Trong
không khí khẩn trương tổ chức họp các Ban Tư vấn chuyên môn để triển
khai những vấn đề cụ thể của từng mảng sách, tiếp sau cuộc họp Ban Tư
vấn chuyên môn Văn học - Nghệ thuật, sáng thứ 7 ngày 23/3/2013, Nhà xuất
bản Hà Nội tổ chức họp Ban Tư vấn chuyên môn sách Lịch sử. Cuộc họp có
sự tham gia của các thành viên Ban Tư vấn, đại diện Ban Quản lý Dự án
NXB Hà Nội dưới sự chủ trì của Trưởng ban Tư vấn - GS. Phan Huy Lê.
Tổng
kết lại kết quả biên soạn ở giai đoạn I thì mảng sách Lịch sử có 16 đề
tài trong toàn bộ Tủ sách, đây đều là những công trình có giá trị, được
đánh giá cao. Trong cuộc họp lần này, Ban Quản lý Dự án đã đưa ra danh
mục dự kiến cơ cấu đề tài giai đoạn II nhằm xin ý kiến của Ban tư vấn về
tính khả thi của đề tài và giới thiệu thêm các đề tài mới cũng như đề
xuất lựa chọn tác giả thực hiện phù hợp.
Nhận
định về danh mục cơ cấu này, các thành viên của Ban Tư vấn đều đánh giá
cao các đề tài được đưa ra, đặc biệt một số đề tài rất có giá trị và
quy mô lớn, nếu triển khai được thì sẽ là những tư liệu quý báu về văn
hiến Thăng Long - Hà Nội như: Châu bản Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long. Một số đề tài cũng có tính khả thi cao như Vương triều Trần hay Kinh đô Thăng Long thời Lê - Mạc sẽ cùng với Vương triều Lý (1009-1226) đã xuất bản trong giai đoạn I tạo thành một tổng thể công trình nghiên cứu chuyên sâu về các triều đại giúp độc giả có được những nhận thức mới, đầy đủ, toàn diện hơn về dấu ấn, đóng góp của các triều đại với Thủ đô.
Phát
biểu tại cuộc họp, nhiều thành viên của Ban Tư vấn cũng đưa ra những đề
xuất, giới thiệu những đề tài có ý nghĩa về mặt khoa học, lịch sử cũng
như có tính khả thi như Tổng tập khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội;
đề tài tập trung khai thác giai đoạn lịch sử Hà Nội thời kỳ cận hiện
đại - là thời kỳ có nhiều biến đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt
là về tổ chức quản lý, quy hoạch hành chính... hay đề tài về Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không với những tư liệu, nghiên cứu mới được công bố rất có giá trị...
Bên cạnh đó, một số đề tài đã được đầu tư triển khai trong giai đoạn I nhưng chưa hoàn thiện (Lịch sử báo chí Hà Nội) hoặc chưa in ấn (Thành Thăng Long - Hà Nội) cũng cần nhanh chóng được xuất bản để sớm ra mắt bạn đọc. Riêng Người đứng đầu chính quyền Thăng Long - Hà Nội (1010-1945)
là đề tài có tính phức tạp và chưa khai thác triệt để nên cần có sự đầu
tư nghiên cứu thêm nữa để xuất bản trong giai đoạn II, đồng thời công
trình trước đây đã được đưa vào cơ cấu mảng sách Văn hóa - Xã hội
nhưng đây lại là đề tài mang tính lịch sử cao nên trong giai đoạn II có
thể chuyển sang mảng sách Lịch sử.
Một
vấn đề khó khăn trong giai đoạn II so với giai đoạn I đó là kinh phí và
thời gian thực hiện Dự án tương đương nhưng ở giai đoạn hiện nay số
lượng những công trình đã được triển khai nghiên cứu từ trước không còn
nhiều mà hầu như sẽ phải đầu tư nghiên cứu, biên soạn mới từ đầu, điều
này cũng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Ban Quản lý Dự án, đòi
hỏi cần có sự đầu tư thích đáng và hợp lý. Trên cơ sở những tư vấn, ý
kiến đóng góp của Ban Tư vấn chuyên môn, Ban Quản lý Dự án sẽ tổng hợp
và lên kế hoạch triển khai các đề tài cụ thể.
Nhà xuất bản Hà Nội