Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Bức tranh chân thực và toàn diện về Hà Nội cận đại theo dòng lịch sử
Thứ sáu, 05/08/2016 11:13

 Vào sáng ngày 30/7, Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghiệm thu bản thảo “Lịch sử Hà Nội cận đại” do GS.TS. Phạm Hồng Tung chủ biên. Tập bản thảo ra đời là một sự cố gắng lớn của nhóm biên soạn sau gần 1 năm nghiên cứu, biên soạn. Nó không chỉ mang lại sự hiểu biết sâu sắc về một Hà Nội cận đại muôn màu muôn vẻ với những biến động không ngừng mà còn đưa đến cho bạn đọc một cách tiếp cận mới mẻ về lịch sử Hà Nội nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

 IMG_5112.JPG

Hội đồng nghiệm thu bản thảo "Lịch sử Hà Nội cận đại" (Ảnh: Văn Chiến)

 

Buổi họp nghiệm thu có sự tham dự của các nhà giáo, các nhà nghiên cứu sử học đầu ngành như: GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Nguyễn Đình Lê, PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên, PGS.TS. thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, PGS.TS. Vũ Văn Quân, PGS.TS. Vũ Văn Hiển… cùng đại diện Ban Quản lý Dự án và các biên tập viên Nhà xuất bản.

Tập bản thảo được biên soạn khá công phu, có độ dầy khoảng 300 trang, chia thành 4 chương.Nội dung bản thảo tái hiện một cách chân thực và toàn diện bức tranh Hà Nội thời cận đại, Hà Nội thời Pháp thuộc. Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú, nhóm biên soạn đã làm rõ bối cảnh lịch sử Việt Nam và khu vực trước nguy cơ xâm lược của thực dân và cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất và lần thứ hai của nhân dân Hà Nội. Từ việc lột tả bộ máy cai trị của thực dân Pháp, nhóm biên soạn đi sâu vào phân tích những chuyển biến về kinh tế, văn hóa - xã hội, diện mạo đô thị và phong trào yêu nước ở Hà Nội đầu thế kỷ XX qua hai giai đoạn 1897 - 1930 và 1930 - 1945.Có thể thấy, trong một tổng thể cấu trúc khoa học các nội dung được trình bày khá logic và hợp lý. Hơn thế, các nội dung còn được thể hiện bằng một ý tưởng mới, viết về lịch sử Hà Nội thời cận đại nhưng không thiên về chính trị mà nhấn vào những chuyển biến kinh tế, văn hóa, xã hội… Đây là một điểm mới đáng ghi nhận, cho thấy tính cập nhật và xu hướng tiếp cận các vấn đề lịch sử hiện nay.

GS.TS. Phạm Hồng Tung - chủ biên đề tài phát biểu (Ảnh: Văn Chiến)

Bản thảo được xem là cuốn sách cuối cùng trong seri các sách thuộc mảng lịch sử của Dự án Tủ sách từ Vương triều Lý (GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên), Vương triều Trần (PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên), Vương triều Lê (GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên), Thăng Long Kẻ Chợ thời Mạc - Lê trung hưng thế kỷ XVII, XVIII, XIX (PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên)… đến Lịch sử Hà Nội cận đại (GS.TS. Phạm Hồng Tung chủ biên), hay tổng quát như Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (GS. Phan Huy Lê chủ biên). So với những cuốn sách viết về các vương triều, Lịch sử Hà Nội cận đại có nhiều điểm khác biệt. Khác biệt cả về bản chất lẫn hình thức. Ta có thể thấy rõ điều đó ngay từ chính cái tên của đề tài. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi trong cuộc họp. Nhiều ý kiến cho rằng nếu để tên là “Lịch sử Hà Nội cận đại” thì chữ “cận đại” có phần chưa phù hợp với cách phân kỳ lịch sử dân tộc là từ năm 1858, hơn thế nếu đã có lịch sử “cận đại” thì phải có lịch sử “hiện đại”. Việc triển khai đề tài lịch sử hiện đại cho đến thời điểm này là khó khả thi. Nếu để tên đề tài là “Hà Nội thời Pháp thuộc (1873 - 1945)” thì cũng chưa thật ổn, vì có lúc Hà Nội thuộc cả Pháp lẫn Nhật (từ tháng 9/1940), có lúc thuộc Nhật (sau ngày 9/3/1945) và sau ngày 19/8/1945 thì trở thành Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có ý kiến lại cho rằng chỉ nên để tên theo giai đoạn. Hơn thế, việc để tên theo mốc giai đoạn đầu là 1873 hay 1883 cũng cần phải xem xét. Tóm lại, theo ý kiến kết luận của chủ tịch Hội đồng thì việc đặt tên cần cân nhắc lại cho hợp lý và có sự đồng thuận giữa chủ đầu tư và chủ biên công trình.

PGS.TS. Nguyễn Đình Lê - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, phát biểu ý kiến nhận xét bản thảo (Ảnh: Văn Chiến)

 

Như trên đã đề cập, tập bản thảo có nhiều sự phá cách. Phá cách trước hết là trong ý tưởng trình bày. Trình bày về lịch sử Hà Nội cận đại không nặng về chính trị mà đi sâu mô tả nhiều mảng vấn đề khác như kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống, tôn giáo tín ngưỡng… và đặc biệt là sự chuyển biến của các mảng vấn đề đó trong bối cảnh lịch sử đa chiều. Tuy các mảng vấn đề có tính toàn diện nhưng lại không sâu. Các thành viên hội đồng có chỉ rõ những vấn đề còn sơ lược như: sự thành lập và hoạt động của các đảng phái chính trị trong giai đoạn 1930 - 1945 (Đảng Dân chủ Việt Nam, đảng phái chính trị thân Nhật); những đường lối chính sách của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương trước khi có sự chuyển biến về kinh tế, văn hóa, xã hội; những sự kiện quan trọng khi viết về Cách mạng Tháng Tám… Bên cạnh đó, khi viết về Hà Nội thời kỳ này cần phải nêu rõ vị thế của nó trong bối cảnh chung của Bắc kỳ, của Việt Nam và của cả Đông Dương. 

IMG_5137.JPG

Lối phá cách thứ hai chính là phong cách viết của các tác giả. Từ trước tới nay, các sách sử thường không hấp dẫn bạn đọc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là bởi người viết sử đi theo lối mòn, sử dụng văn phong chính thống, khá đơn điệu. Nhưng hiện nay cũng phải kể đến một số cuốn sách lịch sử cuốn hút người đọc như: “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của Lê Thành Khôi, “Lịch sử Hà Nội” của Philippe Papin hay “Hà Nội - Tiểu sử một đô thị” của William S. Logan… Đó là những cuốn sách có phong cách viết mới, không khô cứng, tăng sự yêu thích và mở ra một cách tiếp cận, cảm nhận mới về lịch sử. Tập bản thảo “Lịch sử Hà Nội cận đại” cũng cố gắng đi theo hướng đó nhưng có lẽ chưa thực sự thành công. Về vấn đề này, trong hội đồng có nhiều ý kiến trái chiều. Bởi nó còn phụ thuộc vào từng cá nhân khi tiếp xúc bản thảo. Viết phá cách để thu hút người đọc là rất khó. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào người chắp bút. Các thành viên Hội đồng cũng khẳng định việc làm mới là hết sức cần thiết nhưng phải phù hợp, cần giữ một thái độ nghiêm cẩn cần có của sử học, tránh viết theo kiểu tản văn, ngẫu hứng.

Bên cạnh đó, những vấn đề khó khăn của các tác giả cũng được đề cập đến. Cái khó nhất mà nhóm biên soạn phải đối mặt chính là việc trình bày lồng ghép giữa một Hà Nội đô thị với một Hà Nội nông thôn. Việc xử lý tư liệu để tạo ra sự hài hòa trong cách viết là không hề đơn giản. Ở đây, khi viết về Hà Nội nông thôn, các tác giả cũng nêu rõ việc trình bày chỉ chọn lọc các vấn đề để viết, nếu đề cập quá nhiều sẽ nông thôn hóa đô thị, làm mất đi màu sắc chính của Hà Nội tại thời điểm đó. Về vấn đề này, Hội đồng đã hết sức chia sẻ, tán đồng việc trình bày có chọn lọc nhưng vẫn phải bổ sung thêm phần viết về ngoại thành Hà Nội và Hà Nội mở rộng (theo quy chiếu tại thời điểm hiện nay chính là các vùng Hà Tây, Mê Linh, Sóc Sơn…). Việc bổ sung các vùng đất mới là rất cần thiết. Nó khẳng định sự toàn diện và bao trùm cũng như tính cập nhật thời cuộc.

Ngoài ra, Hội đồng cũng lưu ý các tác giả cần hạn chế các lỗi tu từ, lỗi chú thích thiếu chính xác, lạm dụng quá nhiều các đoạn trích dẫn và đặc biệt là nên bổ sung tranh, ảnh minh họa để cuốn sách thêm sinh động.

Sau hơn hai tiếng làm việc nhiệt thành, các thành viên đã đưa ra rất nhiều đóng góp xác đáng, giúp ích cho chủ đầu tư và nhóm biên soạn. Với tư cách là đại diện chủ đầu tư, ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Nhà xuất bản có đôi lời phát biểu, cám ơn các ý kiến nhận xét của Hội đồng. Với tư cách là một bạn đọc, cá nhân ông cũng đưa ra một vài ý kiến đóng góp. Theo ông, Hà Nội ngoài bộ mặt đô thị còn có bộ mặt nông thôn, một nét đặc trưng riêng có của thủ đô, rất cần được nói đến. Bên cạnh việc nhất trí bổ sung vùng Hà Nội mở rộng, ông còn mong muốn các tác giả bổ sung thêm một số chợ quê ở Hà Nội khi viết về hoạt động giao thương này, mà không chỉ nhắc đến mỗi chợ Đồng Xuân.

Rõ ràng, có được những chuyên gia am hiểu về lịch sử thời kỳ cận đại tham gia chắp bút, cùng một Hội đồng với nhiều đóng góp sắc sảo, thì chủ đầu tư cũng như bạn đọc hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng và tiến độ của công trình. Cuốn sách “Lịch sử Hà Nội cận đại” ra đời chắc chắn sẽ được đánh giá cao và góp phần không nhỏ vào thành công của Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.

 

Trang Phạm

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá