Tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội
Với tư cách là kinh đô - trung tâm chính trị,
hành chính của quốc gia Đại Việt hàng nghìn năm, Thăng Long - Hà Nội là nơi
“lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị tinh hoa văn
hoá dân tộc. Trải thời gian và những thăng trầm của lịch sử, nhiều di sản văn
hoá vật thể bị tàn phá, bị mai một khiến ta không khỏi ngậm ngùi về sự vắng
bóng hay nghèo nàn của những thành quách rêu phong, và cũng không khỏi tiếc
nuối trước vẻ bề thế nguy nga của điện đài nay chỉ còn sót lại là những phế
tích trong lòng đất. Nhưng bù lại, Thăng Long - Hà Nội vẫn hiện hữu đó những
giá trị tinh thần mà bất kỳ một người Việt Nam nào cũng có thể cảm nhận được.
Và trên hết, là nguồn tư liệu chữ viết vô cùng phong phú về Thăng Long - Hà Nội
hình thành từ hàng ngàn năm về trước. Đó không chỉ là ký ức về một đô thành
nghìn năm tuổi, mà còn là cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu về Thăng Long - Hà
Nội, để từ đó hiểu Thăng Long - Hà Nội sâu sắc hơn, trở thành một nội lực cho
sự phát triển bền vững đô thị này trong tương lai.
1. Điều tra, sưu tầm tư liệu lịch sử và văn hoá, trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, đã được tiến hành từ rất sớm. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) đã tích cực triển khai công việc này, một khối lượng tư liệu lớn đã được sưu tầm, phần lớn dưới dạng bản sao, hiện đang được bảo quản tại một số cơ quan lưu trữ, viện nghiên cứu, thư viện (trong đó tập trung phần lớn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin Khoa học xã hội). Về sau này, nhất là từ sau ngày giải phóng Thủ đô, công tác điều tra, sưu tầm tư liệu lịch sử và văn hoá tiếp tục được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm, một khối lượng tư liệu đáng kể được sưu tầm, hiện đang được lưu giữ tại Ban Quản lý Di tích và Danh thắng và Thư viện thành phố. Kết quả của các hoạt động này, với một khối lượng lớn tư liệu được sưu tầm, tập hợp đã góp phần quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Thủ đô suốt hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, cho đến trước ngày triển khai Dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản thủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, các tư liệu trên vẫn chưa được khảo sát và đánh giá một cách tổng thể, cũng như vẫn còn nhiều tư liệu chưa được điều tra và tập hợp.
Dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” được triển khai, trong đó hạng mục “Điều tra, sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội” được xác định nhằm một số mục đích, trước mắt cũng như lâu dài: một cách tổng thể, nó mang ý nghĩa bảo tồn một di sản văn hoá của Thủ đô, ở một ý nghĩa khác, kết quả của công tác điều tra, sưu tầm là cơ sở tư liệu cho việc nghiên cứu, biên soạn của một số đề tài trong tủ sách và cuối cùng, quan trọng hơn, là chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng bộ các thư mục và các tuyển tập công trình nghiên cứu và tuyển tập tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Các nội dung cụ thể của nhiệm vụ điều tra, sưu tầm tư liệu bao gồm:
Thứ nhất, điều tra các công trình nghiên cứu khoa học về Thăng Long - Hà Nội: Do tính chất đặc thù của đô thị này (trung tâm chính trị, hành chính quốc gia), Thăng Long - Hà Nội trở thành khu vực địa lý - lịch sử được quan tâm nghiên cứu đặc biệt, nhất là trên phương diện lịch sử và văn hóa. Việc khảo sát các công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội, cả trong nước và ngoài nước, là thực sự cần thiết, cung cấp nguồn tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.
Thứ hai, điều tra nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội đã được tập hợp tại các cơ quan lưu trữ: Nguồn tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội hiện đã được tập hợp và bảo quản tại các cơ quan lưu trữ tương đối phong phú, nhưng không tập trung mà phân tán ở nhiều nơi. Trong số đó, phần lớn hiện đang được bảo quản tại các cơ quan lưu trữ ở Thủ đô Hà Nội, một bộ phận rải rác tại các địa phương trên phạm vi cả nước và một số nước trên thế giới.
Ở trong nước, các địa chỉ được điều tra gồm Trung tâm lưu trữ quốc gia I (khối ngôn ngữ Hán Nôm và chữ Pháp hình thành trước 1954); Trung tâm lưu trữ quốc gia III (khối ngôn ngữ chữ quốc ngữ hình thành sau Cách mạng tháng Tám); Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, Phòng Tư liệu khoa Lịch sử và Phòng Tư liệu khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội...
Tại nước ngoài, hiện một khối lượng khá lớn tư liệu lịch sử và văn hoá của Việt Nam và về Việt Nam đang được lưu giữ ở một số quốc gia (chủ yếu là Trung Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp). Đây là nguồn tư liệu rất quý giá nhưng việc điều tra, sưu tầm không đơn giản và rất tốn kém nên mới chỉ thực hiện được ở hai nước là Hà Lan và Anh.
Thứ ba, điều tra, sưu tầm tài liệu thực địa trên địa bàn thành phố: Đây là một trong những công việc trọng tâm của công tác điều tra, sưu tầm. Cho đến nay, một phần đáng kể tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội đã được tập hợp và bảo quản tại các cơ quan lưu trữ trong và ngoài Hà Nội, trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn một khối lượng lớn hiện nằm rải rác tại các quận huyện, các phường xã, trong các gia đình, các dòng họ, các công trình tôn giáo - tín ngưỡng… Tuy nhiên, việc điều tra, sưu tầm tư liệu thực địa mới được tiến hành trên địa bàn 14 quận huyện của Hà Nội trước mở rộng.
Những kết quả chủ yếu của công tác điều tra, sưu tầm là:
Thứ nhất, một bộ hồ sơ tư liệu về lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội dưới dạng trích yếu được xây dựng, trong đó một phần được lựa chọn tập hợp và dịch ra chữ quốc ngữ .
Thứ hai, một bộ hồ sơ khảo sát thực địa của 14 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội trước ngày mở rộng địa giới được lập với việc xác định rõ lịch sử diên cách nơi có tư liệu, tình trạng tư liệu, một phần trong đó bước đầu được tập hợp.
Thứ ba, trên cơ sở các kết quả trên, biên soạn 11 đầu sách (11,5% tổng số đầu sách của tủ sách), với dung lượng trên dưới hai vạn trang in (khoảng 20% tổng số trang in của tủ sách) bao gồm: Thư mục công trình nghiên cứu, Tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử, Tuyển tập công trình nghiên cứu văn hoá, Tuyển tập công trình nghiên cứu văn học nghệ thuật, Thư mục tư liệu trước 1945, Tuyển tập văn khắc, Tuyển tập hương ước, Tuyển tập thần tích, Tuyển tập địa chí, Tuyển tập tư liệu phương Tây, Tuyển tập văn kiện lịch sử.
Kết quả của công tác điều tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu cũng như của toàn bộ Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến có thể coi là thành tựu chung của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng, qua nhiều thời kỳ, với sự quan tâm của Nhà nước nói chung và của chính quyền thành phố Hà Nội nói riêng. Trên mọi ý nghĩa, kết quả đó có thể coi là tập thành của “Hà Nội học” cho đến thời điểm hiện nay, của những tên tuổi được biết đến và của rất nhiều những tên tuổi thầm lặng không thấy ghi tên trên các bìa sách.
2.Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng so với tiềm năng thực tế của trữ lượng tư liệu, nhất là trong điều kiện thành phố đã mở rộng không gian hành chính, thì thành tựu đó vẫn mới chỉ là bước đầu. Công tác tư liệu (được hiểu bao gồm cả việc điều tra, sưu tầm, bảo quản, xây dựng hệ thống dữ liệu, khai thác) vẫn cần phải tiếp tục, tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau đây:
Thứ nhất, mở rộng công tác điều tra, sưu tầm tư liệu trên địa bàn toàn thành phố. Chúng ta biết, khi Dự án này triển khai, Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính và vì vậy, không gian của công tác điều tra, sưu tầm tư liệu cũng như không gian phản ánh của các đề tài nghiên cứu là phạm vi Hà Nội cũ (gốm 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành), chỉ trong một số trường hợp, vùng Hà Tây cũ, huyện Mê Linh mới được đề cập tới. Trong khi đó, vùng Hà Tây cũ mà phần lớn thuộc xứ Đoài xưa, là một không gian lịch sử - văn hoá đặc sắc, “trữ lượng” văn hoá vật thể và phi vật thể và tư liệu văn hiến là rất lớn.
Thứ hai, mở rộng hơn nữa việc điều tra, sưu tầm nguồn tư liệu ở nước ngoài, trong đó tập trung ở các nước Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và đặc biệt là ở Trung Quốc và Đài Loan. Đối với các nước phương Tây, nguồn tư liệu liên quan đến Việt Nam rất phong phú mà ở Dự án này mới chủ yếu điều tra và tập hợp được tư liệu liên quan từ hai công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh. Các tư liệu khác và ở các quốc gia khác cũng rất phong phú và cũng rất cần được sưu tầm.
Thứ ba, triển khai về chiều sâu công tác tư liệu với các nội dung cụ thể sau đây:
- Tiến thêm một bước trong việc dịch, hiệu đính nguồn tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu. Nguồn tư liệu viết bằng chữ Hán Nôm và chữ phương Tây chiếm phần lớn tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Để phát huy hiệu quả giá trị của các nguồn tư liệu này, việc dịch thuật là rất cần thiết.
- Xây dựng thêm các tuyển tập tư liệu mới, hoàn thiện thêm các tuyển tập tư liệu đã thực hiện và triển khai một số toàn toàn tập tư liệu. Các tuyển tập tư liệu mới như: Tuyển tập thơ văn Hán Nôm, Tuyển tập hoành phi câu đối, Tuyển tập thần sắc. Các tuyển tập đã có (như văn khắc, hương ước, thần tích, phương Tây) cần mở rộng dung lượng lên ít nhất ba lần. Các toàn tập tư liệu có thể thực hiện như địa chí, địa bạ.
Việc điều tra, sưu tầm để tiến tới một bộ dữ liệu đầy đủ nhất về tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội là công việc lớn, mang nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn lao. Kết quả bước đầu là rất đáng ghi nhận, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài.
Nhà xuất bản Hà Nội