“Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội”: tuyển tập các bài nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội
Cuốn sách “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội” là
một tuyển tập các bài nghiên cứu tiêu biểu về Thăng Long - Hà Nội chủ yếu được
tuyển chọn từ Hội thảo khoa học quốc tế Phát
triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình được tổ chức
tại Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 9/10/2010 nhân Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội. Hội thảo tập trung vào những nghiên cứu có tính tổng kết về mọi mặt của
đời sống Thăng Long - Hà Nội, trong quá trình lịch sử, hiện trạng và xu hướng
phát triển trên mọi phương diện. Được sự chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Nhà
xuất bản Hà Nội với tư cách Chủ đầu tư Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã mời các nhà nghiên cứu, nhà
khoa học trên cơ sở kết quả của Hội thảo này để xây dựng thành một ấn phẩm
thuộc cơ cấu trong Tủ sách; đồng thời cũng thành lập Hội đồng khoa học để thẩm
định chất lượng và nghiệm thu đề tài theo đúng quy trình của mọi cuốn sách đã
được xuất bản trong Tủ sách.

Ảnh: V2Chien
Về cấu trúc ban đầu, ngoài
bài nghiên cứu tổng quan đầu sách, công trình gồm có 5 phần: 1. Những vấn đề
chung; 2. Lịch sử - Chính trị; 3. Văn hóa; 4. Kinh tế - Xã hội; 5. Điều kiện tự
nhiên, tài nguyên, môi trường và quản lý đô thị. Theo ý kiến chung của Hội đồng
thẩm định, kết cấu của công trình cần có một phần riêng về “Đô thị hóa và quản
lý đô thị Hà Nội”. Theo đó, các bài viết về vấn đề này trong phần 5 của cấu
trúc cũ cũng như một vài bài viết liên quan rải rác trong phần khác sẽ được tập
hợp thành một phần độc lập và sẽ bổ sung thêm bài viết. Việc sắp xếp các bài
viết trong từng phần, có thể cân nhắc một vài hướng như: đi từ các bài đề cập
đến vấn đề vĩ mô đến vi mô, từ tổng quát đến cụ thể; hoặc xếp các bài nghiên
cứu về chiều sâu lịch sử - truyền thống đến thực trạng hiện tại, đến tầm nhìn tương
lai…
Đối với phần tuyển chọn bài
viết cho từng phần, các thành viên của Hội đồng cũng có những ý kiến góp ý cụ
thể, và thống nhất trong việc đặt ra tiêu chí chung, nhấn mạnh tính khoa học,
tính thực tiễn cũng như tính cập nhật và tính chuẩn xác của mỗi bài nghiên cứu
ở cuốn sách này sẽ phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn so với cuốn kỷ yếu Hội
thảo đã được xuất bản. Theo đó, trên tinh thần là tiếp thu kết quả của Hội thảo
khoa học, tuy nhiên nhóm tuyển chọn cần phải tiếp tục rà soát lại về cả số
lượng lẫn chất lượng. Về số lượng, cuốn sách sẽ giới hạn trong khoảng trên dưới
100 bài. Việc bổ sung hay rút gọn bài viết phụ thuộc vào việc bài viết có phù
hợp với chủ đề sách; chất lượng có đáp ứng với yêu cầu của cuốn sách hay không.
Có thể cân nhắc để rút gọn một số bài nặng về phương pháp luận; các bài trùng
lặp về nội dung hay hạn chế về tính cập nhật và giá trị thực tiễn; một số bài
có thể sắp xếp lại để phù hợp với chủ đề của mỗi phần.
Cũng
như thế, Hội đồng cũng nhấn mạnh cuốn sách không chỉ là tuyển chọn các nghiên
cứu từ Hội thảo mà rất cần có bài khái quát chung và bổ sung một số vấn đề chưa
được đề cập hoặc đề cập chưa sâu, như số bài về tổng quan quá trình đô thị hóa, về đô thị hóa với toàn cầu
hóa, về sự biến đổi hình thái đô thị, quản lý đô thị trong tương lai; những bài
viết làm rõ hơn vai trò môi trường trong phát triển bền vững như tài nguyên
sinh vật, cảnh quan thiên nhiên, cây xanh, mặt nước, tác động biến đổi khí hậu;
vấn đề kiến trúc Hà Nội với ý nghĩa là biểu hiện của văn hóa, của khoa học kỹ
thuật; vấn đề về bảo tồn và tôn tạo các
di tích ở Hà Nội, vấn đề đối ngoại Hà Nội…

Ảnh: V2Chien
Trong
bối cảnh hiện tại của Thủ đô sau khi mở rộng, cùng với quá trình hội nhập với
thế giới, Hà Nội không chỉ yêu cầu tăng trưởng mà còn phải đảm bảo phát triển
bền vững. Vấn đề cần định hướng là phát triển cái gì? Phát triển như thế nào và
bằng cách nào? Hướng tới giải quyết những vấn đề đó, công trình không chỉ có
giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa đóng góp vào thực tiễn, giúp các nhà quản
lý, hoạch định chính sách trong bảo tồn, phát triển Hà Nội giai đoạn tới. Cuốn
sách sẽ là một sự bổ sung cần thiết, làm hoàn thiện Tủ sách Thăng Long ngàn năm
văn hiến.
Nhà xuất bản Hà Nội