Họp kiểm tra tiến độ biên soạn bản thảo “Gia đình Thăng Long - Hà Nội”
Kiểm tra tiến độ là một khâu cần thiết trong quy trình tổ chức biên soạn của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nhằm để Chủ đầu tư Dự án nắm bắt được tiến độ cũng như phối hợp cùng chủ biên đề tài tháo gỡ các khó khăn, các vấn đề phát sinh trong quá trình biên soạn.
Sau khi đề cương chi tiết đề tài “Gia đình Thăng Long - Hà Nội” được nghiệm thu thông qua, chủ biên và nhóm biên soạn đã hoàn thiện đề cương chi tiết và triển khai tìm kiếm, thu thập tư liệu liên quan đến gia đình Thăng Long - Hà Nội từ các nguồn sách, tạp chí, văn bản cổ, truyền thuyết liên quan đến gia đình từ trong lịch sử tới nay. Cho tới thời điểm hiện nay, nhóm biên soạn đã tổng hợp, xử lý lượng văn bản tư liệu lên đến 1000 trang và bắt tay vào biên soạn bản thảo. Chủ biên dự kiến sẽ bổ sung thêm phần Phụ lục với các nội dung như: Chân dung của một số danh nhân Thăng Long - Hà Nội tiêu biểu và phân tích sự ảnh hưởng từ gia đình đến thành công của họ; Một số đặc sản Thăng Long - Hà Nội do gia đình Hà Nội nấu; Một số lễ hội tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội là một hình thức sinh hoạt tâm linh và giải trí của cư dân và gia đình Thăng Long - Hà Nội; Một số ảnh gia đình hoặc danh nhân Thăng Long - Hà Nội.
Chia sẻ với khối lượng công việc của chủ biên và nhóm biên soạn đề tài, đại diện của Ban tư vấn chuyên môn và Ban Quản lý Dự án nhấn mạnh đây là đề tài khó xuất phát từ sự hạn chế trong tư liệu về gia đình Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là giai đoạn phong kiến. Theo ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ và ông Phạm Quốc Tuấn, giai đoạn phong kiến với tám triều đại nếu không có nhiều khác biệt nên trình bày theo các đặc điểm, triển khai theo vấn đề, tránh sa đà vào các sự kiện lịch sử. Việc bổ sung phần viết về các danh nhân lịch sử cần lưu ý chỉ khai thác ở khía cạnh vai trò, ảnh hưởng của gia đình trong việc hình thành nên danh nhân Thăng Long - Hà Nội. PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cho rằng đề tài cần tập trung làm rõ những luận điểm mấu chốt về gia đình Thăng Long - Hà Nội: bức tranh tổng thể; sự biến đổi qua quá trình lịch sử; các đặc trưng, tính chất nổi bật; phát huy các giá trị của gia đình trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, ông Lê Tiến Dũng cũng lưu ý thêm với giai đoạn sau 1954 cần bám vào các tiêu chí gia đình văn hóa của Nhà nước.
Với khối lượng công việc đã đạt được, tại buổi họp kiểm tra tiến độ, Ban Quản lý Dự án và đại diện của Ban Tư vấn chuyên môn sách Kinh tế - Văn hóa - Xã hội ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc của nhóm biên soạn và tin tưởng đề tài sẽ đạt được chất lượng cũng như tiến độ đề ra.
Hoàng Thị Thùy Linh