LỊCH SỬ THĂNG LONG - HÀ NỘI NHÌN QUA LỊCH SỬ CÁC VƯƠNG TRIỀU
Khi xây dựng cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I và II mảng sách Lịch sử, ý tưởng biên soạn lịch sử các vương triều lựa chọn Thăng Long làm kinh đô đã được xâu chuỗi. Đây chính là những lát cắt lịch sử được nghiên cứu một cách toàn diện nhất, tập hợp những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất, tạo nên một bức tranh đầy đủ, liên tục suốt hơn 500 năm.
Nằm trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I, cuốn sách Vương triều Lý (1009 - 1226) do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên là cuốn sách đầu tiên định hình cho cách viết sử về các vương triều trong Tủ sách. Vương triều Lý là vương triều có ý nghĩa rất đặc biệt, mở đầu cho lịch sử 1000 năm hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách Vương triều Lý đánh dấu lần đầu tiên có một công trình đề cập đến một cách toàn diện và đầy đủ các vấn đề của triều Lý, toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển, tồn tại và suy vong của vương triều này. Sách xuất bản năm 2010.
Tiếp nối mạch về các vương triều, trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội đã tiếp tục đưa hai đề tài Vương triều Trần (1226 – 1400) và Vương triều Lê (1428 – 1527) vào cơ cấu mảng sách Lịch sử. Hai cuốn sách do PGS.TS Vũ Văn Quân và GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, sẽ được xuất bản trong năm 2019.
Nếu như triều Lý là triều đại mở đầu của kỷ nguyên Đại Việt thì vương triều Trần tiếp nối sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố thống nhất quốc gia và thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh Đại Việt, nền văn hoá Thăng Long. Với 174 năm tồn tại triều Trần đã chấm dứt được tình trạng hỗn loạn vào cuối đời Lý, khôi phục và củng cố chính quyền trung ương, lập lại trật tự chính trị - xã hội. Đặc biệt triều Trần đã lãnh đạo quân dân Đại Việt lập nên vũ công hiển hách của ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258, 1285, 1287 - 1288) - một trong những thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử giữ nước quang vinh của dân tộc ta.
Đỉnh cao trong sự phát triển của văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt là dưới triều Lê (1428 - 1527). Với những thành tựu rạng rỡ võ công, văn trị triều Lê đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của đất nước và của kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh.
Qua 3 lát cắt, khá xuyên suốt của lịch sử này chúng ta thấy được quá trình hình thành, phát triển của kinh đô Thăng Long (Đông Kinh).
Trước hết đó là quá trình khẳng định vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Dưới nền chính trị sơ sài thời mở nước (An Dương Vương, Âu Lạc) Cổ Loa (một vùng đất nằm trong Thăng Long - Hà Nội) đã là một khu vực đặc biệt đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của triều đình trung ương. Khi triều Lý lựa chọn Thăng Long làm kinh đô đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về lực lượng, về nhận thức, về trách nhiệm và tư duy quản lý đất nước. Và bắt đầu từ đây, các triều Trần, Lê đã tiếp tục lựa chọn Thăng Long là nơi tập trung của chính quyền quân chủ, là nơi hiện diện của triều đình trung ương, bao gồm vua và bộ máy quan lại. 500 năm lịch sử đã chứng tỏ vị thế, vai trò không thể thay thế của Thăng Long trong tiến trình lịch sử đất nước.
Sự phát triển của kinh đô Thăng Long qua ba cuốn sử về 3 vương triều còn được thể hiện qua quá trình xây dựng Hoàng thành Thăng Long. Từ thời Lý đến thời Trần, rôi thời Lê, hoàng thành Thăng Long đều được chia thành hai khu tương đối độc lập là khu Chính trị và khu Quân sự. Sự khác nhau là cùng với sự phát triển của chế độ trung ương tập quyền thì mức độ bảo vệ nghiêm ngạt của Khu Chính trị ngày càng gia tăng. Mô hình “tam trùng thành quách”, được lựa chọn ở cả 3 vương triều nhưng mang dấu ấn của sự thích ứng với vị trí địa lý, với nhu cầu xây dựng một “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Dù là Cung Thành hay Cấm Thành, Long Thành, Phượng Thành, Long Phượng thành dưới các thời Lý - Trần - Lê, chúng ta có thể chắc chắn đây là nền tảng để hình thành nên thành Hà Nội thời Nguyễn sau này.
Lịch sử của Thăng Long- Hà Nội là lịch sử của quá trình đô thị hóa. Từ khi trở thành kinh đô của quốc gia Đại Việt, quá trình đô thị hoá ở Đại La - Thăng Long có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Nơi đây đã thu hút được nhiều luồng cư dân từ khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống. Từ một Kinh đô Thăng Long với phần “đô” nổi nét hơn phần “thị”, đến thời Lê, với sự xuất hiện mạnh mẽ các phường nghề, kinh đô Thăng Long đã khẳng định vai trò một trung tâm kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, quá trình gia tăng dân số và sự mở rộng các đơn vị cư trú là hai yếu tố chủ đạo và diễn ra thường xuyên ở Thăng Long trong suốt các thế kỷ XI-XIV.
Còn rất nhiều điều về Thăng Long - Hà Nội đang tiếp tục được khám phá qua ba cuốn lịch sử: Vương triều Lý (1009 - 1226), Vương triều Trần (1226 - 1400), Vương triều Lê (1428 - 1527). Với một góc nhìn khác, chắc chắn hình ảnh của Thăng Long – Hà Nội sẽ trở nên hoàn thiện hơn.
Tuấn Nguyễn