“Vương triều Lê (1428 - 1527)” - hướng đi mới trong nghiên cứu sử học
Tiếp tục với những thành tựu đã có từ cuốn sách “Vương triều Lý (1009 - 1226)” được xuất bản từ năm 2010, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã triển khai tổ chức biên soạn công trình về vương triều Lê - một trong ba vương triều rạng rỡ võ công, văn trị của văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt. Bản thảo với dung lượng hơn 700 trang đã trình bày một cách sinh động, chân thực lịch sử 100 năm Thăng Long - Hà Nội từ 1428 - 1527 dưới sự trị vì của 10 đời vua Lê. Đề tài này đã cùng với các công trình khác thuộc mảng sách Lịch sử của Dự án Tủ sách qua cả hai giai đoạn tái hiện lại chân dung, diện mạo lịch sử của mảnh đất nghìn năm cùng với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc.
GS. TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên để tài “Vương triều Lê (1428 - 1527)”
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa, tính cần thiết của việc tổ chức biên soạn đề tài này như đã từng nêu ra trong cuộc họp nghiệm thu đề cương chi tiết cách đây hơn 1 năm. Nay khi bản thảo đã hoàn thành, điều này càng được khẳng định bởi với chất lượng khoa học cao, công trình chắn chắn sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo cần thiết, hữu ích, có độ tin cậy cao.
Kết cấu công trình cũng nhận được sự đánh giá cao, khi công trình hướng tới một cách bố cục mới, không trình bày theo dạng thông sử thông thường về chính trị, kinh tế, xã hội chung cho cả một vương triều mà 4 chương đầu của phần nội dung chính viết theo giai đoạn trị vì của từng triều vua, từ vị vua đầu tiên là Lê Thái Tổ đến vị vua cuối cùng là Lê Cung Hoàng, chương cuối cùng mang tính đánh giá, tổng kết cho cả triều đại. Cách viết này yêu cầu người viết phải “chắc tay” vì dễ trùng lặp, dễ gây nhàm chán tuy nhiên lại tạo ra sự hấp dẫn, tránh được tính hàn lâm, nặng nề trong cách viết sử xưa nay. Và với bản thảo “Vương triều Lê (1428 - 1527)”, nhóm biên soạn đã khẳng định được cách bố cục công trình này là hoàn toàn đúng đắn, hợp lý. Với cách tiếp cận này, tuỳ vào thực tế lịch sử ở mỗi giai đoạn mà các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân sự, chính sách ngoại giao, kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc được trình bày với dung lượng hợp lý và rõ nét, người đọc vẫn có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về cả vương triều, đồng thời vẫn tìm ra điểm nhấn đặc biệt trong mỗi đời vua.

Ban quản lý Dự án cùng các thành viên Hội đồng và nhóm tác giả trao đổi, đánh giá và đóng góp ý kiến cho để tài.
Một ưu điểm khác theo đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Phương Chi đó là bản thảo thể hiện sự đổi mới về nhận thức khoa học lịch sử,đảm bảo tính khách quan, chân xác khi viết về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Mặt khác việc kết hợp khai thác nhiều nguồn tư liệu, cả chính sử lẫn gia phả, văn bia, truyền thuyết giai thoại, văn hóa dân gian, thêm vào đó còn cập nhật được cả những nghiên cứu mới cả trong và ngoài nước, nói như PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ, bản thảo đã “tạo nên một tập hợp dữ liệu thông tin phong phú mang tính tiếp cận liên ngành, đa dạng và bổ ích”.
Với tất cả những ưu điểm nêu trên, bản thảo “Vương triều Lê (1428 - 1527)” hứa hẹn sẽ là một công trình sử học hấp dẫn đối với nhiều đối tượng bạn đọc.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản rộng rãi.
Về mặt kết cấu, các nhà nghiên cứu đều đề nghị bổ sung thêm phần Lời nói đầu và Lời kết để đảm bảo được tính hoàn chỉnh, cân đối của công trình. Ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh Văn phòng Dự án cũng lưu ý thêm Lời nói đầu cần có sự đầu tư thích đáng, có tính chất như bài tổng quan để tăng thêm giá trị công trình. Thêm vào đó theo đề xuất của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì nên bổ sung thêm mụcLê Cung Hoàng (1522-1527) tiếp nối giai đoạn Lê Chiêu Tông (1517 - 1527).
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án đánh giá cao chất lượng của bản thảo.
Một số vấn đề cần trao đổi thêm như khái niệm về “chế độ quân điền”, hay lưu ý làm rõ thêm về sự kiện hai lần lập bản đồ thời Lê Thánh Tông để đảm bảo tính chính xác lịch sử. Bản thảo do nhiều tác giả chắp bút, do đó việc trùng lặp nội dung hay sự thiếu thống nhất về văn phong giữa các phần, bên cạnh đó những lỗi kỹ thuật, lỗi trình bày là điều khó tránh khỏi. Với vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - chủ biên công trình sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc rà soát và đảm bảo tính thống nhất toàn bản thảo.
Công trình tuyển chọn khoảng 30 bài viết nghiên cứu của nhiều tác giả trong và ngoài nước, do đó việc đảm bảo bản quyền tác giả cũng là vấn đề cần phải lưu ý.
Mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện song về cơ bản, bản thảo “Vương triều Lê (1428 - 1527)” được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, về giá trị khoa học và tính hấp dẫn. Hy vọng bản thảo sớm được hoàn thiện để xuất bản, phục vụ bạn đọc rộng rãi.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội