
Ông Nguyễn Kim Sơn -
Tổng giám đốc, Tổng Biên tập, Trưởng ban Quản lý dự án NXB Hà Nội
phát biểu
khai mạc cuộc họp
Chiều thứ 3 ngày 09/4/2013, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn
năm văn hiến - Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức họp Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách
Địa lý. Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Ban Tư vấn, đại diện Ban
Quản lý Dự án NXB Hà Nội dưới sự chủ trì của Trưởng ban - GS.TS. Nguyễn Quang
Ngọc.
Trong Dự án Tủ sách giai đoạn I, mảng sách Địa lý tham gia với số lượng
đề tài tuy không nhiều (6 đề tài) nhưng được đánh giá cao về chất lượng, trong
đó có những công trình đặc biệt có giá trị, được biên soạn công phu với sự tham
gia của đông đảo các nhà nghiên cứu tâm huyết với Thủ đô như “Atlas Thăng
Long - Hà Nội”, “Địa bạ cổ Hà Nội”, “Địa chí Hà Tây”... Đó
cũng là thách thức đối với những người tham gia mảng sách này ở Dự án giai đoạn
II, đặc biệt khi Ban Quản lý Dự án cùng Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách đều
nhấn mạnh tiêu chí: số lượng sách có thể không nhiều nhưng đòi hỏi sách phải có
chất lượng cao, đầu tư một cách nghiêm túc và thực sự có giá trị. Trên cơ sở
tiêu chí này, cuộc họp Ban Tư vấn chuyên môn sách Địa lý diễn ra sôi nổi, với
sự đóng góp ý kiến rất nhiệt huyết của các nhà khoa học, thành viên tham gia.
Cuộc họp về cơ bản đã thống nhất được cơ cấu đề tài của mảng sách Địa lý đồng
thời giới thiệu, đề xuất các cá nhân và tập thể phù hợp tham gia chủ trì đề
tài.

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - Trưởng ban Tư vấn chuyên
môn mảng sách Địa lý chủ trì cuộc họp
“Địa lý Hà Nội” là đề tài đã được đề xuất
từ giai đoạn I nhưng do một số lý do chưa thể thực hiện được, công trình đòi
hỏi kinh phí lớn, nhưng thực sự cần thiết và có giá trị cao phục vụ công tác
nghiên cứu cũng như thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai, chính vì
thế đây được coi là một trong những đề tài được đánh giá là trọng điểm, cần tập
trung triển khai trong giai đoạn này. “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội”
là một đề tài của giai đoạn I do khách quan chưa tổ chức tiến hành biên soạn. Đề
tài này có ý nghĩa và giá trị cho việc nghiên cứu, phát triển kinh tế, văn hóa
và xã hội của Thủ đô mặt khác lại có thể kế thừa kết quả nghiên cứu của Viện
Việt Nam học và Khoa học phát triển, do đó việc triển khai đề tài trong thời
điểm hiện nay được đánh giá là có tính khả thi cao.
Ban Tư vấn chuyên môn cùng Ban Quản lý Dự án cũng tập trung đánh giá
một số đề tài mới đề xuất như “Hệ thống sông hồ Hà Nội” và “Dân cư và
quá trình di dân trên đất Thăng Long - Hà Nội”. Đây được coi là những vấn
đề khá thời sự của Hà Nội trong thời điểm hiện nay. Việc biên soạn thành công
những công trình này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu
khoa học mà sẽ có tác dụng dự báo những xu thế mới, đồng thời đưa ra những định
hướng và các giải pháp liên quan đến việc phát triển tự nhiên và xã hội của Thủ
đô Hà Nội hiện tại và tương lai.

Ban Tư vấn chuyên môn thảoo luận về cơ cấu đề tài
mảng sách Địa lý
Một trong những khó khăn của mảng sách Địa lý ở giai đoạn II đó là hầu
hết các đề tài phải biên soạn mới và là những đề tài có quy mô, phạm vi nghiên
cứu rộng, do đó đòi hỏi sự hỗ trợ đáng kể về kinh phí. Tuy vậy, Ban Quản lý Dự
án NXB Hà Nội vẫn quyết tâm và nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn để Tủ sách Thăng
Long ngàn năm văn hiến đạt chất lượng và thực sự có giá trị với đời sống xã hội
hiện tại và tương lai.