Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm sau Đại lễ
Thứ năm, 10/03/2011 03:28
Tham luận viết cho Hội thảo "Hoạt động xuất bản với Thăng Long ngàn năm văn hiến" ngày 19/9/2010
Tiến sát tới ngày khai mạc lễ kỷ niệm Thăng Long
- Hà Nội ngàn năm, mọi việc đang được hối hả chuẩn bị cho công diễn, “Tủ sách
Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên,
việc “ công diễn” sách nó khác với công diễn sân khấu hoặc phim ảnh nghệ thuật.
Việc chuẩn bị cho ra đời sản phẩm để công diễn có đôi phần giống nhau như thời
gian chuẩn bị, công phu chuẩn bị…nhưng cũng có phần khác nhau. Việc ra mắt công
chúng có vẻ khác nhiều hơn. Một vở diễn, một bộ phim ngay sau khi xem người ta
có thể có những tình cảm thưởng ngoạn thích thú hay không thích thú. Với một
cuốn sách, quá trình thưởng ngọa và tình cảm thưởng ngoạn có khác. Cuốn sách
vài chục trang cũng phải đọc mất cả buổi. Cuốn sách hàng trăm trang còn đòi hỏi
nhiều thời gian hơn. Sách văn học và sách nghiên cứu có lẽ còn khác hơn nữa về
thời gian đọc, cách đọc và cách cảm nhận. Xem một vở kịch, một bộ phim nếu
không hay thường thì người ta cũng xem hết để biết. Đọc một cuốn sách không hay
lại dài thường khi bỏ dở. Xem kịch, xem phim nếu không hay chẳng ai xem lại,
một cuốn sách lần đầu đọc có thể chưa thấy hay, nhưng lần sau vì lý do nào đó
đọc lại nó có khi thấy rất thú vị. Chuyện phim, ảnh, sách vở có những chỗ khác
nhau là vậy. Hôm nay, “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” ra mắt
một số cuốn sách trong số gần trăm đầu sách là kết quả của một quá trình lao
động không mệt mỏi của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu là tác giả của các
cuốn sách, đồng thời cũng là công sức lao động của các hội đồng chuyên môn đứng
đầu là Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu. Nhà xuất bản Hà Nội, người tổ chức
thực hiện dự án xây dựng “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” cũng
đã có thể yên tâm khi sản phẩm của dự án đã có thể ra mắt công chúng. Nói như
vậy vì chuyện viết sách nó có đặc thù của nó. Chọn chủ đề, xây dựng đề cương
xong rồi, có vẻ thú vị rồi nhưng khi triển khai viết lại không thành. Hơn nữa,
sách trong “ Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” ngay từ bước xây
dựng đề cương đều phải trải qua sự xem xét đánh giá của hội đồng chuyên ngành,
bản thảo cũng được xem xét, góp ý sửa chữa nhiều lần… Trên thực tế có những
cuốn sách với ý tưởng khá hay, khá độc đáo ban đầu, nhưng đến khi triển khai
vẫn chỉ có thể dừng lại ở bản thảo mà thôi. Nói như vậy thì sách trong “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn
hiến” sẽ toàn là những tuyệt phẩm chăng? Những người làm sách với quy trình
và cách thức tuyển chọn cẩn trọng, công khai, với ý thức trách nhiệm và tâm
huyết nghề nghiệp, với trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu không đặt mục
tiêu cho các tuyệt phẩm, nhưng đặt mục tiêu cho một bộ sách bao quát phần lớn
mảng đề tài liên quan đến Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chính vì vậy
mà nhìn vào danh mục sách trong “Tủ sách
Thăng Long - Hà Nội” có thể có cảm nhận hình như nhiều mảng đề tài, nhiều
tên sách không có gì mới. Đúng như vậy! Nhiều sách được tái bản có bổ sung,
chỉnh lý. Nguyên tắc chọn sách tái bản là những cuốn sách có giá trị về Thăng
Long - Hà Nội được giới chuyên môn và độc giả thẩm định qua thời gian. Nếu tác
giả còn sống có thể cho ý kiến, chính sửa, bổ sung để tái bản. Nếu tác giả đã
khuất núi, tác phẩm tái bản như nguyên bản có thể được trình bày cho hợp với bộ sách trong Tủ sách… Cách sách
được biên soạn, viết mới có thể với các đề tài không mới nhưng được góp ý của
hội đồng, đồng nghiệp với tinh thần cầu thị, cố gắng đạt độ chuẩn xác khoa học
cao nhất có thể…Điều đặc biệt của từng cuốn sách là nó có nội dung và cách
trình bày nằm trong tiêu chí thống nhất của một Tủ sách, được thẩm định và
chuẩn bị khá công phu, nó là một cuốn sách độc lập nhưng nằm trong một hệ thống
gần như trong một bộ sách tổng hợp, giúp người nghiên cứu có cơ sở tra cứu, mở
rộng, đi sâu vào một vấn đề cụ thể nào đó khi nghiên cứu về Thăng Long - Hà
Nội. Ngoài các cuốn sách được tái bản, bổ sung, chỉnh lý; ngoài các cuốn sách
được biên soạn, viết mới và xuất bản, “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội” còn sưu tập
bộ tư liệu về Thăng Long - Hà Nội với nhiều nguồn khác nhau, có những nguồn xưa
nay ít được khai thác, hoặc có khai thác nhưng dưới góc nhìn khác, cách tư duy
và điều kiện khai thác có khác. Bộ sưu tập này rất giá trị cho những người
nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội trước mắt cũng như lâu dài.
