Công tác mỹ thuật với Tủ sách "Thăng Long 1000 năm văn hiến"
Ban tư
vấn mỹ thuật của Tủ sách được thành lập ngay sau khi có chủ trương của Hội đồng
tư vấn khoa học của Tủ sách “Thăng Long
1000 năm văn hiến”. Các thành viên của ban là những họa sỹ đồ họa đang
giảng dạy và những họa sỹ đã từng công tác trong ngành xuất bản có kinh nghiệm
và kiến thức đã từng đóng góp vào việc trình bày, thiết kế mỹ thuật cho các nhà
xuất bản.
Họa sỹ Ngô Quang Nam - Nguyên vụ trưởng vụ Mỹ thuật
- Bộ văn hóa thông tin.
Họa sỹ
Lê Huy Văn - Phó hiệu trưởng trường Mỹ thuật công nghiệp.
Họa sỹ
Trần Hay - Trưởng khoa đồ họa trường Mỹ thuật công nghiệp.
Họa sỹ
An Chương - Nguyên giám đốc nhà xuất bản Văn hóa thông tin
Và họa sỹ Nguyễn Thành Đàm - Ủy viên thư ký tiểu
ban sách đẹp trong hội đồng xét giải thưởng sách hàng năm của Hội xuất bản Việt
Nam
làm trưởng ban.
Ngay từ
đầu, công việc của ban là xác định cho Tủ sách có diện mạo phù hợp với mọi thể
loại đề tài từ chính trị xã hội đến văn hóa nghệ thuật. Khổ sách được chọn có
kích cỡ 16 x 24cm. Độ dày gáy sách tùy nội dung nhưng cũng chỉ ở mức độ trên
dưới 5cm là vừa. Tác phẩm nhiều trang có thể chia thành hai hoặc nhiều tập. Tất
cả các sách của Tủ sách đều được đóng bìa cứng bọc vải si màu, bên ngoài có áo
bìa mang tên sách và hình ảnh minh họa phù hợp nội dung.
Biểu
tượng (lôgo) của Tủ sách được chọn là hình rồng thời Lý cuộn tròn trên gáy 5
cuốn sách dựng đứng. Biểu tượng sẽ được đặt vào vị trí trang trọng nhất, chính
giữa phía trên của trang bìa, áo bìa và tít sách.
Đội ngũ
trình bày là những họa sỹ đồ họa có kinh nghiệm, đã từng thiết kế thành công
trên các thể loại đề tài ngành xuất bản. Mỗi họa sỹ có những sáng tạo riêng,
nhưng vẫn tuân thủ những chi tiết động và tĩnh trên mặt bìa theo yêu cầu của
nhà xuất bản và gợi ý của ban cố vấn chuyên môn. Mỗi bìa sách, trước khi đưa in
đều được đóng góp ý kiến cụ thể của ban mỹ thuật từ bản phác thảo ý đồ đầu tiên
đến khi hoàn chỉnh về bố cục màu sắc, kiểu dáng chữ tên sách phối hợp với hình
ảnh minh họa phù hợp nội dung.
Tất cả
các sách là bìa cứng, đều có thêm tờ lót (tờ gác) nối bìa với ruột sách. Trên
mặt tờ gác được in hình ảnh hoặc họa tiết bằng một gam màu nhẹ gần với chuẩn
sách của trang bìa. Các trang che tít và trang tít sách được đặc biệt chú ý.
Đảm bảo sự thống nhất phong cách ở ngoài bìa và những thông tin chi tiết, đầy
đủ hơn về cương vị xã hội của tác giả, dưới tên sách có thêm số tập, thể loại
tác phẩm hoặc danh ngôn về nội dung.
Việc
trình bày nội dung sách được thống nhất ngay từ khâu dàn trang chữ, chủ động về
tỷ lệ khoảng trắng ở đầu phần, đầu chương, đầu bản văn. Phần kết thúc phần,
chương tuy không có quy định cụ thể khoảng trắng còn lại nhưng không được chèn
chữ kín trang.
Giấy in
sách phải đảm bảo đủ độ sáng, mặt giấy phải mịn, có độ dẻo, bền, dễ bắt màu để
chữ trên trang sách hiện lên đầy đủ, rõ ràng, nét chữ không được hằn thành việt
soi sáng mặt sau.
Chữ để
in nội dung, chủ yếu là chữ roman hai cỡ nét (thanh đậm), nét chân mảnh. Đây là
kiểu chữ mang tính nghệ thuật lại rất phù hợp với mọi đối tượng bạn đọc. Ngoài
ra có sử dụng một số kiểu chữ khác cho tít đầu trang, các đề mục, tiểu đề mục
làm cho trang sách phong phú, sinh động nhưng phải đảm bảo dáng kiểu chữ đứng
đắn, chân phương, có hình nét rõ ràng, dễ đọc. Trong việc phối hợp các kiểu chữ
cần chọn và làm nổi bật kiểu chữ bản văn đặt ở vị trí chính, các dạng chữ phụ
dùng vào các vị trí thứ yếu.
Tủ sách
“Thăng Long 1000 năm văn hiến” là một Tủ sách đặc biệt, bao gồm những công
trình nghiên cứu, những văn bản kinh điển, có tác phẩm tới mấy ngàn trang nên
phải chia thành nhiều tập để quyển sách có độ dày vừa phải, gáy sách không quá
cao làm cho khối sách nặng nề.
Việc
xác định cỡ bát chữ được xây dựng theo quy tắc của công thức toán học và kỷ hà
học đã đúc kết từ trước. Tỷ lệ diện tích bát chữ phải đảm bảo tính tương xứng,
hài hòa với diện tích trang sách. Các lề trắng xung quanh vừa phải, cân đối với
cỡ bát chữ, nếu lề trắng quá rộng thì bát chữ chông chênh, mà để quá hẹp lại
gây cảm giác chật chội cho nên việc trình bày phải đảm bảo bố cục hài hòa giữa
các khối chữ, mảng hình trang trí, chỗ sáng, khoảng trắng của trang sách phải
sinh động, luôn luôn có sự đối chiếu hai trang phía trái (trang chẵn) và phía
phải (trang lẻ) một cách cân đối, hài hòa.
Những
cuốn sách đầu tiên trong Tủ sách “Thăng
Long 1000 năm văn hiến” lần lượt hoàn thành, kịp ra mắt công chúng trước
ngày đại lễ.
Mỗi tác
phẩm ra đời đã mang một hình hài có sắc thái riêng. Nếu “Tuyển tập Địa chí” với hai màu trầm ấm của đen và nâu đậm thì “Tuyển tập thần tích” lại dày dặn, bề
thế như một dáng cây cổ kính, thiêng liêng. Hai tập “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội” mang dáng vẻ nho nhã, thư
sinh của hai màu rợm vàng và ghi nhẹ như một sự khiêm nhường trước vẻ đẹp rực
rỡ, bừng sáng “Kinh tế xã hội đô thị
Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XII, XVIII, XIX”.
Mỗi tác
phẩm một diện mạo, có hình hài, màu sắc riêng nhưng vẫn đảm bảo được sắc thái
đĩnh đạc, bề thế của Tủ sách “ngàn năm”. Đây là kết quả của các nhà nghiên cứu,
sưu tầm đầy tâm huyết, của các học giả, các giáo sư đầu ngành tận tụy làm việc
không biết mệt mỏi, thêm vào đó là phần rất nhỏ của các họa sĩ thiết kế, trình
bày đã say sưa làm việc trong thời gian qua.
Sẽ là
một thiếu sót, trong thành quả chung này có phần đóng góp tích cực của nhà in
chưa được nhắc tới. Bởi lẽ, công nghệ ấn loát cũng chính là một loại hình nghệ
thuật tổng hợp, thuộc loại “tĩnh” hoặc “không gian”. Nghệ thuật ấn loát sử dụng
phương tiện, điều kiện, quy cách riêng của mình để tái hiện những hình tượng,
phản ánh thực tại, phục vụ cho việc tiếp thu bằng thị giác. Do đối tượng của
việc tiếp nhận nghệ thuật là thị giác cho nên cái Đẹp đối với mắt nhìn là cần thiết. Tất cả mọi điều này đã được công
ty in sách và văn hóa phẩm hoàn thiện một cách trọn vẹn. Nơi đây được xem như
“bà đỡ mát tay” đã làm nên những đứa con tinh thần của tác giả và những ý đồ
nghệ thuật của họa sỹ trở thành hiện thực.
Trong
không khí tưng bừng của ngày hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những
người làm nên Tủ sách thành kính dâng lên những vật phẩm tinh thần chào mừng
Đại Lễ./.
Nhà xuất bản Hà Nội