Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Cần tiếp tục tìm hiểu Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội theo hướng điều tra cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu
Thứ sáu, 11/03/2011 10:57
Tham luận viết cho Hội thảo "Hoạt động xuất bản với Thăng Long ngàn năm văn hiến" ngày 19/9/2010

I. Thủ đô Hà Nội từ tháng 8 năm 2008 được mở rộng với quy mô lớn chưa từng có - lớn hơn cả tỉnh Hà Nội được lập dưới thời Nguyễn (1831 - 1888), trước khi thực dân Pháp thành lập thành phố Hà Nội (tháng 7 năm 1888). Nhìn tổng thể, Thủ đô Hà Nội ngày nay tương ứng với Kinh đô Thăng Long cũ và 3 /4 phủ của trấn Sơn Nam Thượng,; 3/4 phủ, một phần phủ còn lại (huyện Yên Lãng của phủ Tam Đới, nay là huyện Mê Linh) của trấn Sơn Tây cùng một phần các phủ Kim Hoa, Từ Sơn, Thuận An của trấn Kinh Bắc đầu thế kỷ XIX. Có thể nói, nếu trước khi được mở rộng, Thủ đô Hà Nội liên quan trực diện đến ba trong “tứ trấn” cũ thì với địa dư của Hà Nội hiện nay, mối quan hệ Thăng Long - tứ trấn xưa kia được mở rộng hơn và được biểu hiện sinh động nhất. Sự tiếp giáp địa lý đó đã tạo ra mối quan hệ Thăng Long - Hà Nội hội tụ, chắt gạn và kết tinh các giá trị, những tinh hoa văn hóa của “Tứ trấn” để rồi lại lan tỏa và định hướng, chi phối các giá trị văn hóa đến các vùng bao quanh.

Với mối quan hệ đặc thù trên đây, từ lâu, giới khoa học đã có khá nhiều nghiên cứu các vấn đề về lịch sử - văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Chỉ tính trong dịp chuẩn bị kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long từ năm 2000 đến nay, đã có một lượng lớn các đề tài khoa học được triển khai, các cuốn sách được công bố; đặc biệt, trong dịp chuẩn bị Đại lễ Nghìn năm Thăng Long này, các tủ sách về Thăng Long - Hà Nội của các Nhà xuất bản : Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Văn hóa Thông tin, Thanh niên … đã cho ra mắt người đọc một lượng lớn ấn phẩm; cung cấp một nguồn tri thức về vùng đất văn hiến này.

Tuy nhiên, xét một cách khác quan, các công trình đã xuất bản về Thăng Long - Hà Nội còn bộc lộ một số mặt hạn chế sau :

1. Tập trung phản ánh khu vực nội thành (Kinh đô Thăng Long cũ), thể hiện không chỉ là các tác phẩm của các nhà nghiên cứu danh tiếng như Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc; mà cả với các ấn phẩm của Tủ sách “Thăng Long 1000 năm”; còn rất vắng bóng các ấn phẩm về vùng nông thôn ngoại thành và ven nội thành, tức là vùng thuộc các trấn bao quanh Thăng Long xưa, vùng đất là “nền” và bổ sung cho Văn hóa Thăng Long. Cho đến nay, trong 29 quận huyện của Thủ đô, mới có bốn huyện biên soạn được cuốn sách về các giá trị lịch sử văn hóa của mình là Chương Mỹ (Chương Mỹ xưa và nay, xuất bản năm 2003), Thường Tín (Thường Tín đất danh hương, 2004), Thanh Trì (Thanh Trì - truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, 2007) và mới đây nhất là cuốn Đông Anh với nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (chuẩn bị in). Quận Long Biên mới biên soạn được cuốn sách về các di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng kháng chiến (năm 2007). Huyện Mê Linh tuy chưa biên soạn được sách riêng, nhưng các vấn đề về lịch sử - văn hóa của huyện đã được trình bày trong cuốn Địa chí Vĩnh Phúc (mới hoàn thành bản thảo). Các quận huyện khác, hầu như chưa triển khai nghiên cứu (hay chưa “trình làng” được các ấn phẩm về truyền thống lịch sử - văn hóa của mình trong các cuốn sách về lịch sử Đảng bộ hay lịch sử cách mạng, song rất khiêm tốn về số trang, rất mờ nhạt về nội dung cần phản ánh). Vả chăng, các cuốn sách của các huyện nêu trên cũng chỉ phản ánh được một phần di sản văn hóa truyền thống; bởi trong đó, số trang về phần lịch sử hiện đại, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị còn chiếm dung lượng lớn.

cấp xã, ngoại trừ cuốn Địa chí Cổ Loa là ấn phẩm có sự đầu tư lớn của Nhà nước, còn hầu như không có mấy xã biên soạn được ấn phẩm về truyền thống lịch sử văn hóa của mình. Nội dung này chỉ được trình bày trong cuốn lịch sử Đảng bộ hay lịch sử cách mạng của xã, song cúng rất ít ỏi về số trang và mờ nhạt về nội dung được phản ánh.

2. Đa phần tập trung vào các mảng lịch sử, văn học, lễ hội; trong khi nhiều mảng của lĩnh vực văn hóa còn trống vắng, như các nghề thủ công, trò chơi dân gia và đặc sản ẩm thực … Ngay cả các mảng đã được phản ánh như di tích, lễ hội, giáo dục và khoa cử, thì cũng chỉ đề cập nhiều đến vùng đất Hà Nội cũ, còn vùng đất Hà Tây - Xứ Đoài vẫn là mảnh đất còn “để hoang” hay chưa được “thâm canh” sâu. Nguyên nhân của tình trạng này là lực lượng nghiên cứu của tỉnh Hà Tây trước đây khá mỏng; trong khi đội ngũ nghiên cứu ở Trung ương và Hà Nội chưa “với” xuống được. Vì thế, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, thì rất nhiều vấn đề của Văn hóa Xứ Đoài không có đủ “vốn” để xuất bản thành một ấn phẩm tổng thể của Hà Nội. Ngay cả với tôi, quê Xứ Đoài, có nhiều năm lăn lộn với vùng đất này, song khi triển khai cuốn Giáo dục và khoa cử Nho học Nho học Thăng Long - Hà Nội, tôi vẫn bị “hẫng” vì nhiều tư liệu chưa kịp điều tra.

3. Tập trung đề cập các vấn đề chung của Thăng Long - Hà Nội; thiếu hẳn các ấn phẩm mang tính chuyên khảo về từng mặt cụ thể, nhất là của các huyện, các xã - như đã đề cập một phần ở trên.

4. Thiếu hẳn các ấn phẩm ở dạng địa chí là tài liệu mang tính điều tra tổng hợp, chuyên sâu. Đến nay, Hà Nội mới có hai cuốn địa chí cấp tỉnh là Địa chí văn hóa Thăng Long - Hà Nội (xuất bản năm 1991), và Địa chí Hà Tây (xuất bản năm 2007; đang làm thủ tục tái bản vào dịp Đại lễ). Theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, cả hai tác phẩm này chưa đạt được yêu cầu của một cuốn địa chí, hoàn toàn chưa tương xứng với di sản văn hóa đồ sộ và bề dày truyền thống văn hiến của Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây (trước đây).

cấp huyện, chưa có huyện nào biên soạn và xuất bản được địa chí. Các cuốn sách của các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Trì trên đây chỉ có yếu tố của thể loại địa chí, chưa thể coi là Địa chí được.

II. Từ những nhận định hoàn toàn mang tính chủ quan trên đây cho thấy, kho tàng văn hiến Thăng Long - Hà Nội rất rộng lớn, song chúng ta chưa tìm hiểu, khám phá được bao nhiêu; cần phải tiếp tục đầu tư và khẩn trương tổ chức nghiên cứu cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đó là đòi hỏi cấp bách, không chỉ vì mục đích giúp cho cán bộ và nhàn dân Thủ đô hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của mình; đặc biệt, giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn cuộc sống của cha ông xưa kia, để có một thái độ ứng xử đúng, có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn di sản văn hóa cha ông; mà còn vì phải có, phải nắm được, hiểu được di sản văn hóa mới có cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát huy chúng. Tính cấp bách của việc tổ chức nghiên cứu và điều tra còn vì một lý do khác: theo quy luật của tạo hóa, những lớp nhân chứng sống, am hiểu về di sản văn hóa cha ông (nhất là di sản phi vật thể - mà UNESCO tôn họ là “Báu vật nhân văn sống”) cứ “mất” dần với thời gian;, nếu để chậm trễ, chỉ ít năm nữa thôi, dù có chi cả một nguồn kinh phí lớn cũng khó có thể tìm lại được. Thêm nữa, với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và dưới tác động của toàn cầu hóa, nhiều mặt của đời sống làng xã cổ truyền sẽ không còn tồn tại, hoặc biến chuyển theo nhiều ướng khác nhau mà  chỉ có những người trong cuộc mới hiểu, còn các thế hệ sau khó có thể hình dung được.

Từ những vấn đề trên, chúng tôi đề nghị thành phố Hà Nội một số điểm như sau:

1. Cần có một chương trình điều tra, nghiên cứu tổng thể và chuyên sâu,  tập trung điều tra cơ bản về làng xã, trước hết để có một ngân hàng tư liệu về di sản văn hóa, văn hiến Thăng Long - Hà Nội, hướng vào các mặt chính sau :

- Nghề thủ công, làng nghề

- Đặc sản ẩm thực

- Di tích lịch sử văn hóa

- Lễ hội và trò chơi dân gian

- Kiến trúc và điều khắc dân gian

- Các dòng họ văn hiến

- Truyền thống hiếu học và khoa bảng

- Các thể loại văn học dân gian

- Di văn Hán Nôm

- Nhân vật lịch sử và danh nhân Hà Nội

2. Trên cơ sở kho tư liệu này, tiến hành biên soạn các bộ sách chuyên khảo về từng mặt trên đây, làm cơ sở để biên soạn các cuốn địa chí của từng quận huyện (và các xã nếu có thể), tiến tới biên soạn bộ Địa chí Thủ đô Hà Nội.

3. Với tính cấp bách trên đây, cần coi Chương trình điều tra này là chương trình trọng điểm, ngang bằng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của Thủ đô. Và như vậy, cần có đầu tư thích đáng về kinh phí, nhân lực và thời gian cho điều tra, nghiên cứu.

4. Trong tổ chức điều tra, nghiên cưu, cần hướng về các quận, huyện, các làng xã. Chúng tôi đề nghị, cần lấy Nhà xuất bản Hà Nội làm cơ quan đầu mối đứng ra tổ chức điều tra, nghiên cứu theo địa bàn từng quận huyện; tranh thủ tối đa trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học của Hà Nội và Trung ương vào chương trình điều tra, nghiên cứu này.

 

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá