Công trình khoa học địa lý tầm thế đầu tiên của Thủ đô Hà Nội
Trước đây, đã có một số sách nghiên cứu về các khía cạnh tự nhiên, kinh tế - xã hội Hà Nội ở những giai đoạn, thời kì khác nhau, trong số đó phần lớn các công trình tiếp cận từ góc độ văn hóa, lịch sử, hoặc góc độ khoa học lịch sử kiến trúc hay quy hoạch đô thị, số công trình tiếp cận từ địa lý học không nhiều và còn có phần tản mạn. Từ phương diện này, “Địa lý Hà Nội” là một công trình nhận được sự kỳ vọng của Ban Quản lý Dự án cũng như các nhà khoa học từ khâu đề cương chi tiết với cách tiếp cận tổng hợp liên ngành và xuyên ngành của địa lý học hiện đại.
Tại buổi họp, các thành viên của Hội đồng nghiệm thu đều khẳng định vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức biên soạn công trình này. Với kết quả đạt được thời điểm này, bản thảo được đánh giá là công trình khoa học địa lý tầm thế đầu tiên, đồ sộ, trình bày toàn diện và tổng hợp về các phương diện của lãnh thổ Hà Nội hiện tại gồm địa lý hành chính, tài nguyên vị thế, địa lý tự nhiên, địa lý dân cư và địa lý kinh tế và định hướng không gian phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bởi vậy, công trình sau khi xuất bản chắc chắn sẽ là nguồn tài liệu cần thiết cho nhiều đối tượng bạn đọc quan tâm, tìm hiểu.
So với đề cương chi tiết, kết cấu bản thảo có sự thay đổi, không chia thành các phần và sắp xếp nội dung theo các chương liên tục. Sự thay đổi này được đánh giá là hợp lý, chặt chẽ, tạo ra cái nhìn liền mạch trong tiếp nhận của người đọc. Về cơ bản, ý kiến của các nhà nghiên cứu trong Hội đồng khá thống nhất trong việc ghi nhận những ưu điểm nổi bật của công trình như: nội dung các chương viết cơ bản đầy đủ, đảm bảo tính khoa học, số liệu khá tin cậy, có sự cập nhật, kết hợp tốt trong việc trình bày bảng, biểu, sơ đồ và bản đồ với phần luận giải, có những chương viết được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn; văn phong khoa học súc tích, đơn giản, dễ hiểu.
Tuy nhiên để có thể xuất bản và giới thiệu đến rộng rãi bạn đọc, bản thảo vẫn cần phải tu chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Là những nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực địa lý như GS.TS. Trương Quang Hải, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS. Nguyễn Cao Huần (Khoa Địa lý - Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm, TS. Lê Văn Hương (Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), GS.TS. Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và các vấn đề xã hội), tại buổi họp, các thành viên Hội đồng đã đề xuất nhiều ý kiến cụ thể, chi tiết, sâu sắc, đầy đủ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công trình trước khi xuất bản.
Trước hết, Hội đồng đề nghị bổ sung thêm Mở đầu, Kết luận và một chương XX (Sự thay đổi về cấu trúc không gian kinh tế) theo kết cấu được thông qua trong đề cương chi tiết đã được nghiệm thu để đảm bảo tính cân đối, hoàn chỉnh của công trình. Đồng thời trong từng chương cũng cần lưu ý cân đối bố cục các mục, tiểu mục để đảm bảo tính logic. Với Tài liệu tham khảo, theo các nhà nghiên cứu không nên để ở cuối mỗi chương mà nên tổng hợp vào cuối sách.
Chủ biên và nhóm biên soạn cũng cần đặc biệt lưu ý cân nhắc thêm về các vấn đề mang tính chuyên môn, như các khái niệm về thổ nhưỡng, hệ sinh thái, thảm thực vật; các thuật ngữ về dân số… Một số nội dung, theo ý kiến của Hội đồng nên được khai thác sâu, làm nổi bật hơn nữa như phải phân tích giá trị của vị trí địa lý dưới góc độ địa kinh tế và địa chính trị; làm rõ thêm nội dung thủy văn và tài nguyên nước; cụ thể hơn về tài nguyên đất, phân biệt rõ giữa việc phân loại đất và hiện trạng sử dụng đất; viết sâu hơn về chất lượng cuộc sống dân cư Thủ đô…
Bản sơ thảo hiện tại có 19 chương, do nhiều tác giả tham gia biên soạn, vì vậy vấn đề cần đặc biệt lưu ý chính là đảm bảo tính liên thông, thống nhất của toàn bản thảo. Các chương viết hiện nay còn vừa có sự trùng lặp về nội dung (thường là những nội dung mang tính khái quát về địa lý Hà Nội) lại vừa có sự thiếu thống nhất về mặt số liệu, ngoài ra còn cần có sự nhất quán về hình thức trình bày, văn phong thể hiện… Không chỉ cần sự thống nhất về mặt số liệu trong chính công trình, Hội đồng cũng yêu cầu nhóm biên soạn phải lưu ý đến sự thống nhất với các công trình khác trong cùng mảng sách Địa lý của giai đoạn II (cụ thể là “Sông hồ Hà Nội” và “Dân cư Thăng Long - Hà Nội”) để đảm bảo tính liên thông của Tủ sách.
Với nội dung sâu rộng, đa dạng, bao quát trên nhiều lĩnh vực có tính chuyên sâu, có thể nói “Địa lý Hà Nội” là đề tài có giá trị nhưng phức tạp. Hy vọng với năng lực chuyên môn cũng như tâm huyết của các nhà nghiên cứu trong nhóm biên soạn do GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh chủ trì, bản thảo công trình sẽ sớm được hoàn thiện và sớm ra mắt bạn đọc.
Hoàng Thị Thùy Linh
Nhà xuất bản Hà Nội