Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Về bộ sách: “MINH THỰC LỤC - QUAN HỆ TRUNG QUỐC - VIỆT NAM THẾ KỶ XIV-XVII”
Thứ sáu, 11/02/2011 04:32
Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII do Dịch giả Hồ Bạch Thảo dịch, chú thích; Phạm Hoàng Quân hiệu đính, bổ chú, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành vào cuối quý II năm 2010. Đây là bộ sách quý, gồm 3 tập, tổng cộng 2.880 trang khổ 16 x 24 cm (Tập I: 928 trang, Tập II: 892 trang, Tập III: 1060 trang). Mỗi tập sách đều được chia làm 2 phần: phần trước là bản dịch ra tiếng Việt, phần sau in kèm theo nguyên bản chữ Hán. Để nâng cao chất lượng bản dịch và phần hiệu đính, chú thích, Nhà xuất bản Hà Nội có mời tôi – PGS.TS. Nguyễn Minh Tường – biên tập, hiệu chỉnh nội dung cho cuốn sách.

            Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, là toàn bộ sử liệu trong Minh thực lục có liên quan trực tiếp đến quan hệ giữa nhà Minh với các quốc gia đã từng tồn tại trên lãnh thổ nước ta ngày nay, lần đầu tiên được dịch ra tiếng Việt.

            Trước khi đi sâu phân tích về giá trị sử liệu trong Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII, tôi xin trình bày một cách khái quát về bộ Minh thực lục. Minh thực lục (hoặc Hoàng Minh thực lục) là một bộ sử biên niên đồ sộ của 13 triều vua nhà Minh (1368-1644) của Trung Quốc, từ Thái Tổ đến Hy Tông, gồm 3.053 quyển, với tổng cộng hơn 40.000 trang, ước khoảng 11.520.000 chữ Hán. Ngoài ra, có phụ thêm Hoài Tông thực lục gồm 17 quyển chép việc triều Sùng Trinh (1628-1644) được biên soạn sau này. Thực ra, toàn bộ triều Minh kéo dài 276 năm, có tất cả 16 vị hoàng đế (không kể các vua Nam Minh), như vậy số Thực lục (13 thực lục của 13 triều vua) là ít hơn số triều vua được chép trong sử, vì hai triều Kiến Văn (1399-1402) và Cảnh Thái (1450-1456) không có Thực lục riêng; triều Sùng Trinh với Hoài Tông thực lục không được xem là chính thức, bởi chỉ thâu lượm những văn bản rời rạc của người đời sau[1].

            Chép lịch sử 276 năm triều Minh của Trung Quốc, ngoài bộ Minh thực lục này, còn có bộ Minh sử. Nhưng nếu so về quy mô, cũng như giá trị sử liệu thì Minh sử không thể sánh được với Minh thực lục.

            Chúng tôi xin đưa ra một số dữ liệu về hai bộ sử trên để độc giả thấy được những điểm khả thủ của Minh thực lục so với Minh sử.

            - Về số trang: Minh thực lục có hơn 40.000 trang in.

                                    Minh sử chỉ có hơn 8.600 trang in.

            - Về số chữ:   Minh thực lục: ước khoảng 11.520.000 chữ Hán.

                                    Minh sử chỉ ước khoảng 5.000.000 chữ Hán.

            - Về thể tài:    Minh thực lục được chép theo thể Biên niên.

                                    Minh sử được chép theo thể Kỷ truyện.

            - Về thời gian biên soạn:      

                                    Minh thực lục được chép ngay đương thời các vua triều Minh.

                                    Minh sử được chép vào đầu triều Thanh (1644-1911).

            Qua đó, chúng ta thấy Minh sử bị hạn chế bởi thể lệ truyền thống trong việc biên soạn sử của nhà cầm quyền, việc tuyển chọn sử liệu và cắt xén sử liệu không thể không xảy ra. Trong khi đó, Minh thực lục với dung lượng lớn hơn 2 lần Minh sử được ghi chép chi tiết hơn, cụ thể hơn, vì được viết ngay trong thời Minh, nên nó còn có được tính thời sự, một ưu thế mà Minh sử không thể có.

            Trong các bộ sử của Trung Quốc, có thể nói Minh thực lục là một trong vài bộ ghi chép nhiều sử liệu về Việt Nam nhất. Chúng ta đều biết, trong dòng chính sử Trung Hoa thì Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản là 3 quốc gia được chép nhiều hơn các nước khác, do có quan hệ từ sớm, do đồng văn (tức cùng nền văn hóa Khổng giáo), do tiếp cận về địa lý và quan trọng hơn đều là các nước mà các triều đại phong kiến Trung Quốc có tham vọng xâm chiếm. Vào đời Minh, mở rộng hơn sự giao thông về phía biển Nam, nhất là từ năm 1405 đến năm 1433, Trịnh Hòa trước sau 7 lần “hạ Tây dương”, dẫn đoàn thuyền, qua biển Nam Trung Hoa sang Ấn Độ dương. Trong 7 lần dẫn đoàn thuyền đi qua Ấn Độ dương, Trịnh Hòa đã tới thăm hơn 30 quốc gia, xa nhất là Sômali thuộc châu Phi. Từ đó, Việt Nam từ chỗ quan hệ trên đất liền với Trung Hoa, lại thêm phần quan hệ trên biển. Do những lý do ấy, nên đối với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam lại chiếm một số lượng lớn sử liệu trong Minh thực lục.

            Bắt đầu từ năm 1368, là năm Chu Nguyên Chương lên ngôi Hoàng đế Trung Hoa, sự kiện có liên quan đến Đại Việt và Chămpa (Chiêm Thành) được ghi chép đến năm 1640, tức gần dứt triều Sùng Trinh (đến năm 1644). Trong thời gian ấy (1368-1640), nước Đại Việt trải qua các triều: Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê – Trịnh, cụ thể là từ cuối đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369), cho đến đời vua Lê Thần Tông (1619-1643).

            Chúng ta đã thấy sử liệu Việt Nam được ghi chép trong Minh thực lục là khá phong phú, nhưng đáng tiếc các sử gia phong kiến trước đây và các nhà sử học hiện nay ít được tiếp xúc trực tiếp với Minh thực lục. Điều này có nguyên nhân sâu xa mà dường như không thể khác được! Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc in ấn Minh thực lục quá muộn, ngay trên quê hương sinh ra nó, tức Trung Quốc. Dưới thời phong kiến, Minh thực lục được lưu giữ bí mật trong văn phòng Nội các cho đến niên hiệu Vạn Lịch (1573-1620) triều vua Minh Thần Tông. Vì thế, các bản sao chép chỉ được lưu truyền qua tay các cá nhân, được ghi chép liên tục vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Toàn bộ các bản chép cho đến đầu thế kỷ XX là bản chép tay. Ấn bản đầu tiên của Minh thực lục được phát hành năm 1940, do Lương Hồng Chí in chụp dựa trên cơ sở một bản sao lưu trong Thư viện tỉnh Giang Tô. Phiên bản được chấp nhận rộng rãi và thông dụng nhất của Minh thực lục ngày nay là bản được phát hành dạng ảnh ấn bản (bản in chụp) của Viện Văn Sử thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan từ năm 1963 đến năm 1968. Phiên bản sao chụp thạch bản này dựa trên thư bản của Thư viện Quốc gia Bắc Kinh, với những phần thiếu được bổ sung từ các bản chép khác.

Như trên đã nói, thời điểm sử dụng tư liệu từ Minh thực lục vào việc biên soạn hoặc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, trên thực tế cho thấy khá muộn.

Năm 1950, Học giả Nhật bản Yamamoto Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang) đã xuất bản tác phẩm An Nam sử nghiên cứu (Quyển I). Công trình này thu thập khá nhiều văn bản trong Minh thực lục, với hình thức sao y nguyên bản.

Năm 1956, Học giả Đào Duy Anh có tham khảo An Nam sử nghiên cứu I để bổ sung cho quyển Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1955. Lịch sử Việt Nam của Đào Duy Anh được tái bản vào năm 1958. Trong lần viết lại này, tư liệu Minh thực lục đã giúp Đào Duy Anh bổ sung nhiều sự kiện và tình tiết, số liệu quan trọng thời thuộc Minh và kháng chiến chống Minh.

            Vào năm 1967, ở các chú thích trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ thực lục - Quyển X, XI - Kỷ nhà Lê) của Đào Duy Anh hoặc trước đó, những khảo cứu địa lý, địa danh trong Đất nước Việt Nam qua các đời (1964), cụ Đào cũng dẫn nguồn Minh thực lục, nhưng được tham khảo gián tiếp từ An Nam sử nghiên cứu của Yamamoto Tátsuro. Thí dụ: Chú thích số 35 phần Bản kỷ thực lục - Quyển X, sách Đại Việt sử ký toàn thư, cụ Đào viết: “Hoàng Minh thực lục thì chép việc này vào tháng giêng năm Vĩnh Lạc thứ 21. Tham tướng Giao Chỉ là Vinh Xương bá[2] Trần Trí đuổi đánh phản tặc Lê Lợi ở huyện Xa Lai, châu Ninh Hóa. Lợi thua chạy trốn. Huyện Xa Lai[3] nên sửa là huyện Đông Lai. Nay còn có xã Đông Lai thuộc huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình”[4]. Hoặc ở Chương IX: “Những thay đổi về địa lý hành chính thời thuộc Minh”, sách Đất nước Việt Nam qua các đời, trong chú thích 1: Học giả Đào Duy Anh viết: “Sách Hoàng Minh thực lục là do sách An Nam sử nghiên cứu I của Sơn Bản Đạt Lang dẫn”[5].

Năm 1976, trong công trình nghiên cứu Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, ở Chương III, Chương IV của sách này viết về Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, là hai trận đánh lớn, mang ý nghĩa quyết định trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, các tác giả đã sử dụng nhiều tư liệu Minh thực lục, trong An Nam sử nghiên cứu I.

Năm 2007, trong bộ thông sử Lịch sử Việt Namtập III - thế kỷ XV-XVI của Nhóm tác giả Viện Sử học: Tạ Ngọc Liễn (chủ biên) - Nguyễn Thị Phương Chi - Nguyễn Đức Nhuệ - Nguyễn Minh Tường - Vũ Duy Mền mới khai thác trực tiếp sử liệu Việt Nam từ bộ Minh thực lục. Nhưng bộ Minh thực lục này là bộ được tàng trữ tại Thư viện Trung Quốc học ở Mátxkva được tác giả Tạ Ngọc Liễn tham khảo và khai thác trong thời gian ông sang công tác tại Liên Xô (cũ).

Như vậy, có thể nói trước đây, tại các thư viện ở Việt Nam không có nguyên bản Minh thực lục, nên việc tham khảo sử liệu Việt Nam trong bộ sách này, phần lớn đều thông qua An Nam sử nghiên cứu I của Học giả người Nhật Yamamoto Tatsuro. Bắt đầu từ học giả Đào Duy Anh khoảng năm 1956 đến năm 2007, trong Lịch sử Việt Nam tập III - thế kỷ XV-XVI, lượng tư liệu có quan hệ đến sử Việt Nam trong Minh thực lục ước chừng chỉ mới sử dụng được gần một nửa.

Sách Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là bản dịch các đoạn văn (tức các sử liệu) có liên quan đến quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam (Đại Việt - Chămpa…), từ năm 1368 đến năm 1640 trong 13 bộ Thực lục của nhà Minh, tổng cộng là 1.327 văn bản. Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành lần này gồm 3 tập:

- Tập I có 386 văn bản: Chép các sự kiện từ ngày 26 tháng Chạp năm Hồng Vũ thứ nhất (3-2-1369) đến ngày 28 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 11 (25-7-1413).

- Tập II có 480 văn bản: Chép các sự kiện từ ngày 2 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 11 (29-7-1413) đến ngày 20 tháng Chạp năm Tuyên Đức thứ 9 (19-1-1435).

- Tập III có 461 văn bản: Chép các sự kiện từ ngày 9 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 10 (8-3-1435) đến ngày 6 tháng 10 năm Sùng Trinh thứ 13 (18-11-1640).

Văn bản ngắn nhất thường chỉ có từ 10 đến 13 chữ, như Văn bản số 16: Ngày 11 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 3 (4-6-1370): “Khiển sứ ban khoa cử chiếu vu Cao Ly, An Nam, Chiêm Thành” (Sai sứ ban chiếu về việc khoa cử cho Cao Ly, An Nam, Chiêm Thành). Văn bản dài nhất như Văn bản số 204 có khoảng 2.880 chữ, ngày 1 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (5-7-1407) ghi chép về việc nhà Minh cho lập Ty Đô chỉ huy sứ Giao Châu và đổi tên các địa danh ở nước ta.

Về giá trị sử liệu của Minh thực lục, nếu đối chiếu những ghi chép về Việt Nam trong sách ấy với Đại Việt sử ký toàn thư, sẽ thấy có nhiều nội dung, nhiều sự kiện cùng được hai sách ghi chép, tuy nhiên trong các tình tiết có nhiều dị biệt.

