Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Giới thiệu và tọa đàm hai cuốn sách: MINH THỰC LỤC: QUAN HỆ TRUNG QUỐC - VIỆT NAM THẾ KỶ XIV - XVII _ THANH THỰC LỤC: QUAN HỆ THANH - TÂY SƠN CUỐI THẾ KỶ XVIII ĐẦU THẾ KỶ XIX
Thứ sáu, 26/11/2010 10:00
Ngày 20.11.2010, NXB Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu và tọa đàm hai cuốn sách: Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVII và Thanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Hai cuốn sách được thực hiện bởi nhóm biên soạn gồm Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo (tuyển dịch và chú giải), Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân và Trần Văn Chánh (hiệu đính và bổ chú), Ông Nguyễn Bá Dũng (thay mặt nhóm biên soạn phối hợp với NXB Hà Nội tổ chức xuất bản 2 cuốn sách), cùng với hai nhà nghiên cứu thẩm định và hiệu chỉnh, biên tập bản thảo: PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (sách Minh thực lục) và PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn (sách Thanh thực lục).

Buổi tọa đàm ngoài sự tham gia của nhóm dịch giả, biên soạn, chú giải, thẩm định, biên tập còn có sự góp mặt của lãnh đạo NXB Hà Nội, nhiều nhà khoa học như PGS. Trần Nghĩa, PGS.TS. Ngô Đức Thọ, PGS.TS. Chương Thâu, PGS.TS. Trần Ngọc Vương, Nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS. Nguyễn Công Việt, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh... cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà báo và các độc giả quan tâm.

                                                                                                                                               Ảnh: V2Chien

Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV - XVIIThanh thực lục: Quan hệ Thanh - Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là hai cuốn sách thuộc mảng sách Tư liệu - Tổng hợp trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do NXB Hà Nội được UBND Thành phố giao làm Chủ đầu tư. Hai cuốn sách tuyển dịch và chú giải những văn bản nói về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam được chép trong hai bộ sử thời Minh và Thanh.

Trong buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Minh Tường và PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn với tư cách là thành viên của Hội đồng khoa học nghiệm thu bản thảo đồng thời là người thẩm định, biên tập nội dung, hiệu chỉnh hai bản thảo này đã có những phát biểu phân tích sâu sắc về quá trình xây dựng hai bộ sử biên niên, những tài liệu liên quan đến Việt Nam, ý nghĩa trong việc nghiên cứu, đối chiếu đối với sử ta trong một giai đoạn lịch sử lâu dài gần 5 thế kỷ trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - những dấu ấn lịch sử, về nguồn gốc xuất xứ và giá trị của hai cuốn sử liệu. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với nhóm tuyển dịch và chú giải, một lần nữa hai nhà nghiên cứu đã khẳng định giá trị sử liệu quý giá của hai cuốn sách này. Trong tình hình sử liệu nước nhà còn trống vắng những mảng tư liệu này thì việc thực hiện 2 cuốn sách nói trên là đóng góp lớn và thiết thực của nhóm biên soạn.

Tham dự buổi giới thiệu, bên cạnh việc khẳng định giá trị của sách, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh buổi tọa đàm này không chỉ là buổi giới thiệu các ấn phẩm xuất bản thông thường mà còn mang ý nghĩa gửi gắm một thông điệp: lịch sử dân tộc còn đặt ra quá nhiều vấn đề mà thế hệ chúng ta cần phải tiếp tục, mặt khác cũng cần phải nhận thức rõ về nguồn lực mà chúng ta đã, đang có và cần khai thác, phát huy.

Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia như PGS.TS. Ngô Đức Thọ, PGS.TS. Lê Thành Lân, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh, PGS.TS. Trần Ngọc Vương… Dịch giả Hồ Bạch Thảo cũng như nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cũng trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện biên soạn hai cuốn sách.

Kết thúc buổi giới thiệu, tọa đàm, Ông Nguyễn Khắc Oánh - Tổng giám đốc NXB Hà Nội thay mặt Chủ đầu tư cảm ơn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học - những người biên soạn hai cuốn sách, những người tham gia Hội đồng nghiệm thu, những người tham gia thẩm định, hiệu chỉnh và cả đông đảo các độc giả trong giới nghiên cứu cũng như bạn đọc gần xa đã quan tâm đến hai bộ sách này.

                                                                                                                                        Ảnh: V2Chien

Có thể mượn lời của PGS.TS Trần Ngọc Vương đã nói, việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những cuốn sách quý như hai bộ tư liệu này không chỉ có ý nghĩa phục vụ cho một mùa kỷ niệm, không chỉ phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, mà giá trị còn vượt xa hơn thế, “có tính chất quyết định đến sự sinh tồn của dân tộc, quốc gia”.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá