Vấn đề tìm hiểu lịch sử, kinh tế, xã hội Thăng Long - Hà Nội: Đi tiếp một chặng đường
Một xã hội cũng giống như một cơ thể sống, cơ
thể con người. Nó có tổ chức cấu trúc, cũng như những hoạt động vận hành của
riêng mình, biến hóa theo thời gian trong quá trình sinh, tụ, dị, diệt, để rồi
lại nhường chỗ cho một xã hội mới, những đứa con được hoài thai và sinh ra từ
trong lòng xã hội cũ. Xã hội Việt Nam truyền thống là như vậy, lịch
sử Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ cũng là như vậy.
Người ta thường nói: “Ôn cũ để biết mới” (Ôn cố nhi tri
tân). Hệ luận ngược lại là: muốn hiểu rõ hiện tại, phải tỏ tường quá khứ. Muốn
hiểu biết ngọn nguồn xã hội mà chúng ta đang sống, trong một Hà Nội đương đại,
góp phần hoạch định cho một Hà Nội tương lai, không thể không nghiên cứu cặn kẽ
cuộc sống, năng lực, sức khỏe cũng như
những chứng tật tiền sử của nó trong quá khứ. Quá khứ và hiện tại của một xã
hội vốn có một quan hệ máu thịt. Đó là một thứ gien di truyền văn hóa, mà ngày
nay chúng ta gọi là truyền thống, xét về cả hai mặt sáng tối, tích cực và tiêu
cực.
Cốt lõi đời sống một xã hội, một đô thị chính là bộ khung
sườn kinh tế - xã hội của nó làm cơ sở cho cấu trúc, hoàn chỉnh trong quá trình
vận hành của hệ thống xã hội, với những thiết chế chính trị và tư tưởng văn
hóa. Việc nghiên cứu kinh tế - xã hội cũng giống như môn khoa học giải phẫu và
sinh lý cơ thể con người, nó giúp ích cho các thầy thuốc khám sức khỏe, chuẩn
đoán bệnh, từ đó có được những phương thuốc bổ dưỡng và điều trị hiệu quả và
phù hợp với cơ địa và thể trạng của đối tượng, tăng cường thể lực, chữa chạy và
phòng ngừa những căn bệnh và triệu chứng đã mắc phải trong tiền sử quá khứ và
có thể mắc lại trong hiện tại và tương lai.
Trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm”, mảng sách nghiên cứu
về kinh tế - xã hội của đô thị này tuy cũng đã có phần đóng góp nhỏ bé của
mình, nhưng vẫn còn là khiêm tốn và để lại nhiều dư địa trống vắng. Một trong
những nguyên nhân là việc chưa triệt để điều tra, khai thác và xử lý tư liệu.
Chúng ta đã có một số các tuyển tập tư liệu Hán - Nôm và phương Tây có giá trị
quý hiếm, nhưng vẫn chưa đủ dữ liệu cho những nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu
và lâu dài.
Vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề thời gian và kinh phí,
nhiều tư liệu phương Tây về Thăng Long - Hà Nội mới chỉ được giới thiệu sơ sài
ở dạng thô, như những đường cày vỡ trên mặt một thửa ruộng rộng. Nó cần được
khảo chứng, đối chiếu, chú giải hiệu đính và phân tích một cách kỹ lưỡng hơn.
Mặt khác, những tư liệu đã khai thác vẫn chỉ ở một tỷ lệ nhỏ, nhiều tư liệu quý
có liên quan đến lịch sử kinh tế - xã hội đô thị vẫn còn bị bỏ sót, chưa được
khai thác và biên dịch bổ sung. Nhiều khía cạnh và thời đoạn lịch sử, nhất là
trong thời kỳ lịch sử trung, cận đại của Thăng Long - Hà Nội vẫn còn là những
khoảng mờ, trống vắng.
Thiếu cơ sở dữ liệu, nhất là những tư liệu nguyên gốc,
đương đại, việc tổng hợp nghiên cứu tất nhiên sẽ gặp những khó khăn hoặc ngộ
nhận trong việc tạo dựng một bức tranh lịch sử xã hội toàn cảnh, đa diện, trung
thực. Đến lượt nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc định hướng chủ trương và hoạch
định chính sách của những nhà lãnh đạo và quản lý.
Chúng tôi đã có dịp nói rằng tư liệu thư tịch cổ chính là
một loại di sản lịch sử - văn hóa vật thể và phi vật thể. Việc sưu tầm, khai
thác và bảo tồn những tư liệu đó cũng có tầm quan trọng như việc tu tạo bảo tồn
các di tích lịch sử - văn hóa khác. Có điều, công việc bảo tồn di sản văn hóa
này, nếu cũng đòi hỏi không kém công sức và trí tuệ, thì lại tiết kiệm và kinh
phí rẻ hơn rất nhiều việc bảo tồn những loại di sản khác về kiến trúc, điêu
khắc, nghệ thuật. Mặt khác, việc điều tra khai thác xử lý các tư liệu thư tịch
cổ đang còn bị ẩn giấu cũng chẳng khác gì việc thăm dò, khai thác tinh luyện
một mỏ quặng quý giá. Mà đã khai một quặng mỏ có trữ lượng lớn không phải chỉ
làm một lần là xong. Nó là của để dành, cần phải khai thác dần dần, từng bước
hợp lý một cách có hiệu quả.
Vậy nên, để việc kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi
có một đà phát triển theo chiều sâu, và cũng là để phát huy thiết thực những
thành quả và kinh nghiệm đã thu đạt được, việc tiếp tục điều tra, sưu tầm,
nghiên cứu và xuất bản những tư liệu và công trình về kinh tế - xã hội của
Thăng Long - Hà Nội, nhất là ở những thời kỳ trung, cận đại là rất bổ ích và
cần thiết. Gia tài văn hóa của Thủ đô sẽ giàu có thêm, nên hoạch định chính
sách xây dựng, phát triển và hội nhập đô thị cũng được bổ sung nhiều kinh
nghiệm, luận cứ có cơ sở vững chắc, tránh được những sơ suất, sai lầm và ngộ nhận
đáng tiếc.
Vấn đề là trong giai đoạn “hậu kỷ niệm” nên chăng chúng ta
cần có một nhận thức sáng tỏ hơn và thiết thực hơn, mang nhiều tính lợi ích lâu
dài mà ít đi tính phô diễn khoa trương. Tất nhiên, ý muốn, lòng quyết tâm của
các bên, thêm vào là kinh phí, kế hoạch và thời gian là những điều kiện tiên
quyết không thể thiếu. Ví như trong dân gian vẫn thường nói: “Có bột mới gột
nên hồ”.
Hy vọng rằng nhà xuất bản Hà Nội, mà trong việc thực hiện
dự án “Tủ sách Thăng Long 1000 năm” những ngày qua, chất lượng, uy tín và vị
thế đã được nâng lên, sẽ tiếp tục tìm kiếm được nguồn bột tốt để có thể quấy
nên loại hồ chất lượng cao.
Nhà xuất bản Hà Nội