Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội theo dòng lịch sử
Thứ tư, 10/05/2017 09:44

Vào chiều ngày 27/4, Ban Quản lý Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức buổi họp nghiệm thu bản thảo “Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội” do họa sĩ Nguyễn Đức Hòa chủ biên cùng hai cộng sự là Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Đức Bình. Công trình được viết dưới dạng sách ảnh về mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình 1000 năm lịch sử của Thủ đô.

 

Thành phần Hội đồng nghiệm thu gồm các họa sĩ, của các nhà nghiên cứu về sử học, khảo cổ học khá nổi tiếng. Cụ thể là: Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật làm chủ tịch Hội đồng; chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến và tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt làm phản biện; họa sĩ Phan Ngọc Khuê, nhà thơ Bằng Việt và đại diện Ban Quản lý Dự án là nhữngthành viên Hội đồng. Tham dự buổi nghiệm thu còn có các lãnh đạo, các biên tập viên, nhân viên Văn phòng Dự án - Nhà xuất bản Hà Nội.

 

 

Tập bản thảo được viết dưới dạng sách ảnh, mang tính phổ thông nên có cách trình bày thông thoáng, ít lời, nhiều hình ảnh. Khác với những cuốn sách về mỹ thuật trước đây mang nhiều tính kinh viện, hàn lâm (như của các tác giả Quang Phòng, Trần Khánh Chương, Nguyễn Đỗ Bảo, Nguyễn Thị Hải Yến…), cuốn sách này có cách tiếp cận riêng, phổ thông hơn giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận. Nội dung cuốn sách đi sâu vào việc giới thiệu, sưu tầm và tuyển chọn những loại hình cơ bản về mỹ thuật của Thăng Long - Hà Nội, tức là từ 1010 đến nay, nhưng vẫn có phần đề dẫn từ khởi thủy đến trước 1010. Bám sát nội dung đó, kết cấu của cuốn sách đi theo dòng lịch sử, từ việc đề cập tới mỹ thuật thời tiền Thăng Long, mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến đến mỹ thuật Hà Nội thời Pháp thuộc và cuối cùng là mỹ thuật Hà Nội từ 1945 đến nay. Trước mỗi phần mục, có các bài nghiên cứu, đề dẫn, tuy ngắn gọn, súc tích nhưng đủ sâu, cung cấp cho người đọc những kiến thức cơ bản nhất về tiến trình hình thành và phát triển, cũng như những thành tựu về mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội. Bên cạnh đó là một hệ thống các trang ảnh minh họa phong phú, có chất lượng giúp người đọc thấy được bức tranh tổng thể và khá toàn diện về nền mỹ thuật Thủ đô trong suốt 1000 năm.

         

Việc tổ chức, nghiên cứu, biên soạn tập bản thảo này trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” cũng khá “gian truân”. Đây là đề tài được Nhà xuất bản Hà Nội - chủ đầu tư Dự án - rất tâm đắc, được xây dựng trong cơ cấu đề tài của mảng sách văn học - nghệ thuật của Tủ sách ngay từ những ngày đầu triển khai Dự án. Mặc dù có nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi, bàn thảo việc biên soạn với không ít các tác giả có tên tuổi (HS. Phan Cẩm Thượng, Quang Phòng, Trần Khánh Chương…), nhưng vì nhiều lý do, chưa có ai nhận lời chủ trì biên soạn. Phải đến hết giai đoạn I của Dự án, đến giai đoạn II, Nhà xuất bản mới tìm được tác giả biên soạn cho công trình gồm: HS. Nguyễn Đức Hòa (chủ biên) và hai cộng sự là Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Đức Bình. Nhóm tác giả đều là những họa sĩ và là những nhà nghiên cứu mỹ thuật có thâm niên, có trước tác về nhiều khía cạnh mỹ thuật Việt Nam, am hiểu lịch sử. Đó là những lợi thế và cũng là cơ sở tạo nên sự thành công của tập bản thảo như hiện có.

 

        

Tại buổi họp nghiệm thu, hai phản biện đưa ra hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Nếu như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hải Yến mong muốn cuốn sách được viết theo kiểu bách khoa toàn thư, viết không dễ dãi, câu chữ phải chau chuốt, rõ ràng, mang tính hàn lâm thì TS. Nguyễn Việt lại có tâm thế hướng đến một tác phẩm sưu tầm, bình luận hoặc tuyển chọn, “được quyền” chưa đầy đủ, mang tính phổ thông. Tuy trái chiều như vậy nhưng các ý kiến đều đi đến một điểm chung, đó là chỉ ra những sai sót và khắc phục tối đa những hạn chế của tập bản thảo. Các thành viên trong Hội đồng đều đưa ra những góp ý hết sức chi tiết, cụ thể theo từng phần, mục của bản thảo.

 

Các tác giả đều có điểm mạnh về mỹ thuật, nhưng những vấn đề về khảo cổ, lịch sử, dân tộc học… thì lại là điểm yếu. Một số mảng về nghệ thuật kiến trúc, dệt may, thêu ren, kim hoàn, mỹ thuật chạm khắc tạo hình đồ đồng thời Đại Việt… còn thiếu hụt ở phần mỹ thuật thời tiền Thăng Long. Đến thời phong kiến, một số ý kiến cho rằng, mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội phải thể hiện được những biến thiên nghệ thuật theo phong cách các triều đại phong kiến, dưới triều Lý - Trần thì theo phong cách hàn lâm, nhưng dưới thời Hậu Lê thì lại theo phong cách dân gian. Hệ thống tượng Phật là một loại hình nghệ thuật rất hay ở thời kỳ này. Nó là một cẩm nang cho nhiều người, nhưng phải trình bày loại hình ấy trong bối cảnh thẩm mỹ đương thời mà không phải là những trang viết rời rạc, thiếu đi sự gắn kết. Rồi đến thời kỳ phong kiến độc lập, thời kỳ Pháp thuộc, thì tư liệu ảnh và phần giới thiệu cũng còn sơ sài, chưa đề cập đến các triển lãm mỹ thuật ở Hà Nội thời kỳ này, những ghi chú về sự thất truyền của dòng tranh dân gian Kim Hoàng, dòng tranh dân gian Hàng Trống, những giới thiệu về tranh vẽ sơn ta trên gỗ, tranh thờ vẽ trên lụa và giấy… Ở thời đổi mới từ 1986 đến nay cũng thiếu nhiều mục và phần viết chưa có sự tách biệt rõ với những phân kỳ khác. Theo như ý kiến của một số thành viên Hội đồng, và cũng là đề nghị của Nhà xuất bản, các tác giả cần bổ sung thêm phần viết cho dòng tranh bờ hồ, tranh truyền thần, tranh Tết. Đó là những tác phẩm đi vào đời sống, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ, nhu cầu sử dụng và thưởng thức nghệ thuật tại một thời điểm lịch sử của xã hội thị dân Hà Nội, rất cần phải đề cập. Bên cạnh đó, nhóm biên soạn cũng cần lưu ý đến không gian Hà Nội mở rộng, nên có những trang viết giới thiệu về mỹ thuật thuộc văn hóa xứ Đoài (làng họa sĩ Cổ Đô, tranh minh họa và điêu khắc của khu vực Hà Tây…). Và đặc biệt là phải có bài viết về mỹ thuật của Thủ đô hiện nay, sự tiếp xúc nghệ thuật đương đại và những dòng gợi mở về xu hướng mỹ thuật ở tương lai trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Ngoài những đóng góp quý báu về phần nội dung của tập bản thảo, các thành viên còn đưa ra những đóng góp về phần tư liệu ảnh, chú thích ảnh và lỗi kỹ thuật. Đại diện chủ đầu tư cũng có ý kiến về vấn đề này. Việc tuyển chọn ảnh tư liệu, hiện vật phải thật kỹ càng. Ảnh không chỉ đảm bảo về mặt nội dung mà còn đảm bảo về chất lượng (phần đồ họa) để sách khi in ra đạt tiêu chuẩn tốt nhất.

 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, nhóm biên soạn đã giải đáp những thắc mắc, có lời hứa về việc sắp xếp lại bố cục cuốn sách cho mạch lạc, logic, thay đổi tên và các tít phần cho phù hợp, bổ sung những phần thiếu, lược bỏ những phần thừa.

 

Có thể nói, buổi họp nghiệm thu diễn ra hết sức chất lượng. Các thành viên hội đồng đã chỉ ra những sai sót của bản thảo, đồng thời tìm cách khắc phục, sửa chữa, đóng góp có hiệu quả. Hội đồng đều đánh giá cao công trình đồ sộ này và hoàn toàn tin tưởng vào nhóm biên soạn. Sau khi bản thảo sách được sửa chữa, bổ sung đây sẽ là một cuốn sách quý, có giá trị đối với bạn đọc trong và ngoài nước.

 

 

          Trang Phạm

 

         

 

 

 

 

 

 

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá