Đọc sách: Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954 (PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ)
Trong lịch sử Việt Nam, lưu trữ đã có từ lâu, chậm nhất là từ thời Lý với sự tồn tại của Hàn Lâm Viện, một cơ quan có chức năng khởi thảo và lưu giữ các văn bản chính thức của triều đình trung ương. Rất đáng tiếc là mọi văn bản gốc của những vương triều trước Nguyễn đến nay đều không còn, trừ một số nội dung đã được sao chép lại hoặc được tóm lược trong các bộ chính sử.
Thời Nguyễn, lần đầu tiên chúng ta còn giữ được những văn bản lưu trữ, đó là kho châu bản với những chiếu chỉ và sớ tấu của vua quan trên nhiều lĩnh vực. Kho địa bạ cổ cũng có thể được coi như những tài liệu lưu trữ dân sự về mặt ruộng đất. Trong đó, nguồn tài liệu châu bản cho đến nay, việc tiếp cận và công bố đã không hề dễ dàng. Tuy nhiên, điều may mắn là đối với thời đoạn lịch sử này, các bộ Thực lục và Hội điển đã được công khai hoá, cũng có thể được xem như một phần quý giá - tuy chưa toàn vẹn - của những tư liệu lưu trữ.
Từ thời Pháp thuộc trở về sau, tình hình đổi khác. Tuy không còn những bộ sử của nhà nước được công nhận là chính thống, nhưng đã có một sự bùng nổ của những tư liệu rất đa dạng về nhiều mặt được xuất bản, công bố. Đó là các sách, báo viết bằng tiếng Pháp, bên cạnh số tư liệu Hán - Nôm và chữ quốc ngữ. Các tài liệu gốc, nguyên dạng giờ đây cũng được lưu trữ cẩn mật ở Hà Nội, Việt Nam và ở Pháp (Aix-en Provence và Paris). Có thể nói một kho báu vật của Ali Baba đã được phát hiện, hứa hẹn giúp đỡ các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà sử học.
Tuy nhiên, câu thần chú: “Vừng ơi ! Mở ra !” vẫn chưa phải được ban phát cho tất cả mọi người. Đại bộ phận những tài liệu này được viết bằng tiếng Pháp và cũng không dễ kiếm tìm, điều đó hạn chế khá nhiều người đọc. Đặc biệt, những tài liệu, tư liệu lưu trữ vốn được coi như một “món hàng quý tộc”, được lưu giữ ở những nơi kín cổng cao tường, và vì nhiều lý do, càng không dễ dàng đối với những người muốn tiếp cận, khai thác. Các sách sử viết bằng tiếng Việt thường chỉ sử dụng tài liệu lưu trữ ở mức khiêm nhường, qua khâu gián tiếp, như những món gia vị điểm xuyết làm tăng thêm giá trị và hương sắc của tác phẩm. Những cuốn sách của các tác giả nước ngoài có khai thác tài liệu lưu trữ ở mức độ nhiều hơn, nhưng vẫn chỉ với một tỷ lệ khá nhỏ bé so với khối lượng tiềm năng có thể sử dụng.
Cần phải nói hơi dài một chút như vậy để thấy được giá trị độc đáo của hai tập sách dày dặn về các tài liệu và tư liệu lưu trữ của Hà Nội do TS. Đào Thị Diến làm chủ biên.
Ở đây, các tác giả mới chỉ khai thác một phần nhỏ khiêm tốn những thông tin của một thành phố cụ thể (Hà Nội), trong một giai đoạn lịch sử cụ thể (1873-1954) trong một số mặt nhất định. Phần lớn các tài liệu, tư liệu cũng mới chỉ ở mức giới thiệu, liệt kê hoặc tóm tắt nội dung. Những tài liệu gốc, nguyên bản được dịch toàn bộ bằng song ngữ thật ra chưa nhiều. Trong nội dung và cách diễn đạt thỉnh thoảng vẫn còn sót lại một vài hạt sạn có thể nhặt ra. Vì thế, những người đọc tham lam và kỹ tính có thể mong đợi và hy vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, chỉ riêng những gì đã có trong tay người đọc, một khối lượng thông tin đồ sộ về nhiều mặt của Hà Nội trong khoảng thời gian lịch sử 80 năm được trải ra trên 1.700 trang sách cũng đã là cả một khu rừng rậm bao la, khiến những người muốn đi vào có thể bị choáng ngợp và dễ bị lạc lối, nếu không khôn ngoan và kiên nhẫn dò tìm để phát hiện ra những cảnh sắc quyến rũ và nhiều hoa thơm quả lạ. Bộ sách đã gây cho người đọc nhiều hứng thú và suy nghĩ. Qua đó, chúng ta có thể hiểu biết kỹ lưỡng hơn và chính xác hơn những điều mà chúng ta đã biết, biết thêm được những thông tin mới gặp lần đầu, cũng như làm sáng tỏ, đính chính lại một số vấn đề, sự kiện mà trước đây thường ngộ nhận.
Cùng với Lời nói đầu giới thiệu khái quát toàn bộ công trình và những Lời dẫn thuyết minh cho từng phần, nhóm tác giả đã khai thác, tuyển chọn, tóm tắt dịch thuật những thông tin có liên quan đến Hà Nội của những phông lưu trữ khác nhau.
Phần I của bộ sách nói về Địa giới và Tổ chức bộ máy hành chính của Hà Nội. Qua các nghị định, quyết định, thông tư của chính quyền thuộc địa các cấp, ta thấy nổi bật lên một “chiến lược lấn chiếm và thôn tính” mà tác giả Philippe Papin trong cuốn Lịch sử Hà Nội (Histoire de Hanoï) đã gọi là “chủ nghĩa sáp nhập và chiến lược gậm nhấm” của chính quyền Pháp trong việc mở rộng không gian đô thị cũng như không gian quyền lực của thành phố nhượng địa Hà Nội, song hành với sự suy tàn đi đến bị thủ tiêu của chính quyền Nam triều quản lý tỉnh Hà Nội trước kia. Nó phản ánh một quá trình chuyển đổi chậm nhưng chắc từ một đô thị phong kiến truyền thống sang một đô thị tư bản – thuộc địa, dưới dạng thức đan xen và lai ghép.
Sự chuyển biến về Quy hoạch và Xây dựng được trình bày trong phần II là hệ qủa trực tiếp của sự chuyển biến quyền lực nói trên. Từ một đô thị dựa trên một “quy hoạch” tự phát và tự nhiên “trong thành ngoài thị”, Hà Nội đã từng bước chuyển biến thành một đô thị cận hiện đại được quy hoạch theo những khu vực chức năng. Tiêu điểm đô thị và bộ máy quyền lực lúc đầu ở mạn đông nam hồ Hoàn Kiếm, với quần thể kiến trúc “Bốn Tòa” và phố Tràng Tiền sau đã chuyển dịch lên mạn tây bắc thành phố gần hồ Tây, với điểm nhấn là Phủ Toàn quyền mới.
Ngoài khu quân sự nằm trên ¼ diện tích của toà Thành Hà Nội còn lại sau khi bị phá, Hà Nội chủ yếu bao gồm 3 thành tố chính: khu phố Tây hay khu phố Âu, khu phố cổ Việt – Hoa truyền thống phía bắc hồ Hoàn Kiếm và khu phố mới của người bản xứ lan dần theo các hướng nam và tây. Công cuộc đô thị hoá Hà Nội đã diễn ra trong một quá trình dung hợp, pha trộn, tồn tại nhiều nghịch lý.
Ngoài những nét khái quát trên, trong phần này, các tác giả đã cung cấp cho chúng ta khá nhiều những hồ sơ xây dựng của những công trình kiến trúc cụ thể cùng lịch sử chuyển biến của nó mà trước đây có thể chúng ta đã có những ngộ nhận không chính xác.
Phần III nói về lĩnh vực Giao thông – Xây dựng của Hà Nội. Có lẽ đây là những yếu tố có thể được coi là tích cực, tiến bộ nhất của chế độ thực dân ở Hà Nội trong những thập kỷ thuộc Pháp. Mạng lưới giao thông đô thị, đường phố và cầu cống đã có những chuyển biến khá rõ nét trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, mà điểm nhấn là cây cầu Doumer (cầu Long Biên) và hệ thống đường xe lửa, xe điện. Nhờ đó mà Hà Nội – thủ phủ chính trị của Liên bang Đông Dương – đã trở thành một trung tâm kinh tế vùng, liên hệ với các thị trường toàn quốc, khu vực và quốc tế.
Phần IV đề cập đến lĩnh vực Văn hoá – Giáo dục. Qua những văn bản lưu trữ, đời sống văn hoá, giáo dục của Hà Nội thời thuộc Pháp được thể hiện như một bức tranh tương phản về mầu sắc, hàm chứa nhiều mâu thuẫn, nghịch lý. Hệ thống văn hoá – giáo dục truyền thống cũ, dựa trên nho giáo, nho học và chữ Hán dần dần suy tàn, nhường chỗ cho một hệ thống văn hoá – giáo dục mới với công cụ là chữ quốc ngữ và chữ Pháp, chuyển tải văn minh và ý thức hệ dân chủ – tư sản phương Tây. Nhưng mặt khác, sự đồng hoá, nô dịch văn hoá cùng với chính sách ngu dân cũng rất nặng nề. Tuy nhiên, “sứ mạng khai hoá” của người Pháp ở đây đã tạo ra những hệ quả ngoài ý muốn của nhà cầm quyền. Chính mảnh đất của chủ nghĩa thực dân đã gieo mầm giải phóng về tinh thần, cả về mặt con người lẫn mặt dân tộc.
Tóm lại, các tài liệu và tư liệu lưu trữ được trình bày trong cuốn sách đã góp phần giúp chúng ta nhận diện về một “chủ nghĩa thực dân mập mờ” (une colonisationambiguë) như từ của P. Brocheux và D. Héméry dùng trong tác phẩm cùng tên. Nó mang tính chất hai mặt, có những nhân tố tích cực, tiến bộ trên một phông nền tiêu cực, phản tiến bộ.
Hai tập sách còn đi xa hơn – dù mới chỉ ở mức độ khiêm tốn – khi nói đến Hà Nội trong một năm đầu độc lập dưới chính thể dân chủ cộng hoà (1945-1946), cả đến trong thời kỳ cuộc chiến tranh chống Pháp tiếp theo (1946-1954), trong đó có những thông tin khá lý thú. Chỉ đơn cử một thí dụ: có lẽ ít người biết rằng chỉ trong năm đầu tiên sau cách mạng tháng Tám, ở Hà Nội đã có hơn 100 tờ báo được cấp phép xuất bản, trong số đó 39 tờ là của các tổ chức đoàn thể và 75 tờ là các báo tư nhân.
Phần phụ lục của bộ sách cũng cung cấp cho người đọc nhiều thông tin bổ ích. Đáng chú ý là các bảng đối chiếu được xây dựng một cách khoa học, nghiêm túc và công phu, giúp người đọc có thể theo dõi, nghiên cứu về tên các đường phố cũ và mới cùng vị trí chính xác của nó qua từng năm tháng lịch sử. Các mục từ điển chú giải, bản đồ, tranh ảnh, bản vẽ thiết kế cùng sách dẫn đã làm tăng tính khoa học và hiện đại của công trình, tạo điều kiện dễ dàng cho người đọc tiếp cận.
Hai cuốn sách dày với những thông tin thô mộc, những con số, tên người tên đất tưởng chừng như lạnh lùng, mới lướt qua có thể đem lại cho chúng ta một ấn tượng khô khan, nặng nề, khó đọc. Nhưng những ai ham hiểu biết, thích tìm tòi sẽ sớm phát hiện được sự hấp dẫn của nó, sự hấp dẫn của kiến thức khoa học, hình ảnh của quá khứ, tính chân thực lịch sử gợi mở ra nhiều suy nghĩ. Có điều, như chính bản thân người viết bài này, nếu đã hào hứng đọc một mạch hai tập sách dày, thì rất cần phải nên đọc lại nó nhiều lần, một cách chậm rãi, tỉ mỉ, có đối chiếu khảo chứng, suy nghĩ và liên tưởng qua từng thông tin, sự kiện, chi tiết ẩn náu bên trong từng câu chữ. Nó là một cuốn sách để đọc biết, nhưng chủ yếu hơn, đó là một cuốn sách tra cứu đa tiện ích, một cuốn sách công cụ trong tay những người nghiên cứu khoa học, những nhà quản lý, những nhà chuyên môn về Hà Nội, giới giảng viên, sinh viên, học sinh và tất cả những ai muốn hiểu và yêu Hà Nội.
Có lẽ chỉ với một tình yêu và trách nhiệm như vậy mà nhóm tác giả biên soạn và dịch thuật do nữ tiến sĩ Đào Thị Diến chủ biên mới có đủ tâm huyết và nghị lực lao động, vượt qua những khó khăn để hoàn thành chu đáo và kịp thời bộ sách, như một món quà tặng cho đại lễ Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi, với ý thức rằng sự thật của quá khứ chính là một cuộc đối thoại thường trực, một thông điệp đa nghĩa nhắn gửi cho hiện tại. Và chúng ta cũng dễ dàng hiểu được tại sao bộ sách hai tập này đã được đông đảo độc giả thuộc các giới khác nhau hoan nghênh đón đọc và đánh giá cao.
(Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, tháng 1 - 2011)