Một số đề xuất cho việc tiếp tục nghiên cứu, điều tra, sưu tầm và biên soạn Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến nhìn từ góc độ tài liệu lưu trữ
Sau một
thời gian dài nỗ lực hợp tác cùng NXB Hà Nội và các giáo sư, các nhà khoa học,
đến nay nhóm biên soạn của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã hoàn thành bộ sách Hà
Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 - 1954.
Bộ sách
có dung lượng lớn, gần 2000 trang với một khối lượng (cho dù nói một cách khiêm
tốn) vẫn là đồ sộ gồm các hồ sơ lưu trữ bằng chữ Hán, chữ Pháp, khối tư liệu
chủ yếu là bằng chữ Pháp và một số ít bằng chữ quốc ngữ, các bản đồ, sơ đồ, bản
vẽ, ảnh…đa số được công bố lần đầu tiên.
Mặc dù
còn có những hạn chế nhất định do thời gian có hạn, nhưng ngay từ khi mới chỉ
là bản thảo, cuốn Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873 -1954 đã được PGS.
TS Tạ Thị Thuý (Viện Sử học, Viện KHXH VN) đánh giá là một “công trình đồ sộ thực sự quý giá đối với
những người muốn nghiên cứu về Hà Nội nói riêng, về Bắc Kỳ và cả Việt Nam
nói chung trong thời kỳ cận đại trên nhiều khía cạnh”. PGS. TS Vũ Văn Quân
(Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH & NV) thì dự đoán “Công trình này chắc chắn là một điểm nhấn ấn tượng của Tủ sách Thăng
Long ngàn năm văn hiến, sẽ là cuốn sách “cẩm nang” cho các nhà nghiên cứu Hà
Nội cận đại, sẽ là cuốn sách tra cứu cần thiết cho các nhà quy hoạch phát triển
và quản lý Hà Nội hiện đại”.
Và ngay
trên trang đầu của sách, GS. NGND Phan Huy Lê đã viết: “Công trình Hà Nội qua tài liệu
và tư liệu lưu trữ 1873 - 1954 giới thiệu cho các nhà khoa học và bạn đọc
một hệ thống tài liệu gốc cực kỳ phong phú, có giá trị đặc biệt về tư liệu học
và mở ra triển vọng khai thác, sử dụng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu Hà Nội
thế kỷ XIX - XX”.
Tuy
nhiên, vì là lần xuất bản đầu tiên và vì không đủ thời gian, bộ sách đã bị hạn
chế trong khuôn khổ của 4 chuyên đề lớn, đó là: Địa giới - Tổ chức hành chính;
Quy hoạch - Xây dựng; Giao thông - Công chính và Văn hoá - Giáo dục của Hà Nội
từ 1873 đến 1954. Chính vì vậy, một khối lượng lớn hồ sơ trong các phông tài
liệu tiếng Pháp về các mặt kinh tế, chính trị, quân sự… của Hà Nội trong thời
kỳ Pháp thuộc và thời kỳ tạm bị chiếm vẫn còn chưa được khai thác.
Mặt
khác, theo hiệp ước ký ngày 15-6-1950 giữa chính phủ Bảo Đại và đại diện chính
phủ Pháp ở Đông Dương là Cao uỷ Léon Pignon,
thì những tài liệu thuộc quyền sở hữu của chính phủ Pháp được quy định theo
điều 8, chương II bao gồm:
- Tài liệu
của các công sở Pháp trước khi thành lập Liên bang Đông Dương.
-
Tài liệu của văn phòng và các phòng ban thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương.
- Tài
liệu của các Thống sứ Bắc Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ và Thống đốc Nam Kỳ gồm tài liệu
của văn phòng và các cơ quan hay các công sở đặc thù của Pháp; tài liệu về Toà
án, hộ tịch, nhân sự và tài liệu của Văn phòng các Tỉnh trưởng, Thị trưởng, Đốc
lý và nói chung tất cả những tài liệu mang tính chất chính trị, ngoại giao,
quân sự hoặc tài liệu tư nhân”.
Đó
chính là căn cứ pháp lý để Pháp mang về chính quốc những tài liệu vô giá về
lịch sử công cuộc xâm chiếm Đông Dương, trong đó có những tài liệu về Hà Nội
thế kỷ XIV - XX.
Để bổ sung cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhằm có thêm những tư liệu bổ
sung cho kho dữ liệu về văn hiến Thăng Long, chỉ riêng về lĩnh vực lưu trữ cũng
đã có thể thấy ngay được những đề tài sau cần thực hiện và đủ khả năng thực
hiện:
I. Đối với kho lưu trữ trong nước (cụ thể
là khối tài liệu tiếng Pháp của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I).
1.
Tiếp tục khảo sát, khai thác những tài liệu về các mặt kinh tế, chính trị, quân
sự… của Hà Nội để biên soạn một bộ sách tương tự như bộ Hà Nội qua tài liệu và tư liệu
lưu trữ 1873 - 1954.
2.
Khảo sát, tuyển chọn và dịch các văn bản quy phạm pháp luật các cấp (Toàn quyền
Đông Dương, Thống sứ Bắc Kỳ, Đốc lý Hà Nội và sau này là Thị trưởng Hà Nội) về
tất cả các lĩnh vực của thành phố Hà Nội từ khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội
cho đến 1954. Đây là một đề tài rất cần thiết không những cho nghiên cứu lịch
sử Hà Nội nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung thời kỳ cận đại mà
còn vô cùng hữu ích đối với việc hoạch định chính sách trong quy hoạch phát
triển và quản lý thành phố của chúng ta trong tương lai.
3.
Khảo sát, khai thác các phông tài liệu (Fonds d’archives) để lấy tư liệu góp
phần xây dựng bộ sách Địa chí Hà Nội,
các bộ từ điển về Hà Nội, Atlas Hà Nội…
II. Đối với các kho lưu trữ ở Pháp.
Tài
liệu liên quan đến Việt Nam (trong đó có Hà Nội) có rất nhiều ở một số kho lưu
trữ của Pháp như kho lưu trữ của Service Militaire ở Château de Vincennes
(Paris), kho lưu trữ của Bộ Ngoại giao ở Paris, kho lưu trữ của Trung tâm Lưu
trữ Hải ngoại ở Aix en Provence… Ở đây chỉ xin nhấn mạnh đến 2 kho lưu trữ tiềm
năng nhất.
1. Kho lưu trữ của Bộ Ngoại giao ở
Paris: đây là nơi bảo quản toàn bộ những văn kiện ngoại giao giữa chính phủ
Pháp, triều đình Huế và chính phủ Trung Hoa về Việt Nam, trong đó có những văn
kiện về Hà Nội. Việc khảo sát, tra tìm và sao lại những văn kiện này nhằm mục
đích dịch, công bố tài liệu gốc phục vụ nghiên cứu lịch sử Hà Nội nói riêng,
lịch sử Việt Nam nói chung là một đề tài rất cần thiết vì từ trước tới nay
chúng ta chưa được tiếp cận tài liệu gốc mà mới chỉ nghiên cứu qua các tư liệu
về thời kỳ này.
2.
Kho lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại ở Aix en Provence: đây là nơi bảo quản tất cả những tài liệu Pháp
đã mang từ Việt Nam về theo hiệp
ước ngày 15-6-1950, đặc biệt là những tài liệu liên quan đến Hà Nội như thư từ,
công văn trao đổi giữa Tư lệnh tối cao của quân đội viễn chinh Pháp trong các
vụ do thám vùng sông Hồng ở Hà Nội với Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp thời
kỳ trước khi đánh chiếm Hà Nội; báo cáo; thư từ, công văn trao đổi giữa Francis
Ganier và Henri Rivière với Thống đốc Nam Kỳ và Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc
địa Pháp về 2 cuộc tấn công thành Hà Nội…
Ngoài
ra, cần phải nhấn mạnh đến một phông lưu trữ đã bị mang toàn bộ về Pháp, đó là phông
Bộ Tham mưu các lực lượng viễn chinh của Pháp tại Đông Dương 1880-1899 (fonds
de l’Etat-Major des Troupes de l’Indochine 1880-1899). Phông này chứa đựng các
công văn trao đổi, nhật ký các cuộc thám sát, các cuộc hành quân, báo cáo của
các khu quân sự, những thông tin chính xác về các cuộc tấn công quân sự, phiên
chế của các tiểu đoàn, cuộc sống thường ngày của binh lính và các sự kiện trong
cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Điều đặc biệt là tài liệu của
phông này chứa đựng những thông tin vô cùng
tỉ mỉ về những địa phương mà quân đội Pháp đã đi qua với sự mô tả rõ ràng về
từng vùng và được minh họa trong những bản đồ, sơ đồ và vô số ảnh chụp.
Việc
khảo sát, tra tìm, sao lại những tài liệu này sẽ làm phong phú thêm cho kho
tàng văn hiến Thăng Long - Hà Nội, đồng thời góp phần vào việc nghiên cứu lịch
sử Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung cũng là một việc làm cần thiết và hữu
ích không chỉ riêng cho Hà Nội mà còn cho cả đất nước Việt Nam chúng ta.
Tóm
lại, những đề tài nêu trên là những đề tài được xây dựng trên cơ sở của tài
liệu lưu trữ. Nếu được đầu tư kinh phí và thời gian, cùng với những đề tài
thuộc các lĩnh vực khác như văn học, nghệ thuật, quân sự, thống kê…, các đề tài
này nhất định sẽ góp phần làm cho Tủ sách
Thăng Long ngàn năm văn hiến ngày càng thêm phong phú và hoàn thiện, xứng
đáng với tầm vóc của một Thủ đô với bề dày 1000 năm lịch sử.