Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
PGS Trần Lâm Biền giải mã “tiếng nói bí ẩn” trong di sản
Thứ ba, 22/02/2011 03:40
Được đúc rút từ hàng chục năm nghiên cứu, cuốn sách Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa vừa được PGS Trần Lâm Biền hoàn thành (viết chung cùng PGS khảo cổ Trịnh Sinh). Như lời ông, đây là công trình “ám ảnh cả đời” kể từ khi người viết bắt đầu bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu di sản...
Không sử dụng cụm từ “hình tượng”, 2 tác giả của cuốn sách đưa ra khái niệm rộng “biểu tượng” kèm theo lời giải thích: đó là hình ảnh tượng trưng và khái quát của vật thể, cảnh tượng hay sự kiện, mang ý nghĩa khái quát liên quan tới quá khứ và tương lai. Nói một cách cụ thể hơn, công việc mà họ thực hiện là việc “giải mã” và đi tìm các ý nghĩa trừu tượng được “ẩn” sau các di sản văn hóa như di vật tiền sử, công trình điêu khắc và kiến trúc cổ, tượng tròn, đồ thờ, phù điêu...

Trong đó, phần 1 của cuốn sách (thời tiền sử và sơ sử) được thực hiện bởi PGS Trịnh Sinh, còn ông Biền viết phần thứ 2 (từ thế kỷ X tới nay).

* Nói ngắn gọn, việc “giải mã” các biểu tượng trong di sản có vai trò như thế nào, thưa ông?

- Mỗi thời đại có một nhận thức, một tư duy liên tưởng riêng về tôn giáo tín ngưỡng, về mối quan hệ giữa con người và thần linh. Và trong những kiến trúc cổ và hệ thống đồ thờ liên quan, biểu tượng trên các di vật là yếu tố xác định di tích ấy mang tính chất tôn giáo tín ngưỡng hay không tín ngưỡng. Và từ việc góp phần “thiêng hóa” kiến trúc thờ tự như vậy, biểu tượng xác định được vẻ đẹp tâm linh thánh thiện và ước vọng truyền đời của người nông dân trồng lúa nước tại Việt Nam. 

PGS Trần Lâm Biền và cuốn sách Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa
Chẳng hạn, bây giờ, nếu có một tấm ảnh chụp kiến trúc chạm khắc, chuyên gia văn hóa có thể dựa vào các đặc điểm riêng để tra cứu xem kiến trúc ấy “chở” theo nhóm ý nghĩa nào. Đã có những nhà nghiên cứu đi trước thống kê và “lập mã” hệ thống di vật cùng ý nghĩa kèm theo. Nhưng tôi nghĩ, người nghiên cứu phải vươn tới yêu cầu “hiểu” chứ không dừng ở chuyện “biết”. Tức là “giải mã” di sản để phân tích và tìm câu trả lời cho sự liên quan ấy.

 

Giải mã được biểu tượng nghĩa là sở hữu tấm “giấy thông hành” để tiếp cận và tìm hiểu những tầng văn hóa ấy của người xưa. Có rất nhiều hữu ích mà việc “giải mã” được các biểu tượng sẽ mang lại, đơn cử như trong công tác tu bổ, tôn tạo di sản...

* Việc “giải mã” ấy được tiến hành dựa trên những nguyên tắc nào?

- Đây là vấn để rất phức tạp và khó lòng nói hết trong đôi dòng. Về cơ bản, để có thể từ nền tảng văn hóa vật thể mà đi sâu vào không gian văn hóa phi vật thể, người nghiên cứu phải tìm hiểu và trang bị rất nhiều kiến thức liên ngành. Đơn cử, ngoài các kiến thức chuyên môn, chúng tôi phải dựa trên một số tiền đề cơ bản làm “bệ phóng” khi nghiên cứu, như xác định được các thành phần của tộc người chủ thể trong văn hóa Việt (người Kinh), tìm hiểu về quan niệm về thần linh và ứng xử về thần linh của người Việt, tìm hiểu các mô hình tổ chức xã hội của người Việt...

Đó cũng là lí do mà khoảng sau hơn 30 năm nghiên cứu, tôi mới có thể bước đầu thử đưa ra một số kiến giải đầu tiên của mình. Nói như dân gian là “đẻ non thì chết, đẻ già thì cằn”, phải qua thời kì thai nghén đã (cười). Và cuốn sách vừa ra mắt cũng chỉ có thể giới hạn nội dung cuốn sách trong hệ thống biểu tượng của khu vực Thăng Long - Hà Nội cũ. Hi vọng, dựa vào những giả thiết được đưa ra, những tác giả sau này có thể phát triển thêm một hoặc nhiều công trình nghiên cứu để “giải mã” hệ thống di sản Việt Nam.

* Ông có thể đưa ra một ví dụ về việc giải mã biểu tượng?

- Chẳng hạn như hình “hươu vọng nguyệt” được chạm trên hương án bằng đá tại chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Nội). Theo các nghiên cứu thì hình chạm này có từ năm 1370 thuộc thời Trần. Nhìn hình chạm, người ta chỉ thấy con hươu đang ngước mặt lên nhìn mặt trăng. Nhưng trong văn hóa Việt khi ấy, xuất phát từ bộ lông màu đỏ nâu và bước chạy vụt đi rất nhanh trên đồng cỏ, hươu hoặc ngựa vừa mang thuộc tính dương, vừa được coi là con vật cõng ánh sáng hoặc cõng bầu trời trên lưng. Còn mặt trăng hình lưỡi liềm, có ý nghĩa tâm linh nhưng được coi là tính âm để cân bằng với hình tròn là mặt trời, mang ý nghĩa về sự tươi tốt của mùa màng và phong phú của vật nuôi. Ở dưới mặt trăng có cả một hệ thống vân xoắn. Từng vân xoắn riêng lẻ là biểu tượng của sấm chớp, nhiều dải vân xoắn hội tụ biểu trưng cho mây và mưa... - 4 yếu tố được coi là nền tảng của nông nghiệp lúa nước. Đó là một hình ảnh đơn giản nhưng rất đẹp, vừa là sự mong mỏi về mùa màng trù phú, vừa mang đủ yếu tố âm - dương với ước nguyện phồn thực sinh sôi nảy nở... 

Hình chạm hươu trên hương án đá chùa Đại Bi
* Ông bắt đầu nghiên cứu vấn đề này từ khi nào?

 

- Từ năm 1958, khi mới vào nghề, tôi đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ về nhu cầu “giải mã” các di sản văn hóa. Có lẽ, ý tưởng ấy bắt đầu từ những chuyến điền dã, khi chúng tôi phải hì hục ngồi sao, chép, rập lại... các di vật được phát hiện.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dù có chuyển sang cơ quan nào, công việc của tôi chung quy vẫn chỉ là nghiên cứu di sản văn hóa. Và trong hệ thống nghiên cứu ấy, tôi quan tâm nhất tới việc tìm hiểu, giải thích các biểu tượng. Hai người chỉ dẫn cho tôi về “đường đi nước bước” trong cách nghiên cứu ấy là các cố GS Từ Chi và Trần Quốc Vượng... 

Thật lòng, việc tìm hiểu giá trị các biểu tượng không thu hút được quá nhiều người quan tâm. Cùng thế hệ với tôi có thể kể tới các anh Chu Quang Trứ, Nguyễn Du Chi, Trịnh Cao Tưởng. Thế hệ sau tôi thì có Tống Trung Tín, Nguyễn Hồng Kiên. Nhìn lại, các bạn cùng lứa với tôi mất cả rồi, còn tôi cũng đã ngoài 70. Bởi thế, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nghiên cứu này không thể không viết ra thật nhanh. Dù hay dù dở, ít nhất những người nghiên cứu sau này có thể đọc để rút kinh nghiệm mà đỡ phải mất thời gian mày mò tập hợp và tìm tư liệu...

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!



(Theo Thethaovanhoa.vn)

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá