Họp nghiệm thu bản thảo: “Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội”
Thi đình là một hình thức thi
cử tuyển dụng nhân tài ở mức cao nhất trong chế độ khoa cử thời xưa. Những bài văn
của kỳ thi này là những áng văn tiêu biểu cả về nội dung lẫn nghệ thuật, đặc biệt
là có tính xã hội cao khi đề cập đến những vấn đề "quốc gia đại sự",
"quốc kế dân sinh".
Bản
thảo chọn lọc
các bài văn sách
Đình đối của các Trạng nguyên các khoa thi Thái học sinh và Tiến sĩ thời Trần,
Lê, Mạc và người đỗ đầu các khoa thi Tiến sĩ thời Nguyễn của Thăng Long - Hà Nội - những người tiêu biểu cho nền học thuật giáo dục truyền thống của Thăng Long - Hà Nội đương thời. Bố
cục của công trình gồm hai phần: phần Tổng quan khảo cứu về thi Đình và văn sách
thi Đình Thăng Long - Hà Nội; phần tuyển dịch tập hợp 24 bài văn sách của các tác
giả là người Thăng Long - Hà Nội. Đội ngũ tác giả biên soạn là những nhà nghiên
cứu làm việc lâu năm trong lĩnh vực Hán Nôm (Chủ biên: PGS.TS. Nguyễn
Văn Thịnh, Nhóm biên soạn: ThS. Đinh Thanh Hiếu,
ThS. Phùng Minh Hiếu...) nên bản thảo đạt được độ tin cậy cao theo như đánh giá
của Hội đồng thẩm định.
Hội
đồng nghiệm thu cũng là những chuyên gia về văn học trung đại và Hán Nôm nên đều
đã thẩm định bản thảo một cách nhiệt tình, nghiêm túc và đã rút ra những nhận xét
thực sự cần thiết với những người biên soạn. Vấn đề quan trọng cần phải tiếp tục
chỉnh sửa là bài tổng quan. Nhìn chung, nguồn tư liệu đã được chủ biên tập hợp
rất phong phú và thú vị tuy nhiên để phù hợp với chuyên khảo này thì bài tổng
quan cần phải khoanh vùng và làm nổi bật hơn các vấn đề trọng tâm. Ở bài viết này
cần phải nêu rõ giá trị, ý nghĩa quan trọng của các bài văn sách thi Đình, có
thể nói đây là sản phẩm hàng đầu của nền văn hiến Thủ đô thời kỳ phong kiến. Bài
viết có thể nêu diện mạo nền văn sách thi Đình trong hệ thống thi cử Hán học Việt
Nam
nhưng cần tập trung vào nền văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội với những đặc
trưng của nó.
Phần
tuyển dịch chiếm phần lớn dung lượng của bản thảo. Với sự hỗ trợ đắc lực của
những cộng sự có vốn Hán ngữ phong phú, có vốn văn hóa Việt Nam và Trung Quốc dày dặn, chất lượng
dịch chú của cuốn sách được Hội đồng đánh giá cao. Tuy nhiên, để bản thảo hấp dẫn
hơn và gần gũi hơn với bạn đọc hiện đại, nhóm biên soạn vẫn cần phải tiếp tục rà
soát, gia công phần dịch. Cách làm thống nhất là dung hòa hai cách dịch: cố gắng
vừa giữ được "văn khí", "văn thái" của người xưa, vừa có sự
trong sáng, dễ hiểu đối với người nay.
Ngoài
ra, bản thảo nên bổ sung thêm phần phàm lệ, trong đó làm rõ các khái niệm, quy
cách cũng như tiêu chí tuyển chọn. Nếu có thể chủ biên cũng nên bổ sung phần phụ
lục về danh sách các trạng nguyên... để làm bản thảo phong phú hơn.
Tập
thể biên soạn sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để bản thảo quan trọng và thú vị
này sẽ sớm ra mắt độc giả.
Nhà xuất bản Hà Nội