Có rất nhiều sự kiện Minh thực lục chép rộng hơn, kỹ lưỡng hơn Đại Việt sử ký toàn thư, đây là điểm sử gia đời sau có thể lợi dụng để bổ sung cho bộ thông sử của Việt Nam. Thí dụ Văn bản số 103 cho thấy việc lấn cấn biên giới mà Hồ Quý Ly phải cắt trả đất vào năm 1405, vốn có tiền sự từ năm 1397, mà trong vụ này Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép việc năm 1405, trong khi Minh thực lục chép cả hai niên điểm của sự kiện giúp chúng ta nắm rõ hơn quá trình diễn biến của sự kiện này[6].

Những sử liệu giai đoạn nhà Hồ, thời thuộc Minh, được Minh thực lục chép chi tiết hơn, rõ ràng hơn những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, thậm chí có những sự kiện quan trọng trong Minh thực lục ghi chép mà Đại Việt sử ký toàn thư lại không hề chép đến. Thí dụ ở các Văn bản số 664 ngày 27 tháng Một năm Hồng Hy thứ nhất (5-1-1426), Văn bản số 691 ngày 3 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ nhất (9-5-1426), Minh thực lục ghi chép cuộc trao đổi giữa vua nhà Minh với Dương Sĩ Kỳ đứng đầu phái “Chủ hòa” và Kiển Nghĩa đứng đầu phái “Chủ chiến”, cho thấy sự phân vân giữa rút quân hay tiếp tục giao chiến ở Giao Chỉ. Việc này, Đại Việt sử ký toàn thư hoàn toàn không chép.

Nhiều nhân vật, sự kiện thời Hậu Trần và các thủ lĩnh địa phương khởi nghĩa trước khởi nghĩa Lam Sơn, vốn gây nhiều phiền phức cho bộ máy cai trị của nhà Minh được Minh thực lục chép khá chi tiết, lại không thấy chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Chúng ta còn có thể căn cứ vào Minh thực lục để cải chính những nhầm lẫn, sai sót trong sử Việt, nhất là tên người Trung Hoa, địa danh Trung Hoa, thì phải thừa nhận Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép sai so với Minh thực lục.

Ngoài ra các chuyên đề về lịch sử địa lý, lịch sử bang giao Trung Quốc - Việt Nam, về vấn đề quan chế thời nhà Hồ, thời Hậu Lê, lịch sử quân sự, lịch sử các cuộc khởi nghĩa nông dân của Việt Nam, cũng có thể khai thác nguồn sử liệu từ Minh thực lục.

Sách Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là bộ sử liệu đầu tiên trích dịch đầy đủ phần tư liệu về nước ta từ một bộ sử lớn của Trung Quốc, có in kèm theo đầy đủ bản gốc chữ Hán. Nói tóm lại, với một khối lượng đồ sộ, Minh thực lục nói chung và Minh thực lục - Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV-XVII có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Có thể khẳng định: Minh thực lục – Quan hệ Trung Quốc Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là bộ sách quý đối với mọi độc giả yêu quý và tìm hiểu lịch sử dân tộc./.

N.M.T.

(Bài đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 103 kỳ 6/2010 - Tháng 12 năm 2010)



[1]. 13 bộ Thực lục của 13 triều vua nhà Minh, gồm có:

1. Thái tổ thực lục: 1368-1402.

2. Thái tông thực lục: 1403-1424.

3. Nhân tông thực lục: 1424-1425.

4. Tuyên tông thực lục:1426-1435.

5. Anh tông thực lục: 1436-1464.

6. Hiến tông thực lục: 1465-1487.

7. Hiếu tông thực lục: 1488-1505.

8. Võ tông thực lục: 1505-1521.

9. Thế tông thực lục: 1522-1506.

10. Mục tông thực lục: 1507-1572.

11. Thần tông thực lục: 1573-1620.

12. Quang tông thực lục: 1620.

13. Hy tông thực lục: 1621-1627.

Phụ thêm: Hoài tông thực lục: 1628-1644.

[2]. Nguyên văn chép nhầm là Xương Vinh bá.

[3]. Nguyên văn trong Minh thực lục chép là Xa Lai.

[4]. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1972, tập 3, tr. 332.

[5]. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2005, tr. 168.

[6]. Xem thêm Văn bản số 103, ngày 21 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 30 (20-3-1397), Thái tổ thực lục, q.250, tr. 3b-7a, và Văn bản số 132, ngày 26 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 3 (22-7-1405), Thái Tông thực lục, q.43, tr. 4a-4b.


Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá