Ở
giai đoạn II Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Ban Quản lý Dự
án Nhà xuất bản Hà Nội tiếp tục thành lập các Ban Tư vấn chuyên môn của
các mảng sách Văn học - Nghệ thuật, Kinh tế - Văn hóa xã hội, Lịch sử,
Địa lý, Tư liệu tổng hợp, Mỹ thuật và Công nghệ thông tin. Nhiệm vụ của
mỗi ban là tư vấn cho Chủ đầu tư về danh mục đề tài để giới thiệu, đề
xuất các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn các đầu sách, đồng thời
cùng với Chủ đầu tư tổ chức các Hội đồng nghiệm thu thẩm định đề cương,
thẩm định nội dung khoa học các đề tài trong Tủ sách.
Sau
cuộc họp Hội đồng Tư vấn khoa học của Dự án vào đầu tháng 3/2013, Ban
Quản lý Dự án Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp các Ban Tư vấn chuyên môn,
thảo luận, trao đổi, thống nhất về cơ cấu đề tài thuộc các mảng sách cụ
thể. Chiều thứ 6 ngày 22/3/2013 Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Văn học
- Nghệ thuật họp phiên đầu tiên, chủ trì cuộc họp là Nhà thơ Bằng Việt -
Trưởng ban Tư vấn.
Văn
học - Nghệ thuật là một trong những mảng sách chiếm số lượng đề tài khá
nhiều trong cơ cấu đề tài toàn bộ Tủ sách của Dự án giai đoạn I. Trong
giai đoạn trước, mảng sách này đã bao quát một cách tương đối rộng và
sâu các vấn đề thuộc lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật, đã triển khai được
các công trình đồ sộ và công phu về nhiều thể loại Văn học - Nghệ thuật
của Thăng Long - Hà Nội, đó cũng là một thách thức đặt ra đối với Chủ
đầu tư cũng như Ban tư vấn chuyên môn mảng sách này ở trong giai đoạn
hiện nay.
Trong
cuộc họp lần này, các thành viên của Ban đã có những đề xuất, những ý
tưởng thiết thực trong việc xây dựng cơ cấu đề tài của mảng sách Văn học
- Nghệ thuật. Theo ý kiến của Nhà thơ Bằng Việt thì cần phải tiếp tục
thực hiện những công trình có giá trị đã được triển khai nhưng chưa được
xuất bản trong giai đoạn trước, điển hình là đề tài Tuyển tập thơ văn Lý - Trần
do GS. Nguyễn Huệ Chi chủ biên, hay các đề tài chưa có điều kiện biên
soạn liên quan đến mỹ thuật, kiến trúc Thăng Long - Hà Nội. Nhiều ý kiến
của PGS.TS. Trần Ngọc Vương, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn và PGS.TS. Nguyễn
Đăng Điệp cũng mang tính gợi mở về việc tinh tuyển văn chương của giai
đoạn lịch sử có giá trị lớn như thời Lê, Mạc; về việc biên soạn những
công trình về tác phẩm có giá trị của các dòng họ có liên quan đến kinh
đô như dòng văn Phan Huy, dòng văn Nguyễn Tiên Điền, một số dòng họ lớn
hay các danh sĩ lớn ở Hà Tây cũ như Tản Đà, Phùng Khắc Khoan; hay đề tài
về thơ văn chùa Hương dù đã được xuất bản nhưng vẫn có thể tuyển chọn
và bổ sung thêm các tác phẩm hay, tiêu biểu về vùng đất này... Các thành
viên của Ban Tư vấn cũng như Ban Quản lý Dự án đều nhấn mạnh một vấn đề
quan trọng là Dự án giai đoạn II không phải là sự nối tiếp một cách cơ
học với giai đoạn I mà sẽ là sự thống nhất xuyên suốt hài hòa giữa hai
vùng đất của thủ đô Hà Nội trước và sau khi thay đổi địa dư. Vấn đề này
sẽ là tiêu chí quan trọng để xác định đặc điểm các công trình ở tất cả
các mảng sách, trong đó có cả Văn học - Nghệ thuật.
Nhà
báo Nguyễn Kim Sơn - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hà Nội, Trưởng
ban Quản lý Dự án cảm ơn những ý kiến đóng góp thiết thực và bổ ích của
các thành viên Ban Tư vấn chuyên môn Văn học - Nghệ thuật. Tiếp thu
những ý kiến tư vấn của Ban Tư vấn, sau cuộc họp Ban Quản lý Dự án sẽ
tiếp tục làm việc với Trưởng ban Tư vấn để thống nhất cũng như lên kế
hoạch triển khai các đề tài cụ thể của Ban trong thời gian sớm nhất.
Nhà xuất bản Hà Nội