữ... Đây là cơ sở để tập hợp biên soạn 14 đầu sách tư liệu đồng thời xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
* Hành trình tìm kiếm: Ngoài các tư liệu được lưu trữ tại các thư viện, các cơ quan lưu trữ, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức cuộc vận động “Hành trình tìm kiếm sách và tư liệu quý hiếm về Thăng Long - Hà Nội” (HTTK) nhằm giới thiệu một địa chỉ tin cậy cho những người có tâm huyết, nhiệt tình đóng góp xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hiến Thăng Long. Qua 2 năm tổ chức, cuộc vận động đã thu thập 412 tập tư liệu có giá trị, bổ sung cho kế hoạch xây dựng ngân hàng dữ liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
* Cuộc vận động sáng tác Logo cho Tủ sách: Để ghi dấu ấn riêng cho Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, Nhà xuất bản Hà Nội cũng đã tổ chức vận động sáng tác Logo Tủ sách. Logo hiện nay được đánh giá: Thể hiện ý nghĩa tổng kết quá khứ, hướng tới tương lai và ý nghĩa của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
Về Biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Trên cơ sở kế thừa các đề tài nghiên cứu đã thực hiện, các công trình, sách đã công bố, tư liệu điều tra sưu tầm… kết hợp với nghiên cứu mới, tổ chức biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Các sách của Tủ sách là sự tổng kết văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình 1000 năm lịch sử trên tất cả các lĩnh vực.
Tổng số sách trong cơ cấu Tủ sách: 94 đầu sách
Trong đó:
Mảng Địa lý: 5 đầu sách Mảng Văn học - Nghệ thuật: 22 đầu sách
Mảng Kinh tế: 4 đầu sách Mảng Văn hóa - Xã hội: 19 đầu sách
Mảng Lịch sử: 17 đầu sách Mảng Tư liệu - Tổng hợp: 16 đầu sách
Sách thuộc chương trình KX.09: 11 đầu sách
Ngoài việc tổ chức biên soạn và xuất bản Tủ sách, Dự án còn tổ chức biên soạn, tái bản và in mới 25 đầu sách phổ thông về Thăng Long - Hà Nội. Sách sẽ được trang bị cho hệ thống thư viện, hệ thống quận huyện và các trường học của Hà Nội, góp phần giới thiệu giáo dục về truyền thống văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Trong quá trình biên soạn, chủ đầu tư tổ chức định kỳ kiểm tra tiến độ biên soạn, kịp thời giải quyết những phát sinh, khó khăn vướng mắc và quản lý được chất lượng, tiến độ biên soạn. Đến nay các đầu sách đã được hoàn thiện kịp xuất bản chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Một số đầu sách triển khai muộn hơn sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong tháng 10/2010.
Ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ Dự án
Các nội dung chính của Hạng mục đến nay cơ bản đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Trang web của Tủ sách khai trương vào dịp 19/5/2009, hiện đang hoạt động ổn định góp phần tuyên truyền quảng bá các hoạt động Dự án, chương trình tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài sách in truyền thống của Tủ sách, Dự án sẽ xuất bản 4 đầu sách điện tử: Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Hà Nội, Atlas Thăng Long - Hà Nội.
Việc tổ chức biên soạn và xuất bản sách điện tử được tiến hành đồng bộ cùng quá trình tổ chức biên soạn và xuất bản sách in. Hiện nay, đã triển khai sản xuất sách điện tử “Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI”, đang biên soạn các đầu sách điện tử tiếp theo.
