Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Thành tựu của Nhà xuất bản Hà Nội
1. Đánh giá chung Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy - UBND Thành phố Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức việc biên soạn và xuất bản thành công gần 100 đầu sách với tên gọi Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đây là nhiệm vụ chính trị - văn hóa quan trọng nhưng vẫn đảm bảo được ý nghĩa khoa học, không chỉ thể hiện giá trị đối với Hà Nội trong lễ kỉ niệm 1000 năm mà còn góp phần vào sự nghiệp xây dựng văn hóa hiện nay trên đất nước ta.
Thành công này còn có sự tham gia tích cực của Hội đồng tư vấn khoa học, Ban Tư vấn chuyên môn, các Hội đồng khoa học xét duyệt đề cương và nghiệm thu bản thảo đề tài, các tác giả, các nhà khoa học và văn hóa ở nhiều cơ quan khác nhau trong ngoài Hà Nội.
Ở đây những cuốn sách đã xuất bản, những bản thảo hoàn chỉnh sắp ra mắt bạn đọc đều được thực hiện nghiêm túc công phu qua nhiều công đoạn. Từ việc khai thác tư liệu trong kho sách hay được bảo lưu ngoài dân gian, đến việc nghiên cứu biên soạn thành một tập bản thảo đầy đủ chương mục. Các tác giả đã vượt qua nhiều khó khăn cả về tiến độ thời gian để hoàn thành tốt công trình.
Với định hướng đúng đắn, phương thức quản lí tổ chức các Hội đồng thẩm định xét duyệt đề cương chi tiết, Hội đồng khoa học nghiệm thu bản thảo đề tài, lập nhóm hiệu duyệt, hiệu đính đối với những đề tài khó hay cần thiết... Nhà xuất bản Hà Nội đã quy tụ được các chuyên gia khoa học, văn hóa tên tuổi ở nhiều cơ quan khác nhau, tham gia xây dựng đóng góp vào thành công của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Những tác phẩm xuất bản nhìn chung có khối lượng dày dặn, quy mô không nhỏ và dung lượng khá cao đảm bảo cả về chất lượng và nội dung hình thức. Xin được khẳng định sự thành công của nhà xuất bản Hà Nội đối với những tác phẩm đã và đang xuất bản mà chúng tôi được đọc và tham gia xây dựng.
2. Phương hướng, kế hoạch tiếp tục thực hiện Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến không phải chỉ dừng lại trong năm 2010 mà cần phải được tiếp tục phát huy hơn nữa trong kế hoạch 2011 - 2015. Rất nhiều đề tài cần được nghiên cứu biên soạn xuất bản trong đó mảng tư liệu hiện vật văn khắc và tài liệu thư tịch Hán Nôm đóng vai trò quan trọng. Đây chính là cơ sở tư liệu giá trị phong phú, đa dạng đảm bảo về mặt khoa học cho việc biên soạn một công trình văn hóa.
Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là phải tiếp tục khảo sát điều tra thu thập tư liệu trên nhiều lĩnh vực kịp thời bắt tay vào việc xử lí, nghiên cứu tư liệu từ đó xây dựng các đề cương các đề cương đề tài. Bước đầu xây dựng phần cương rồi đến phần mục, hình thành bản thảo đề tài. Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tính khả thi của một đề tài, đó chính là khối tư liệu gốc trung thực có giá trị là cứ liệu khoa học đủ cho việc biên soạn hoàn thành một tập sách. Tên đề tài sẽ được định hình chuẩn xác từ việc khai thác nội dung khối tư liệu đó. Đồng thời ở đây là vai trò của chủ biên công trình đỏi hỏi trình độ chuyên môn, uy tín học thuật và kinh nghiệm biên soạn.
Đối với việc khai thác đề tài mới chúng ta còn rất nhiều những vấn đề phải làm, đó là việc xây dựng bộ sách về Địa chí Hà Nội. Đây là công việc quan trọng cấp thiết phải tập trung nhiều nhà khoa học trên các lĩnh vực khác nhau. Kế thừa được kết quả của cái đã có, song ở đây chúng tôi thấy cần phải đảm bảo tính khoa học theo quy chuẩn nhất định mà bắt đầu từ việc xây dựng một đề cương hoàn chỉnh. Không thể để một bộ sách lớn mà bị lẫn lộn sai lệch từ cách nhìn, từ những khái niệm dẫn đến cái sai lớn trong việc định hình các chương mục, tiêu đề như một vài bộ địa chí ở một vài tỉnh đã xuất bản.
Mảng sách quan trọng nữa là sách công cụ tra cứu về Hà Nội rất cần thiết xây dựng xuất bản. Đó là Từ điển địa danh hành chính Hà Nội qua các giai đoạn khác nhau, Từ điển nhân danh, Từ điển về quan chức, bởi Thăng Long là kinh đô củanhiều triều đại với biết bao Hoàng đế, trọng thần, tướng lĩnh… nơi hội tụ của nhân tài khắp đất Việt.
Tuyển tập tư liệu về Thăng Long - Hà Nội bước đầu đã ra mắt trong dịp đại lễ như các Tuyển tập thần tích, Tuyển tập hương ước, Thư mục văn bia… Song ở đây mới là bước sơ tuyển tư liệu chủ yếu của Hà Nội cũ. Do đó tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các Tuyển tập tư liệu về Thăng Long - Hà Nội cần phải thực hiện ngay từ những năm tới. Những tư liệu này hầu hết là tư liệu hiện vật văn khắc và tài liệu thư tịch Hán Nôm hiện được bảo lưu tại kho sách lớn ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tồn tại trong dân gian, khối tư liệu phong phú đa dạng này cần được gấp rút khai thác giới thiệu.
Dạng tư liệu bi kí, minh văn trên chuông khánh, biển gỗ, hoành phi, câu đối đủ thừa khối lượng để làm thành các bộ sách riêng biệt. Ngoài ra còn phải kể đến các loại hình tư liệu hiện vật khác như cổ tiền, ấn triện, kim sách, vũ khí, vật dụng, công cụ sản xuất, đồ thờ…v.v đủ đảm bảo cho việc biên soạn các cuốn sách có giá trị khác nhau về Thăng Long - Hà Nội.
Thưa toàn thể quý vị! Nhìn từ góc độ khoa học Hán Nôm không phải là chuyên ngành mà là công cụ chuyển tải gắn liền với nhiều lĩnh vực khác nhau qua các giai đoạn lịch sử dân tộc. Hán Nôm chính là khoa học liên ngành, là văn hóa học. Do đó khai thác biên soạn xuất bản những tài liệuvề thiên văn lịch pháp cổ truyền, địa lí phong thủy, tín ngưỡng thờ cúng, phong tục, hôn lễ, tang chế, lễ hội truyền thống ...v.v. cũng cần được thực hiện trong kế hoạch mới để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Những năm qua Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức biên soạn và xuất bản thành công một khối lượng sách đồ sộ trên nhiều lĩnh vực khác nhau để đón chào lễ kỉ niệm trọng đại có một không hai trong lịch sử dân tộc. Thành quả này cần được kế tục phát huy hơn nữa. Nhiệm vụ nặng nề mà nhà xuất bản Hà Nội tiếp tục thực hiện trong kế hoạch mới rất cần sự chỉ đạo quan tâm của Thành ủy - UBND Thành phố Hà Nội, của Ban Tuyên giáo Trung ương; Sự đóng góp của các cơ quan ban ngành Trung ương và Hà Nội, của các nhà khoa học, văn hóa trực tiếp hay gián tiếp tham gia xây dựng.
Viện Nghiên cứu Hán Nôm xin chúc mừng thành tựu của toàn thể Lãnh đạo cùng cán bộ công nhân viên Nhà xuất bản Hà Nội và sẵn lòng chia sẻ nhiệm vụ mới trong công tác điều tra sưu tầm, nghiên cứu, khai thác biên soạn xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
(*)TS. Nguyễn Công Việt Phó Viện trượng Viện Nghiên cứu Hán Môn
Nhà xuất bản Hà Nội