Nói tóm lại “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn
năm văn hiến” đã cho ra mắt độc giả đúng dịp Thăng Long - Hà Nội ngàn năm là
một thành quả rất đáng ghi nhận. Sách được trình bày khá ấn tượng. Các mảng đề
tài Tủ sách bao quát khá toàn diện. Việc thẩm định chất lượng sách chắc phải có
thời gian. Tuy nhiên, nhìn vào danh mục và lướt nội dung các mảng đề tài của
sách, có thể thấy đa phần sách dành cho các nhà nghiên cứu, những người đã ít
nhiều quan tâm nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội. Sách dành cho giới trẻ, sách
dành cho độc giả “ phổ thông” còn chưa nhiều. Chính vì vậy nhận định về chất
lượng sách theo “tình cảm thưởng ngoạn”chắc chưa thể có ngay được. Hy vọng rằng
nhiều cuốn sách dẫu khá dày nhưng được độc giả đón nhận và đọc một mạch bởi
tính hấp dẫn và tính khoa học của nó. Nhưng cũng sẽ có nhiều cuốn người đọc
không đọc một mạch để “ thưởng ngoạn” nhưng sẽ đọc nhiều lần như những tư kiệu
quý cần đến khi có việc. Giả sử có cuốn nào chưa hấp dẫn người đọc ngay lần đầu
tiếp cận, lại có thể hấp đẫn lần sau cũng là bình thường theo quy luật cảm thụ
đối với sách.
Như vậy cũng đã dành tới hai trang để nói về cái
đã làm, cái đang có, bởi tiến sát tới kỷ niệm mà nói ngay cái sau kỷ niệm sợ
lạc lõng chăng? Thực tình chúng tôi đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này ngay
khi đang triển khai xây dựng Tủ sách. Vì sao vậy? Vì dù sản phẩm mấy năm qua có
đồ sộ đến đâu, các tác giả với các tên tuổi lớn đã dốc sức để làm cũng không bao
quát hết các mảng đề tài về Thăng Long - Hà Nội. Hơn nữa Hà Nội mới sau năm
2008 với cả một vùng văn hóa giàu truyền thống như văn hóa Hà Tây, một vùng ven
đô Mê Linh độc đáo, 4 xã vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Hòa Bình - Văn hóa Mường
giàu bản sắc…chưa được đề cập nhiều, mặc dù Nhà xuất bản và những người tham
gia viết đã có nhiều cố gắng cập nhật, nhưng thời gian để có sản phẩm là sách
không cập nhật nhanh như báo chí được. Ngay với vùng Thăng Long xưa cũng không
phải đã đề cập hết các đề tài cần đề cập. Hay nói một cách khái quát lịch sử,
văn hóa Thăng Long - Hà Nội hàng ngàn năm ấy không chỉ thông qua một dự án vài
năm với vài trăm người làm đã đầy đủ cả. Địa chí Thăng Long - Hà Nội cho đầy đủ
chắc cũng cần. Con người, nhân vật và sự kiện, các vùng văn hóa, kho tàng văn
hóa dân gian, giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…còn nhiều, còn nhiều
chuyện cần nghiên cứu, cần viết thành sách. Kho tư liệu mới được sưu tập cần
khai thác như thế nào? Mảng sách dành cho các độc giả phổ thông, hấp dẫn các
bạn trẻ… đều là những việc cần làm để xây dựng Tủ sách ngày càng đầy đủ hơn,
hấp dẫn hơn, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu bạn đọc. Nói cho cùng, mọi việc không
lấy mốc đến kỷ niệm mà nhiều việc phải được tiếp tục sau kỷ niệm Thăng Long -
Hà Nội ngàn năm tuổi. “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” có lẽ là
một trong những việc phải tiếp tục như vậy!
Tuy nhiên, kỷ niệm vẫn là kỷ niệm. Nhân dịp ngàn
năm có một, “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” ra đời với những
cuốn sách là sản phẩm tinh thần có giá trị, là một lẵng hoa giàu ý nghĩa dâng
hiến cho những người yêu Hà Nội gần xa, là một kỷ niệm thiết thực.
Nhà xuất bản Hà Nội