Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tin dự án |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết tin dự án
Bộ sách “Văn hiến Thăng Long” - Bách khoa thư về di sản văn hiến của mảnh đất nghìn năm
Thứ ba, 09/04/2013 10:07
Văn hiến Thăng Long - một đề tài mang ý nghĩa văn hóa, khoa học và tính thực tiễn rất sâu sắc với vốn kiến văn sâu rộng, vốn trí thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực văn - sử - triết, bộ sách đã mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về di sản văn hiến của mảnh đất nghìn năm.

Ngày 06/4/2013, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu bản thảo “Văn hiến Thăng Long” do GS. Vũ khiêu chủ biên. GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu và có sự tham dự của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, đại diện Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội.

Theo GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu bản thảo: “Văn hiến Thăng Long là một trong những đề tài trọng yếu nhất trong những nghiên cứu về Thăng Long cũng như thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiểu biết của nhân dân Thủ đô và của cả nước về di sản Thăng Long nghìn năm văn hiến, trong giáo dục truyền thống, trong cung cấp cứ liệu khoa học cho các nhà lãnh đạo, quản lý giải quyết những vấn đề đặt ra trên con đường xây dựng Thủ đô ngày nay. Đây là một đề tài mang ý nghĩa văn hóa, khoa học và tính thực tiễn rất sâu sắc”.

“Văn hiến Thăng Long” là bộ sách nghiên cứu được biên soạn theo chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và nằm trong danh mục đề tài của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do NXB Hà Nội làm Chủ đầu tư. Với 3 quyển dày gần 2.500 trang, bộ sách được đánh giá là một công trình độ sộ, nội dung bao quát tất cả những vấn đề của văn hiến Thăng Long, từ khái niệm, phương pháp luận đến nội dung cơ bản của văn hiến Thăng Long, quá trình hình thành, phát triển qua các thời kỳ lịch sử, con đường hội tụ và lan tỏa của các giá trị văn hiến. Đó không phải là kết quả nghiên cứu trong thời gian ngắn thực hiện đề tài mà có thể gọi là tập hợp tổng thể những nghiên cứu của GS. Vũ Khiêu trong nhiều thập kỷ qua; tích lũy, chắt lọc, kết tinh những suy tư, tâm huyết của tác giả qua một đời lao động khoa học không ngừng nghỉ cho đến ngày hôm nay.

Ba quyển của bộ sách tương ứng với ba thời kỳ lớn trong lịch sử dân tộc và lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Quyển 1 và 2 tổng kết về văn hiến Thăng Long theo phân kỳ thời gian kéo dài từ thời Văn Lang - Âu Lạc và dưới thời Bắc thuộc cho đến triều Nguyễn (quyển 1), trải qua thời kỳ chống đế quốc và giải phóng dân tộc (quyển 2). Điều này không chỉ đơn thuần là phân kỳ theo các giai đoạn lịch sử mà điều đáng chú ý ở đây là cuốn sách làm rõ tiến trình hình thành và phát triển văn hiến Thăng Long qua từng giai đoạn với sự ảnh hưởng của chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; trong mối quan hệ biện chứng giữa Thăng Long - Hà Nội với tư cách là kinh thành, thủ đô của một nước, trung tâm văn hóa lớn của dân tộc với các vùng trong cả nước. Toàn bộ quyển 3 tập trung nói về văn hiến Thăng Long thời đại Hồ Chí Minh mà nhân vật chính là lãnh tụ Hồ Chí Minh với những vấn đề có tính dân tộc và nhân loại; phân tích thực trạng và diễn biến của Hà Nội trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ ra những thách thức của văn hiến Thăng Long trong thời đại ngày nay đồng thời đặt ra vấn đề xây dựng Hà Nội trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Có thể nói, với vốn kiến văn sâu rộng, vốn trí thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực văn - sử - triết, bộ sách đã mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về di sản văn hiến của mảnh đất nghìn năm. Mặt khác, là một công trình nghiên cứu khoa học nhưng lại được “chưng cất” qua sự suy nghiệm của cá nhân tác giả, những vấn đề mang tính triết học và sử học lại được trình bày qua một văn phong rất riêng, mang dấu ấn của người viết bởi thể hiện suy tư theo lối diễn đạt cá nhân. Đó là một điểm thú vị, độc đáo khiến bộ sách cuốn hút và chuyển tải những vấn đề khoa học đến độc giả một cách nhuần nhuyễn và dễ dàng.

Bên cạnh việc trân trọng và nhấn mạnh những giá trị, ưu điểm của bộ sách, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cũng góp ý một số vấn đề để tác giả hoàn thiện công trình trước khi xuất bản. Vì bộ sách tập hợp kết quả nghiên cứu của tác giả về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội nên bên cạnh thế mạnh là mọi vấn đề đều có độ dài thời gian để nhìn nhận và suy ngẫm thì còn có hạn chế khiến công trình nhiều lúc trở nên dàn trải, thiếu tập trung vào vấn đề chính là văn hiến Thăng Long. Hội đồng đề nghị chủ biên và các cộng sự cần tiếp tục xem xét kỹ mối quan hệ giữa văn hiến Thăng Long và văn hiến Việt Nam, từ đó mạnh dạn và cân nhắc lược bỏ những kiến thức, thông tin quá rộng, chưa gắn chặt với chủ đề. Mặt khác, với dung lượng đồ sộ và lượng kiến thức phong phú, mỗi quyển của bộ sách về một khía cạnh nào đó cũng có thể là một cuốn sách độc lập. Điều đó đòi hỏi tác giả cần tạo ra sự gắn kết, tương thông nhiều hơn nữa giữa các quyển trong cả bộ và giữa các chương, phần trong từng quyển; cùng với đó là cần thống nhất trong hình thức trình bày các chương, mục để tạo ra tính thống nhất trong toàn công trình nghiên cứu. Ngoài ra, để hoàn thiện bản thảo hơn nữa, tác giả và các cộng sự có thể tham khảo một số thông tin mới về các sự kiện, nhân vật lịch sử ở nhiều hội thảo khoa học trong những năm gần đây để cập nhật hơn với những kết quả nghiên cứu mới. Hội đồng đề nghị sau khi bản thảo hoàn thiện, NXB Hà Nội cần sớm triển khai công tác biên tập và xuất bản.

          Với tâm huyết của một người gần 80 năm sống, gắn bó với Thủ đô, GS. Vũ Khiêu cùng với cộng sự đã biên soạn bộ “Văn hiến Thăng Long”,  một công trình đồ sộ, được biên soạn một cách nghiêm túc, công phu. Tin tưởng rằng bộ sách khi xuất bản sẽ xứng đáng là một bách khoa thư về văn hiến Thăng Long - Hà Nội, cùng với những công trình khác trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến phục vụ công tác gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hiến vô giá của mảnh đất kinh kỳ.


Nhà xuất bản Hà Nội
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá