"Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến" - Một bước đột phá tốt, tạo tiền đề cho bước tiếp theo.
Tôi rất yêu Hà Nội và luôn tâm niệm mình
phải có một cái gì đó đóng góp cho thành phố mình yêu. Duyên may đã tới: Hà Nội
có chủ trương xây dựng “Tủ sách Thăng
Long ngàn năm văn hiến”. Tôi được mời tham gia một số hoạt động của Tủ
sách, với các vai trò như tác giả biên soạn, chủ tịch hoặc ủy viên Hội đồng
thẩm định đề cương, Hội đồng nghiệm thu bản thảo… của khoảng 10 công trình khoa
học, tức chiếm khoảng 10% số đề tài của Tủ sách.
Qua quá trình tham gia, tôi thấy việc
xây dựng “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn
hiến” là một chủ trương đầy “minh triết”, tức sáng suốt và khôn ngoan của
lãnh đạo Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Tủ sách sẽ tích cực góp
phần vào việc thu hẹp những thiếu hụt trong sự hiểu biết về quá khứ của Thủ đô
chúng ta trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội - cũng tức là về “xứ
sở và con người”, “địa linh và nhân kiệt” - của Thăng Long - Hà Nội.
Nhìn lại 1000 năm lịch sử, nước ta cũng
đã có một số công trình tầm cỡ như Đại
Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Đồng Khánh địa dư chí… nhưng chúng
không so sánh kịp với “Tủ sách Thăng Long
ngàn năm văn hiến” về mặt dung lượng (Tủ sách có trên 100.000 trang) cũng
như về tính đa dạng của nó (Tủ sách bao quát nhiều mặt: lịch sử, địa lý, văn
học nghệ thuật, văn hóa xã hội, kinh tế…).
Về mặt chất lượng, Tủ sách đã quy tụ
được nhiều nhà văn hóa, khoa học giỏi, thuộc loại đầu đàn tham gia biên soạn.
Đáng nói nhất là Tủ sách được viết theo cách nhìn đổi mới của thời kỳ hội nhập:
vừa đứng vững trên đôi chân của dân tộc mình, vừa lộng gió bốn phương. Có đứng
vững trên lập trường dân tộc, Tủ sách mới có Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội, trong đó có tập 1 dành cho
tiểu thuyết Việt Nam thời trung đại mà trước đó, mảng này bị gạt ra khỏi lĩnh
vực tiểu thuyết, theo chuẩn mực phương Tây. Cũng như có lộng gió bốn phương, Tủ
sách mới có các cuốn tuyển dịch Minh thực
lục, Thanh thực lục, nguồn sử
liệu quý mà trước đây, vì lẽ này lẽ khác, các nhà nghiên cứu nước ta chưa có
dịp khai thác.
Từ khi ra mắt công chúng đến nay, Tủ
sách được nhiều lời khen hơn tiếng chê. Về phương diện khoa học, học thuật, theo
tôi, thế là tốt, căn bản là tốt, là đáng mừng. Nếu có điểm nào còn bất cập,
chưa thật ưng ý thì đó cũng là điều đương nhiên. Không vì rơi vãi một ít gạch
ngói vôi vữa… mà ta không nhìn thấy ngôi nhà khang trang vừa được xây dựng. Về
vấn đề này, tôi đã có bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Hà Nội mới, số ra ngày 10/10/2010, trang 9.
“Tủ
sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” mà tôi gọi là “một bước đột phá” cũng
tạo tiền đề cho bước tiếp theo: tiếp tục đi sâu hơn và toàn diện hơn vào văn
hiến Thăng Long, mở rộng thêm nguồn tư liệu còn lưu giữ trong lòng đất Hà Nội
mới, và ở các Thư viện lớn trong nước, đặc biệt là Thư viện Viện Nghiên cứu Hán
Nôm mà người Trung Quốc coi như “kho Đôn
Hoàng” của Trung Quốc chứa đựng nhiều thông tin mới mẻ chưa ai biết…
Chúng ta đã có NXB Hà Nội đầy kinh
nghiệm trong tổ chức thực hiện chủ trương xây dựng Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, và cũng đã hình thành cả một
đội ngũ trí thức do NXB Hà Nội tập hợp và sử dụng. Nếu Tủ sách chỉ đi bước một
mà không tiếp tục đi bước hai thì rất uổng: mới “thành nghề” đã “thất nghiệp”. Tôi
nghĩ “bước tiếp theo” của Tủ sách nếu được thực hiện thì dưới sự chỉ đạo của
Thành phố, chắc chắn sẽ đạt được thành quả lớn hơn, toàn diện hơn.
Nhà xuất bản Hà Nội