Nhà xuất bản Hà Nội cũng đã phối hợp với Thư viện Quốc gia trong việc số hóa các đầu sách, tư liệu về văn hiến Thăng Long, làm biên mục sách và đăng ký chỉ số sách quốc tế ISBN. Quá trình này sẽ giúp đưa những quả của Dự án đến với đông đảo bạn đọc, người nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đánh giá kết quả
Về cơ bản Dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã đạt được các mục tiêu đề ra về ý nghĩa chính trị, văn hóa... Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có tính chất tổng kết văn hiến Thăng Long qua 1000 năm lịch sử, mở ra hướng nghiên cứu khai thác về Thăng Long - Hà Nội. Các ấn phẩm của Tủ sách đạt chất lượng tốt cả về nội dung và hình thức, được dư luận độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt Dự án đã thu hút, quy tụ được trí tuệ của các viện, cơ quan nghiên cứu, đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý hàng đầu trên tất cả lĩnh vực tham gia thực hiện Dự án. Nhờ tổng hợp được trí tuệ công sức của đông đảo tập thể và cá nhân này mà chất lượng Dự án được đảm bảo. Đồng thời đây sẽ là vốn quý để tiếp tục tổ chức nghiên cứu khai thác kho tàng văn hiến Thăng Long, không ngừng bổ sung hoàn thiện cho Tủ sách Thăng Long. Tủ sách góp phần phục vụ nghiên cứu khoa học, nhu cầu tìm hiểu về văn hiến Thăng Long trước mắt cũng như lâu dài, là món quà quý, là di sản văn hóa thành văn để lại cho các thế hệ tiếp theo nghiên cứu, phát huy. Đặc biệt Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến sẽ giúp các Nhà quản lý hoạch định chính sách để phát triển Thủ đô bền vững, ngang tầm với Thủ đô các nước và trong khu vực và trên thế giới.
Phương hướng và đề xuất
Trong hoàn cảnh thời gian và kinh phí có hạn, các điều kiện còn nhiều hạn chế nên những hạng mục, những đề tài đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn về thời gian và chiều sâu chưa thực hiện được. Phát huy những kết quả đã đạt được và trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý tham gia Dự án, trong thời gian tới, Nhà xuất bản Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và đề xuất Dự án giai đoạn 2. Dự án sẽ tiếp tục trên cả chiều rộng và chiều sâu với phạm vi không gian của Hà Nội mở rộng ở một số nội dung chính sau:
- Tiếp tục tổ chức khảo sát, điều tra sưu tầm tư liệu, không ngừng bổ sung hoàn thiện kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long.
- Trên cơ sở kết quả điều tra, sưu tầm, tiếp tục khai thác, biên soạn các bộ tuyển tập tư liệu về Thăng Long - Hà Nội.
- Xây dựng bộ Tổng thư mục tư liệu về Văn hiến Thăng Long
- Xây dựng bộ sách Địa chí Hà Nội
- Xây dựng các bộ từ điển về Hà Nội: Từ điển địa danh Hà Nội, Từ điển Văn hóa Hà Nội…
- Xây dựng bộ Atlas Hà Nội mới
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các mảng sách của Tủ sách.
- Xây dựng các bộ sách điện tử về đề tài Thăng Long - Hà Nội.
Trong thời gian không dài đối với một dự án khó, khối lượng công việc nhiều, đạt được kết quả như trên, ngoài những cố gắng nỗ lực của mình, Nhà xuất bản Hà Nội đã nhận được sự động viên, khích lệ, ủng hộ và đóng góp to lớn của rất nhiều tập thể và cá nhân. Nhân dịp này Nhà xuất bản Hà Nội chân thành cảm ơn lãnh đạo Chính phủ, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố, các bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội, GS. Vũ Khiêu, GS. Phan Huy Lê, các nhà khoa học trong Hội đồng tư vấn khoa học, các Ban Tư vấn chuyên môn các Hội đồng khoa học của các đề tài cùng các tác giả đã tâm huyết sát cánh cùng Nhà xuất bản thực hiện Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự cộng tác giúp đỡ của các Nhà khoa học, các Sở ban ngành cùng sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội để Thủ đô anh hùng - Thành phố Vì hòa bình của chúng ta ngày càng phát triển, hội nhập cùng thế giới.
Chúng tôi chân thành cảm ơn các cơ quan, đoàn thể đã phối hợp và hỗ trợ cho buổi lễ ra mắt Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến: Thư viện Quốc gia Việt Nam, các báo đài Trung ương và Hà Nội….